
Trẻ em chơi banh chuyền, một hình ảnh rất hiếm thấy ở hiện tại - Ảnh: H.HG.
Một chiều thứ bảy, tôi đi ngang qua một khu chung cư cao tầng giữa lòng Hà Nội. Dưới sân, vài đứa trẻ đang tụm lại. Không phải để chơi trò chơi bịt mắt bắt dê hay ô ăn quan, mà để tranh nhau cắm sạc pin vào một cục sạc dự phòng màu hồng hình mèo máy.
Một đứa cầm điện thoại, chơi một trò bắn trứng đầy màu sắc. Mấy đứa khác ngồi xem, thỉnh thoảng hét lên: "Tránh ra! Sắp thắng rồi!".
Không có tiếng hò reo "rồng rắn lên mây", không có tiếng dép lê thình thịch trong trò nhảy dây, càng không có vòng tròn bạn bè nắm tay nhau cười khanh khách. Tuổi thơ hôm nay im lìm đến lạ.
Dường như "trẻ con thành phố" đang lớn lên trong một thế giới thiếu đi điều gì đó, những trò chơi từng là ký ức không thể thay thế của cả một thế hệ.
Thành phố chật, trò chơi và ký ức lùi xa
Một người chị đồng nghiệp của tôi đã là mẹ của hai đứa trẻ tiểu học, kể lại câu chuyện vừa buồn cười vừa buồn thật.
"Hôm đó chị kể với con là hồi nhỏ mẹ thích chơi chuyền lắm. Nó ngẩng đầu lên, mắt tròn xoe hỏi lại: Mẹ chơi... truyền hình hả?". Câu hỏi ngây ngô ấy khiến chị khựng lại, không phải vì con không hiểu, mà vì một điều khác sâu hơn: khoảng cách tuổi thơ giữa hai thế hệ giờ đây đã quá xa.
Điều mẹ từng say mê, những que sắt nhỏ chuyền qua từng nhịp tung bóng, nay trở thành khái niệm xa lạ với chính con của mình.
Con bé cầm trái bóng nhỏ trong tay, xoay xoay như cầm một món đồ cổ, rồi đặt xuống vì… "không biết dùng để làm gì".
Chị đồng nghiệp của tôi, lúc ấy chỉ biết nhìn con và cười, một nụ cười nhòe trong ký ức. Ký ức về những trưa hè đầy nắng, bàn tay tróc da vì chơi chuyền quá nhiều, và tiếng cười lan dài từ hè nhà này sang hè nhà khác.
Giờ tất cả chỉ còn trong lòng người mẹ.
Những khu phố cũ ngày xưa, nơi chỉ cần viên sỏi, mấy cái nắp chai và sợi dây thun là đã đủ cả buổi chiều cười nghiêng ngả, nay đã được thay bằng chuỗi cửa hàng tiện lợi, bãi giữ xe, hoặc rào chắn vì "không an toàn cho trẻ nhỏ".
Những sân trường giờ đây khóa cửa ngoài giờ học, hoặc được lát bê tông trơn lạnh, không còn góc tán cây, bãi đất trống để con nít vẽ ô, nhảy lò cò. Các phụ huynh thì sợ con bẩn, sợ con ngã, nên tốt nhất... cứ đưa cho con một chiếc điện thoại, ổn định, an toàn, đỡ phiền.
Kết quả là, những trò chơi dân gian từng gắn với nụ cười lấm lem và tình bạn vô tư, giờ chỉ còn trong sách giáo khoa và… các cuộc thi diễn lại có kịch bản. Trẻ em có thể biết các trò chơi game, nhưng "kéo co", "thả diều", "búng thun" thì mờ mịt.
Tuổi thơ không còn mùi đất, mùi nắng
Tuổi thơ ngày xưa gắn với mùi đất sau cơn mưa, bàn chân dính đầy bụi khi chạy trong sân trống, tiếng ve kêu bên tai lúc đợi bạn xếp đá chơi chuyền. Tuổi thơ ngày nay lại gắn với WiFi, YouTube, và những cái like ảo.
Không phải trẻ con hiện đại dở hơn, mà là trẻ thiếu một môi trường để sống như trẻ con thật sự.
Người lớn chúng ta vì bận rộn, vì lo sợ, vì quá "tiện nghi" đã vô tình lấy đi khỏi con trẻ những điều giản dị nhất: khả năng chơi, khám phá, vấp ngã, cười vang và chạy nhảy ngoài trời.
Chúng ta bù đắp cho con bằng tiếng Anh, lớp học tư duy logic, robot điều khiển, và trại hè công nghệ, nhưng có ai hỏi: Đứa trẻ ấy, có biết cách chơi trốn tìm không? Có từng té trầy đầu gối khi rượt đuổi nhau dưới hàng cây không? Có từng cảm thấy "trưởng thành" khi thắng một ván ô ăn quan với đứa bạn thân?
Nhiều người lớn thích than vãn: "Trẻ con bây giờ không biết gì cả!", nhưng không tự hỏi mình đã từng dẫn con ra công viên chưa, có sẵn sàng chơi với con một ván nhảy lò cò không?
Khi lớn lên, lũ trẻ hôm nay sẽ không có những ký ức về "mỗi lần thua nhảy dây là phải làm thơ", hay "nắm tay nhau chạy quanh góc sân trong trò rồng rắn". Trẻ sẽ nhớ về tuổi thơ bằng những màn hình, nơi mỗi người là một thế giới riêng lẻ, không va chạm, không chạm tay, không ngẩng mặt lên nhìn nhau.
Trò chơi dân gian không tự nhiên mà mất. Nó biến mất vì người lớn quên giữ gìn. Vì những buổi chiều không còn tiếng gọi nhau í ới. Vì chiếc điện thoại quá tiện. Vì công viên bị bê tông hóa. Vì sân trường bị khóa cửa. Vì "bẩn lắm, thôi con đừng ra".
Và có thể, lúc ấy, chúng ta, những người đã từng có một tuổi thơ rực rỡ với trò chơi dân gian sẽ thấy mình có lỗi.
Có lẽ đã đến lúc, chúng ta không chỉ giữ lại những trò chơi dân gian trong sách vở hay hội diễn, mà cần đưa chúng trở về đúng chỗ của nó: sân nhà, góc phố, bãi đất trống, và trong tiếng cười thật sự của lũ trẻ.
Nếu không, một ngày nào đó, chính chúng ta sẽ phải giải thích cho con cháu rằng: "Ngày xưa, chơi là thế đấy. Không có mạng, không có điện thoại. Nhưng có bạn bè. Và có một tuổi thơ thật sự".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận