
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra - Ảnh: AFP
Theo báo The Nation ngày 16-7, Tòa án Hình sự Thái Lan đã ấn định ngày 22-8 sẽ tuyên án đối với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra trong vụ án phỉ báng hoàng gia, theo Điều 112 của Bộ luật Hình sự.
Diễn biến này đánh dấu giai đoạn then chốt trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt với đế chế chính trị do gia tộc Shinawatra gây dựng, vốn đang chao đảo nghiêm trọng sau hàng loạt biến cố liên tiếp.
Điềm tĩnh trước phiên tòa
Ông Thaksin, 75 tuổi, hiện có thể đối mặt án tù lên đến 15 năm nếu bị kết tội khi quân (xúc phạm hoàng gia), một tội danh được luật Thái Lan quy định rất nghiêm để bảo vệ hoàng gia khỏi chỉ trích.
Sáng 16-7, ông Thaksin ra tòa làm chứng. Theo luật sư Winyat Chatmontri, ông sẽ tiếp tục điều trần trong cả ngày hôm nay.
Nhóm luật sư bào chữa cho biết đã hoàn tất phần trình bày nhân chứng sau khi ba người chủ chốt ra làm chứng: ông Wissanu Krea-ngam (cựu phó thủ tướng), ông Tongthong Chandransu (nguyên bí thư thường trực Văn phòng Thủ tướng) và chính ông Thaksin.
Dù ban đầu dự kiến có 14 nhân chứng, đội ngũ bào chữa quyết định kết thúc sớm, cho rằng ba nhân chứng trên là đủ để bảo vệ quan điểm của thân chủ.
Cựu thủ tướng tới tòa án bằng xe Mercedes-Benz, tránh tiếp xúc với báo giới bằng cách đi cửa bên.
Vụ án bắt nguồn từ cuộc phỏng vấn ông Thaksin thực hiện với báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc hồi tháng 5-2015.
Trong cuộc phỏng vấn này, ông Thaksin được cho là đã đề cập đến các thành viên Hội đồng Cơ mật hoàng gia và cuộc đảo chính quân sự năm 2014 - sự kiện dẫn đến việc lật đổ chính phủ do em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, lãnh đạo.
Bên ngoài tòa án, khoảng 50 người ủng hộ mặc áo đỏ, màu biểu tượng của phong trào chính trị do ông dẫn dắt, đã tụ tập để cổ vũ cựu thủ tướng.
"Ông ấy rất tài giỏi, nhưng những kẻ xấu luôn tìm cách loại bỏ ông", bà Vaew Wilailak (79 tuổi), một người ủng hộ, chia sẻ.
Ông Thaksin trở về Thái Lan vào tháng 8-2023, kết thúc 15 năm sống lưu vong sau cuộc đảo chính năm 2006.
Ông quay lại đúng vào thời điểm Đảng Pheu Thai, do gia đình ông đứng sau, thành lập chính phủ liên minh.
Liên minh này nhận được sự hậu thuẫn từ các thế lực bảo thủ từng đối đầu gay gắt với ông, làm dấy lên nghi ngờ về một thỏa thuận ngầm để ông có thể trở lại.
Ngay sau khi hồi hương, ông bị tuyên án 8 năm tù vì các tội danh tham nhũng và lạm quyền, nhưng được ân xá, giảm xuống còn 1 năm.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, ông Thaksin bày tỏ lòng trung thành với hoàng gia và biết ơn sự ân xá của Nhà vua Maha Vajiralongkorn. Luật sư của ông nói thân chủ mình "rất điềm tĩnh" khi đối mặt với phiên tòa đầy rủi ro này.

Những người ủng hộ ông Thaksin ngồi bên ngoài tòa án - Ảnh: AFP
Liên minh Pheu Thai lung lay nghiêm trọng
Hai tuần trước, ngày 1-7, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra - con gái ông Thaksin - bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ để chờ điều tra về đạo đức.
Sự việc bắt nguồn từ một cuộc điện đàm ngoại giao bị rò rỉ, trong đó bà gọi Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen là "chú" và mô tả một tư lệnh quân đội Thái Lan là "đối thủ".
Nội dung này khiến bà bị chỉ trích vì bị cho là quá thân thiết với lãnh đạo nước ngoài và làm tổn hại uy tín quân đội Thái Lan.
Theo Hãng tin AFP, vụ việc đã đẩy liên minh cầm quyền do Đảng Pheu Thai dẫn dắt vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhiều đồng minh bảo thủ rút lui khiến chính phủ chỉ còn giữ được thế đa số mong manh tại Quốc hội.
Hiện chính quyền Thái Lan do một thủ tướng tạm quyền điều hành trong bối cảnh dư luận chia rẽ và ngày càng hoài nghi.
Giới phân tích cho rằng dù đã cố gắng hòa giải với các thế lực truyền thống, gia tộc Shinawatra vẫn khó thoát khỏi cái bóng quá khứ.
"Trong bộ máy quyền lực Thái Lan, luôn có những người xem ông Thaksin là mối đe dọa", nhà phân tích chính trị Yuttaporn Issarachai nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận