
Trung Quốc đẩy mạnh xử lý hàng giả và quảng cáo sai lệch - Ảnh: Visual China
Thách thức từ thương mại điện tử
Trong nhiều năm, Trung Quốc luôn bị nhắc đến như trung tâm sản xuất và trung chuyển hàng giả lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố ngày 8-1 năm nay, Trung Quốc, bao gồm cả hàng trung chuyển qua Hong Kong, chiếm tới 84% tổng giá trị và 90% tổng số lượng hàng giả bị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thu giữ trong năm 2023.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử, đặc biệt là xu hướng livestream bán hàng, đã tạo thêm những thách thức mới cho cuộc chiến chống hàng giả tại Trung Quốc.
Các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi hơn, sử dụng kết hợp cửa hàng truyền thống để trưng bày sản phẩm, cho khách thử hàng và giao hàng ngoài hệ thống thương mại điện tử, khiến việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở nên khó khăn hơn nhiều.
Bên cạnh đó, báo cáo từ USTR cũng như truyền thông Trung Quốc đều chỉ ra rằng công tác kiểm soát tại các chợ truyền thống còn lỏng lẻo. Sự thiếu phối hợp hiệu quả giữa các cấp quản lý địa phương càng khiến nỗ lực chống hàng giả thêm phức tạp.
Chuyển từ đối phó sang kiểm soát hệ thống
Để đối phó với tình trạng trên, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc thực thi luật thương mại điện tử và luật quảng cáo, đồng thời hoàn thiện các quy định quản lý hành vi quảng cáo sai sự thật và gian lận đánh giá người dùng.
Tại buổi họp báo ngày 24-4, đại diện Tổng cục Giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) cho biết nước này đang triển khai các chiến dịch kiểm tra đồng bộ trực tuyến và ngoại tuyến nhằm xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và buôn bán hàng giả.
Các chiến dịch tiêu biểu như "Hành động dọn dẹp không gian mạng - Thanh Lãng", "Chiến dịch thanh lọc thị trường livestream" và "Hành động Côn Luân" đã được phát động, tập trung vào việc triệt phá nội dung vi phạm và đường dây buôn bán hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt ở vùng nông thôn và khu vực giáp ranh thành thị.
Đáng chú ý, theo báo Kinh Tế Trung Quốc ngày 18-4, SAMR đang soạn thảo "Biện pháp quản lý giám sát thương mại điện tử qua livestream", quy định rõ trách nhiệm của nền tảng vận hành, người bán và đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng.
Trong năm 2024, theo Nhân Dân Nhật báo ngày 17-3, Trung Quốc đã xử lý 37.000 vụ án hình sự liên quan đến hàng giả, trong đó có 12.000 vụ về an toàn thực phẩm và 5.200 vụ liên quan dược phẩm.
Các vụ việc cụ thể như vụ một đối tượng họ Ngô ở tỉnh Quảng Đông bị truy tố vì pha trộn chất cấm vào sản phẩm chăm sóc da trẻ em (theo Tân Hoa xã ngày 14-3), hay công ty tại Quảng Châu bị phạt 1,75 triệu nhân dân tệ vì quảng cáo sai về sữa bột tăng miễn dịch, cho thấy quyết tâm xử lý mạnh tay của chính quyền sở tại.
Ông Chu Kiến Kiều, cục trưởng Cục Giám sát mạng thuộc SAMR, chia sẻ với báo Kinh Tế Trung Quốc rằng Trung Quốc đang chuyển từ việc xử lý tình huống sang xây dựng hệ sinh thái pháp lý chặt chẽ, kết hợp cơ chế giám sát xuyên nền tảng để phòng ngừa vi phạm ngay từ gốc.
Trung Quốc gia tăng kiểm soát ngành livestream
Bên cạnh việc chấn chỉnh thương mại điện tử truyền thống, Trung Quốc cũng tập trung giám sát ngành livestream - lĩnh vực thương mại tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây.
Các biện pháp quản lý mới yêu cầu nền tảng thương mại điện tử chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc buôn bán hàng giả qua livestream. Việc siết chặt quản lý dự kiến sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong ngành công nghiệp này, vốn được xem là động lực mới của tiêu dùng nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận