
Nhiều người nhảy múa tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar - Ảnh: cắt từ clip
Những ngày qua, trên các cộng đồng người Chăm ở mạng xã hội phản ánh vụ việc nhiều người có hành động nhảy múa, hầu đồng tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar trong những ngày diễn ra lễ hội vừa qua.
Bạn đọc cũng phản ánh đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ nội dung này và cho rằng hầu đồng, hát cải lương, diễn hình tượng Ông Hổ... ở Tháp Bà Ponagar là hoàn toàn không phù hợp, nên chấn chỉnh.
Múa hát hầu đồng ở di tích người Chăm?
Ông T.M.C., một du khách tham gia lễ hội, chia sẻ rằng một thực trạng đang diễn ra gây bức xúc trong cộng đồng người Chăm tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar là hoạt động múa hát hầu đồng, biểu diễn sân khấu phản cảm ngay trong khu vực linh thiêng của Tháp Bà.
Ông C. cho rằng Tháp Bà Ponagar không chỉ là nơi thờ Mẹ xứ sở - biểu tượng tâm linh của người Chăm - mà còn là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Đây vừa là không gian tín ngưỡng đặc biệt của đồng bào Chăm, vừa là tài sản chung của dân tộc Việt Nam, cần được gìn giữ và bảo tồn đúng cách.
"Nhiều hoạt động mang tính sân khấu hóa, pha trộn tín ngưỡng không phù hợp như hầu đồng, múa hát cải lương, hay đưa hình tượng ông Hổ vào trình diễn… đã diễn ra ngay tại khu vực linh điện của tháp. Điều này không chỉ gây phản cảm, phá vỡ không gian thiêng liêng, mà còn làm sai lệch bản chất và giá trị gốc của di tích"- ông C. phản ánh.
Vị bạn đọc này cũng đề xuất nên chấm dứt ngay lập tức các hoạt động múa hát, trình diễn không phù hợp tại khuôn viên di tích Tháp Bà Ponagar, đồng thời công khai định hướng bảo tồn đúng đắn, tôn trọng nguyên gốc và không để các hoạt động sân khấu hóa kể trên tiếp diễn.
Cộng đồng người Chăm trên mạng xã hội cũng có nhiều người đồng tình, tỏ ra bức xúc về vấn đề trên.
Trung tâm di tích bác tin hầu đồng

Các đoàn hành hương tham gia khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar - Ảnh: TRẦN HOÀI
Trả lời về các phản ánh trên, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết những hình ảnh múa hát được chia sẻ trên mạng xã hội được tổ chức trong phần hội thuộc Lễ hội Tháp Bà Ponagar.
Những hoạt động này được các đoàn tín ngưỡng dân gian gọi là múa dâng Mẫu, múa bóng, chứ không phải việc hầu đồng như thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Những hoạt động này đã tổ chức tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar nhiều năm qua.
Những tiết mục múa vui cho Mẫu này chỉ diễn ra trong thời gian của Lễ hội Tháp Bà Ponagar từ ngày 17-4 đến 20-4 năm nay.
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết phần lễ được tổ chức trước phần hội, với nghi thức dâng hương trang nghiêm, không có hoạt động múa hát gây ồn ào như phản ánh của người dân và du khách.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong những lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 1 vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận