11/05/2025 13:59 GMT+7

Vòng chung kết giải Lê Quý Đôn: Học sinh làm 'người lính trẻ'

680 học sinh THCS tại TP.HCM và các tỉnh lọt vào vòng chung kết giải Lê Quý Đôn tranh tài trong những thử thách thực hiện vai trò của những người lính trên chiến trường năm ấy.

GIẢI LÊ QUÝ ĐÔN - Ảnh 1.

Học sinh đang làm phần thi thứ 2 của bài thi vòng chung kết giải Lê Quý Đôn tại dinh Độc Lập, sáng 11-5 - Ảnh: MỸ DUNG

Sáng 11-5, vòng chung kết giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ năm học 2024-2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn - quận 3 và dinh Độc Lập, quận 1 - TP.HCM.

680 học sinh đạt điểm số cao nhất các vòng thi trước tham gia tranh tài tại vòng chung kết đầy thú vị, nhiều trải nghiệm và sáng tạo của giải thưởng này. 

Học sinh trải nghiệm 2 địa điểm để làm bài thi

Để thực hiện bài thi của vòng chung kết, học sinh trải qua 2 phần thi tại 2 địa điểm. Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, học sinh được phát tư liệu, đọc sách, tham khảo tranh và xem phim để hoàn thành bài thi phần 1. Phần 2 với yêu cầu và nhiệm vụ khác, các em sẽ được tham quan dinh Độc Lập. 

GIẢI LÊ QUÝ ĐÔN - Ảnh 2.

Các em học sinh đội mũ tai bèo, trong vai những người lính tiến vào dinh Độc Lập để thực hiện bài thi của mình

Mỗi học sinh thi vòng chung kết được phát một cuốn sổ tay "người lính trẻ", trong đó ghi rõ những nhiệm vụ mà người lính phải hoàn thành trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Yêu cầu của đề thi là hòa mình vào không khí chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, học sinh làm bài thi ba môn toán, văn, Anh thông qua một trò chơi lớn. 

GIẢI LÊ QUÝ ĐÔN - Ảnh 3.

Học sinh xem tranh tư liệu để làm bài tại sân Trường THPT Lê Quý Đôn

Các em đội nón tai bèo, trong vai người lính giải phóng quân để trải nghiệm hành trình "Tiến về Sài Gòn" trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong đó các em phải tính toán ngày giờ, số binh lính, lương thực, nhiên liệu… làm công tác chuẩn bị trong "đêm trước cuộc tổng tiến công".

Đồng thời các em cũng phải tìm "thông tin chiến sự", xem lại những hình ảnh chiến thắng xưa tại góc "những thước phim lịch sử" để giải mã từ khóa tiến vào dinh Độc Lập

Sau 70 phút làm bài với những tư liệu được phát, được đọc, được xem tại sân Trường THPT Lê Quý Đôn, những đoàn học sinh thẳng tiến vào dinh Độc Lập để thực hiện tiếp các nhiệm vụ mà đề thi yêu cầu. 

Chơi mà học, áp dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống

"Đi thi mà em cảm thấy như em đang đi tham quan với bạn bè vậy. Em cùng các bạn đội mũ tai bèo, xem phim, đọc sách, tham khảo tranh, bàn bạc với bạn..., cảm giác rất thoải mái, dễ chịu, nên em làm bài khá nhanh", Nguyễn Xuân Trường Thịnh - học sinh lớp 6, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM, vui vẻ kể. 

Từ Trà Vinh lên TP.HCM dự thi, em Thanh Bình, học sinh lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng cảm thấy cuộc thi này thật đặc biệt. 

"Em chưa bao giờ được thi cuộc thi với hình thức thi thoải mái, tự do như đi chơi nhưng lại trong vai trò là một "người lính trẻ" cần có những trải nghiệm và tính toán hiệu quả. 

Đứng trước những tư liệu lịch sử và không gian lịch sử là dinh Độc Lập, em thấy thật tự hào về những chiến thắng của ông cha và càng hiểu rằng hòa bình là vô cùng quý giá mà chúng em phải phấn đấu học tập để giữ gìn", Thanh Bình chia sẻ. 

GIẢI LÊ QUÝ ĐÔN - Ảnh 4.

Thanh Bình (Trường THCS Lý Tự Trọng, Trà Vinh) đang nhìn vào khung cảnh ở dinh Độc Lập để làm đề thi

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết hình thức thi của giải thưởng Lê Quý Đôn luôn được đổi mới hằng năm với tiêu chí học sinh trải nghiệm cuộc thi như một cuộc chơi, nhưng lại học được nhiều kiến thức bổ ích và có những trải nghiệm khó quên. Năm nay yêu cầu của bài thi là học sinh làm những "người lính trẻ" trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

"Các em có cơ hội áp dụng kiến thức đã học trong nhà trường, từ toán, từ văn, từ tiếng Anh, từ lịch sử... để giải quyết những vấn đề mà đề thi đưa ra. Qua đó các em càng hiểu sâu sắc hơn những bài học trên lớp sẽ gắn với cuộc sống thường ngày thế nào. 

Để từ đó các em sẽ ngày càng nhạy bén hơn trong học tập, trong giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra, và cũng ngày càng khắc sâu hơn công lao của cha ông ta trong cuộc chiến giành độc lập thống nhất đất nước" - nhà báo Nguyễn Khắc Cường chia sẻ. 

Chọn thí sinh vào vòng chung kết ra sao?

Giải thưởng Lê Quý Đôn năm nay nhận được hơn 425.000 bài dự thi của học sinh đến từ 135 trường THCS trên địa bàn TPHCM và các tỉnh trong vòng sơ khảo.

15 kỳ đề thi của ba môn toán, văn, Anh văn lần lượt được đăng tải trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ. 680 học sinh vào vòng chung kết được chọn từ những học sinh có điểm số trung bình cộng từ trên cao xuống thấp.

Vòng chung kết Giải Lê Quý Đôn: Học sinh làm 'người lính trẻ' - Ảnh 6.150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ cuối: Ngọn lửa khát vọng tri thức

Để chuẩn bị cho ngọn lửa tri thức lưu truyền xuyên thế hệ tượng trưng bằng ngọn đuốc hôm nay, từ tháng 12-2023 Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM đã thực hiện một chuyến về nguồn 'vô tiền khoáng hậu'...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp