
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong ảnh: trung tâm Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nhìn từ trên cao - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Ngày 25-7, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp cùng báo Tiền Phong tổ chức hội thảo "Khánh Hòa - hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương đột phá trong kỷ nguyên mới".
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thành - phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ - cho biết chuyển hóa quy hoạch truyền thống sang quy hoạch số là một trong các giải pháp về quy hoạch phù hợp mô hình hai cấp sau sáp nhập với định hướng Khánh Hòa trở thành thành phố.
Trong đó xây dựng bản đồ quy hoạch số hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong việc phân tích nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra các phương án quy hoạch linh hoạt và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
"Khánh Hòa nên rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng Ninh Thuận cũ để đồng bộ hóa với định hướng phát triển chung của tỉnh mới theo hướng thành phố trực thuộc Trung ương" - ông Thành cho hay.
Theo ông Thành, ứng dụng công nghệ số và AI vào quản lý quy hoạch, tích hợp với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống GIS đô thị, áp dụng AI để mô phỏng, dự báo quy hoạch trong các tình huống biến động dân số, đầu tư là một trong các giải pháp giúp tỉnh này sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Thành cũng cho rằng tỉnh cần tập trung phát triển hạ tầng du lịch thông minh, các khu du lịch xanh, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý điểm đến, phát triển du lịch trải nghiệm qua công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR).

Tỉnh Khánh Hòa định vị đô thị phường Nha Trang và khu vực lân cận là đô thị hạt nhân - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội
Trong khi đó, để Khánh Hòa mới hướng tới tăng trưởng hai con số, bà Trần Thu Hằng - vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng - đề xuất một số giải pháp như nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển nhanh chóng của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên các công trình liên vùng, công trình động lực.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền trong quản lý xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị, gắn với nâng cao năng lực cán bộ và hiện đại hóa công cụ quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận