
Đập Tam Hiệp tọa lạc ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
“Trung Quốc đã hợp tác với các quốc gia nằm ở hạ lưu sông Yarlung Tsangpo (Tây Tạng) trong công tác báo cáo thủy văn, phòng chống lũ lụt và giảm thiểu thiên tai, đồng thời duy trì trao đổi phù hợp với họ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn (Guo Jiakun) nói về dự án đập thủy điện mới ở Tây Tạng, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 23-7.
Ông Quách khẳng định Trung Quốc sẽ tránh các khu vực thiên nhiên nhạy cảm và nỗ lực tối đa để bảo tồn hệ sinh thái nguyên bản trong quá trình xây dựng đập.
Hôm 20-7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chủ trì lễ khởi công dự án siêu thủy điện trị giá 1.200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 167 tỉ USD) ở hạ lưu sông Yarlung Tsangpo.
Tân Hoa xã cho biết dự án có quy mô gấp ba lần đập Tam Hiệp và được kỳ vọng trở thành công trình thủy điện lớn nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích của công ty tài chính đa quốc gia Citigroup, dự án có thể giúp tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thêm gần 0,1 điểm phần trăm ngay trong năm đầu tiên thi công.
Trái lại, Hãng tin Bloomberg nhận định siêu đập này có thể trở thành yếu tố nhạy cảm trong quan hệ Trung - Ấn, do sông Yarlung Tsangpo chảy qua bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ) và nhập vào sông Brahmaputra - nguồn cung cấp nước quan trọng của Bangladesh.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hồi tháng 1 từng bày tỏ quan ngại, khẳng định sẽ “giám sát chặt chẽ và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích”, theo Đài Al Jazeera.
Trước đó, Bắc Kinh từng tuyên bố dự án sẽ không gây “tác động tiêu cực” cho hạ lưu và cam kết duy trì đối thoại với các quốc gia liên quan.
Theo Hãng tin Reuters, các nước nằm ở khu vực hạ lưu sông Yarlung Tsangpo như Ấn Độ và Bangladesh lo ngại siêu đập thủy điện mới sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, vốn là nguồn cung quan trọng cho tưới tiêu, thủy điện và nước sinh hoạt.
Lãnh đạo bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ) cảnh báo đập có thể làm khô tới 80% lượng nước sông chảy qua bang này, đồng thời gây nguy cơ ngập úng ở vùng Assam lân cận.
Ngoài ra, chuyên gia Michael Steckler (Đại học Columbia) cho biết việc giảm phù sa do đập giữ lại sẽ làm mất nguồn dưỡng chất quan trọng cho nông nghiệp tại các vùng đồng bằng phía hạ lưu.
Theo tạp chí về môi trường Yale Environment E360, hệ thống sông ngòi và sông băng rộng lớn của Tây Tạng cung cấp nguồn nước ngọt cho 1,3 tỉ người ở 10 quốc gia.
Sông Yarlung Tsangpo, nơi Trung Quốc xây dựng siêu đập, được xem là con sông cao nhất thế giới, với độ cao khoảng 5.000m và có ý nghĩa tâm linh đặc biệt với người Tây Tạng.
Tuy nhiên vị trí xây đập nằm trong khu vực địa chấn, thường xảy ra lở đất, bão và nguy cơ vỡ hồ băng, khiến giới chuyên gia cảnh báo về rủi ro an toàn khi vận hành công trình quy mô lớn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận