
Kiều Oanh - Ảnh: NVCC
Ít ai biết đó là cả một hành trình nỗ lực học tiếng Anh của Kiều Oanh.
Xác định mục tiêu, đơn giản hóa kiến thức
Lớn lên ở một làng nhỏ ven thành phố Huế, Oanh không có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh. Giữa lớp 2, cô gái nhỏ mới chuyển về thành phố cùng gia đình. Lúc đó các bạn đồng trang lứa đã học tiếng Anh từ nhỏ, còn Oanh thì mới lần đầu tiếp cận. Nhưng thay vì thu mình lại, Oanh phấn đấu không ngừng.
Trong suốt những năm THCS, THPT, Oanh học ngữ pháp rất tốt nhưng lại không có cơ hội rèn giao tiếp. Thiếu môi trường, cộng thêm tâm lý sợ sai khiến kỹ năng nói của Oanh hạn chế.
Từ một cô bé tự ti vì thua kém bạn bè môn tiếng Anh, nữ sinh chuyên văn Trường Quốc học Huế đó đã quyết tâm theo học tại trường đại học được giảng dạy bằng tiếng Anh, chuyên ngành quản trị truyền thông Đại học Greenwich Việt Nam, cơ sở TP.HCM.
Chia sẻ về hành trình tự học tiếng Anh của mình, Oanh cho biết để học hiệu quả, điều quan trọng là xác định rõ học để viết hay để giao tiếp.
Oanh kể một thầy giáo bản ngữ người Anh từng tâm sự việc đơn giản hóa ngữ pháp tiếng Anh bằng cách tập trung hiểu sâu vào ba thì cơ bản (quá khứ đơn, hiện tại đơn và tương lai đơn) sẽ giúp người học dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là trong giao tiếp hằng ngày và ở giai đoạn đầu làm quen với ngôn ngữ. Thêm vào đó đọc các bài báo phù hợp với chuyên ngành, nghiệp vụ hay sở thích không chỉ giúp quen với cách dùng ngữ pháp trong thực tế mà còn mở rộng thế giới quan.
Về từ vựng, để nhớ lâu là đặt từ vào ngữ cảnh quen thuộc với bản thân. Khi đọc báo, gặp từ mới, Oanh thường đặt nó vào hoàn cảnh của toàn câu, đoán nghĩa trước rồi tra lại bằng từ điển uy tín như Oxford hay Cambridge để ghi nhớ sâu hơn.
Ngoài ra Kiều Oanh cũng cố gắng "nhúng" tiếng Anh vào đời sống hằng ngày như suy nghĩ bằng tiếng Anh, đọc tài liệu chuyên sâu, sử dụng công cụ AI để kiểm tra lỗi phát âm, ngữ pháp, ngữ điệu và cải thiện.
Oanh cũng chia sẻ phương pháp học tiếng Anh theo mô hình "Input - Practice - Output", giúp cô sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và tự nhiên. Cô bắt đầu với Input bằng cách nghe podcast, xem video, đọc sách báo tiếng Anh để làm quen với ngôn ngữ chuẩn. Tiếp theo là Practice, luyện tập phát âm, viết câu và làm bài tập theo mục tiêu cụ thể. Cuối cùng, cô ưu tiên Output chủ động dùng tiếng Anh trong thuyết trình, giao tiếp và giảng dạy để biến kiến thức thành kỹ năng thực tế.
"Mục đích của học ngôn ngữ là để truyền tải thông điệp. Chỉ khi dám nói, dám sai, mình mới tiến bộ", Oanh khuyên nhủ.
Nhận xét về Kiều Oanh, Leander Seidl - bạn của cô - chia sẻ Oanh có thể diễn đạt bản thân một cách trôi chảy bằng tiếng Anh, cả trong viết lẫn nói. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc thành thạo ngôn ngữ, để tham gia vào những cuộc trò chuyện, thuyết trình phức tạp bằng một ngôn ngữ nước ngoài. Với kỹ năng này, thật tuyệt vời khi cô ấy dạy trẻ em, giúp các em có được sự tự tin và kỹ năng để giao tiếp bằng tiếng Anh.

Kiều Oanh tháp tùng 3 đại biểu người Nga trong đại lễ 30-4 - Ảnh: NVCC
"Cô giáo" gieo mầm xanh vùng cao
Hiện Kiều Oanh đang là giáo viên tình nguyện cho dự án "Ước Mơ Xanh" tại Hà Giang bởi thấu hiểu hoàn cảnh của các em nhỏ, sinh ra ở vùng sâu vùng xa, thiếu điều kiện tiếp cận ngoại ngữ như chính mình từ thuở nhỏ. Đặc biệt ở Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) là nơi có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, học tiếng Anh là chìa khóa mở hướng tương lai, bởi các em có thể tự tạo dựng cuộc sống bằng chính năng lực của mình.
Sau một năm đồng hành, cô đã giảng dạy ba lớp học trực tuyến, mỗi lớp 28-35 em, với lịch dạy được chủ động sắp xếp và cam kết theo thời gian biểu cá nhân.
"Không phải là một lớp học nơi đặt mục tiêu các em phải hướng đến điểm 9, điểm 10. Mình chỉ mong mỗi tiết học là nơi các em được thấy ngoài những dốc đồi, sân cát, cuộc sống đời thường các em đang sống, vẫn có một thế giới mới ngoài kia đang chờ các em. Có những đồ chơi mới lạ, có những địa điểm, quốc gia chưa từng nghe thấy - nơi mà những giờ học tiếng Anh đã mở ra, có thể gieo mầm để các em được nhìn thấy thêm thế giới khác", Oanh tâm sự.
Hành trình ở những bản làng, Kiều Oanh kể ban đầu các em học sinh còn rất e dè, như cô ngày mới tiếp cận tiếng Anh.
Vì các em đều là trẻ em dân tộc thiểu số, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai của các em, trong khi các em phải học tiếng Anh - một ngôn ngữ thứ ba khác thông qua ngôn ngữ thứ hai của mình - tiếng Việt.
Thấu hiểu điều đó, Oanh luôn chủ động tạo năng lượng thoải mái, khích lệ bằng những lời động viên tích cực trong mỗi giờ học, từ đó dần giúp các em thêm tự tin giơ tay phát biểu, mạnh dạn tương tác trong lớp học.
Thực hiện dự án với tâm đặt lên đầu, Oanh không khỏi xúc động khi nhắc đến hoàn cảnh của các em học sinh bởi đường đi học khó khăn. Những đứa trẻ luôn ngoan ngoãn, lễ phép và có trong mình một ước mơ nhỏ bé. "Con muốn trở thành bác sĩ", "Con muốn trở thành giáo viên tiếng Anh"...
Chính điều đó khiến Oanh càng thêm quyết tâm gắn bó lâu dài cùng các em, cùng dự án, cùng những "ước mơ xanh" này.
"Đối với mình, tham gia các hoạt động này không phải để làm đẹp hồ sơ hay tích lũy hoạt động ngoại khóa. Mình chọn làm vì tin vào giá trị bền vững mà nó mang lại, và đó mới là ý nghĩa thật sự của một dự án cộng đồng", Oanh chia sẻ.
Biết thêm một ngôn ngữ là sống thêm một cuộc đời
Nhờ khả năng tự học và không ngừng rèn luyện ngoại ngữ của mình, Kiều Oanh từng đảm nhiệm vai trò trợ lý tại cuộc thi Miss Charm các năm 2023 và 2024, phụ trách phiên dịch, hỗ trợ sự kiện và tham gia trong ban tổ chức. Năm 2023, cô trở thành trợ lý kiêm phiên dịch riêng cho hoa hậu Brazil khi đang là sinh viên năm 2 (lúc vừa chuyển từ Đà Nẵng vào TP.HCM).
Hành trình tại Miss Charm 2023, Kiều Oanh đã đồng hành trong vai trò trợ lý, xây dựng lịch trình, phiên dịch và giao tiếp hằng ngày cùng 38 thí sinh quốc tế. Trải nghiệm này đã giúp Oanh tin tưởng và tiếp tục trở thành trợ lý, phiên dịch cho đương kim hoa hậu Miss Charm đến từ Brazil trong mỗi dịp cô trở lại Việt Nam.
Nhờ cơ hội đó, Oanh đã được hoa hậu Brazil truyền cảm hứng, tận tình chỉnh sửa, và chia sẻ những câu chuyện trong văn hóa giữa hai quốc gia qua mỗi trải nghiệm đồng hành cùng nhau.
Ngoài tiếng Anh, Kiều Oanh cũng đang tiếp tục theo học tiếng Tây Ban Nha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận