
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 7 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 17-4, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị trên địa bàn TP.
Theo đó, TP.HCM tạm dừng tổ chức các kỳ thi tuyển công chức.
Đồng thời tạm dừng thực hiện tiếp nhận vào công chức, kể cả những trường hợp mà cơ quan, đơn vị, địa phương đang thực hiện quy trình mà chưa ban hành quyết định.
Chỉ xem xét, thực hiện thủ tục tiếp nhận vào công chức đối với những trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy TP quản lý mà cơ quan có thẩm quyền cấp TP đã có thông báo, chỉ đạo cụ thể.
Tạm dừng tiếp nhận công chức, viên chức từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương khác ngoài phạm vi quản lý của TP.HCM để ưu tiên sắp xếp, bố trí công chức, viên chức trong nội bộ cho đến khi hoàn thành công tác sắp xếp, bố trí nhân sự đơn vị hành chính các cấp của TP, trừ những trường hợp do cấp có thẩm quyền quyết định.
Đáng chú ý, UBND TP.HCM triển khai xây dựng kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý tăng cường đi công tác ở cơ sở.
Cụ thể căn cứ vào kết quả đánh giá hằng năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc UBND TP có trách nhiệm xây dựng danh sách, liên hệ với UBND xã, phường, thị trấn để cử ít nhất 5% công chức, viên chức trong thời gian 5 năm về công tác tại địa phương theo hình thức biệt phái.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, tạo điều kiện làm việc thuận lợi, bố trí nhà ở công vụ theo thực tế của địa phương cho cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường về địa phương.
Cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan cấp TP được cử đi tăng cường ở cơ sở sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi về tiền lương, trợ cấp, khen thưởng… theo quy định của nghị định 178, nghị định 67.
Đối tượng thực hiện đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức... gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý.
- Cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
- Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều 2 nghị định 177; cán bộ đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy cùng cấp, có thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu tổ chức đại hội còn từ 2,5 năm (30 tháng) đến 5 năm đến đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 4 điều 2 nghị định 177 và cán bộ đang tham gia cấp ủy ở các đảng bộ phải kết thúc hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy còn 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp nhân sự cấp ủy trong kỳ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và được cấp có thẩm quyền đồng ý.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện chịu tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật trước thời điểm ngày 15-1-2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận