
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 8-5, Quốc hội đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình tờ trình về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân.
Chuyển từ mô hình viện kiểm sát 4 cấp thành 3 cấp
Theo ông Tiến, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp.
Theo đó hệ thống viện kiểm sát nhân dân được tổ chức, sắp xếp lại từ 4 cấp gồm VKSND tối cao, VKSND cấp cao (3 viện), VKSND tỉnh, thành phố (63 viện), VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (693 viện) và VKS quân sự các cấp (42 viện).
Thành 3 cấp gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, Viện Kiểm sát quân sự các cấp. Như vậy sẽ không tổ chức VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.
Đồng thời dự luật cũng sửa đổi về số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người để bảo đảm nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử đối với hoạt động của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Thông tin thêm về nội dung này, ông Tiến cho hay các nội dung liên quan bổ sung số lượng kiểm sát viên VKSND tối cao đều được nêu cụ thể đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng không tổ chức cấp huyện trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư có kết luận, đồng ý chủ trương đối với đề án. Đề án này đã được trình tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 thông qua.
Một nội dung khác, dự thảo bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân trong xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở tố tụng.
Việc này để bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định về thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ông Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: GIA HÂN
Đề nghị quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên VKSND tối cao
Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ ủy ban tán thành quy định của dự thảo luật về hệ thống viện kiểm sát nhân dân gồm 3 cấp, kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.
Về bổ sung số lượng kiểm sát viên VKSND tối cao, ông Tùng nêu rõ đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng, kiểm sát viên VKSND tối cao là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý.
Vì vậy trước đây khi sửa luật vào năm 2014 cũng đã báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền về số lượng kiểm sát viên VKSND tối cao. Do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Dự thảo luật bổ sung quy định kiểm sát viên được bổ nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác (ngoài nhiệm vụ công tố và kiểm sát hiện nay).
Về nội dung này, ông Tùng nêu ủy ban cơ bản tán thành quy định nêu trên và nhận thấy nội dung này đồng bộ với Luật Tổ chức tòa án nhân dân được ban hành năm 2024.
Bởi tại luật này đã bổ sung quy định thẩm phán được bổ nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác (bên cạnh nhiệm vụ xét xử).
Tuy nhiên để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, tránh việc bổ nhiệm các chức danh tư pháp để thực hiện các nhiệm vụ hành chính, Luật Tổ chức tòa án nhân dân còn quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán Tòa án nhân dân.
Do đó đề nghị bổ sung và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên VKSND tối cao và các ngạch kiểm sát viên khác tương tự như quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận