24/07/2025 09:47 GMT+7

Xây dựng 248 trường nội trú ở biên giới: Chủ trương nhân văn, kịp thời

Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở (THCS) tại 248 xã biên giới đất liền. Đây là lần đầu tiên có mô hình trường phổ thông nội trú liên cấp này ở các xã biên giới.

trường nội trú - Ảnh 1.

Tiểu học B An Hảo là một điểm trường lẻ nằm lọt thỏm giữa núi rừng ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang (cũ), nay là xã Núi Cấm, An Giang - Ảnh: CHÍ HẠNH

Trước đó, tại nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội cũng thống nhất chủ trương giao Chính phủ khẩn trương triển khai việc thực hiện hỗ trợ ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới đất liền từ năm học 2025 - 2026. Cả hai chủ trương này được dư luận nhìn nhận là rất nhân văn.

Dự kiến đầu tư 150 tỉ đồng/trường

Hôm qua (23-7), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết Bộ Chính trị đã kết luận về chủ trương đầu tư xây dựng 248 trường học nội trú liên cấp cho 248 xã biên giới đất liền. Việc này để con em các vùng biên giới có điều kiện học tập, đầu tư cho nguồn nhân lực.

Theo ông Chiến, dự kiến Nhà nước bỏ ra bình quân 150 tỉ đồng/trường. Các trường sẽ được xây dựng trên diện tích 5ha và có đầy đủ các thiết chế từ phòng học, bếp ăn, phòng thí nghiệm, sân chơi, bãi tập, rèn luyện thể thao... Ngoài chi phí xây dựng trường, MTTQ Việt Nam sẽ vận động nguồn lực bên ngoài để nuôi học sinh tại các trường này.

"Tôi tính toán mỗi cháu khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, mỗi xã biên giới có khoảng 500 cháu, chúng ta có thể huy động xã hội để hỗ trợ. Nếu vận động được khoảng 1.500 - 2.000 tỉ đồng có thể nuôi được các cháu ba năm.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trực thuộc Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể trung ương phải hướng về, vận động, thực hiện chủ trương này", ông Chiến nói.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Trao đổi với Tuổi Trẻ về các chủ trương trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, người tham gia nhiều cuộc giám sát liên quan giáo dục tại các trường, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới - đánh giá đây là các chủ trương thể hiện sự nhân văn, an sinh rất quan trọng của Đảng, Nhà nước.

"Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để phát triển giáo dục ở các vùng miền núi, đặc biệt là các địa phương giáp biên. Bên cạnh các kết quả rất tốt, giáo dục ở các khu vực này còn rất nhiều khó khăn như về cơ sở vật chất, nhất là trường học; điểm trường chưa được kiên cố, thiếu giáo viên... 

Bởi vậy, chủ trương của Bộ Chính trị đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và THCS tại 248 xã biên giới đất liền là chính sách an sinh rất quan trọng, vô cùng đúng đắn. 

Chủ trương quan trọng này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về giáo dục nói riêng và rộng hơn là về phát triển nguồn nhân lực, kinh tế - xã hội nói chung của miền núi với miền xuôi", bà Nga nhấn mạnh.

Thông báo kết luận của Bộ Chính trị đã nêu rõ các giải pháp thực hiện. Bà Nga cho rằng cần có sự rà soát thật kỹ để xây dựng hạ tầng bởi trường phổ thông nội trú liên cấp là loại hình hoàn toàn mới, khác với các loại hình hiện có.

Thêm vào đó, với trường nội trú là trường mà học sinh sẽ ăn ở, sinh hoạt tại chỗ nên rất khác so với các trường hiện tại. Điều kiện địa lý, hạ tầng ở các xã biên giới cũng rất khác so với các địa bàn còn lại.

"Do đó, không thể xây dựng theo mô hình sẵn có, phổ biến, đại trà như hiện nay mà trước khi triển khai phải xem xét, đánh giá cụ thể ở từng địa bàn để đảm bảo phù hợp. Phải đánh giá kỹ về quỹ đất, đường giao thông, điện, nước sạch, thậm chí xử lý môi trường phù hợp với địa hình phức tạp ở vùng biên giới...", bà Nga nói.

Để sửa chữa, xây dựng 248 trường phổ thông nội trú liên cấp, trong đó thí điểm 100 trường trong năm 2025 như yêu cầu của Bộ Chính trị, cần huy động nguồn tài chính hợp lý để đáp ứng. Ngoài ngân sách của Nhà nước, khuyến khích các nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, cộng đồng đóng góp để đảm bảo đủ kinh phí thực hiện.

Cùng với đó, việc xây dựng một ngôi trường mới không phải chỉ xây các tòa nhà, cơ sở là xong mà vấn đề duy trì, vận hành đòi hỏi nhiều kinh phí. Do vậy cần huy động các nguồn lực để đảm bảo việc này.

"Ngoài ra, cần có cơ chế quản lý, giám sát rất chặt chẽ, minh bạch từ khâu lập dự án, đấu thầu xây dựng, nghiệm thu, khai thác vận hành để phòng chống lãng phí, tiêu cực theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị", bà Nga chia sẻ thêm.

trường nội trú - Ảnh 2.

Học sinh khối lớp 1 Trường phổ thông dân tộc bán trú liên xã La Dêê - Đắc Tôi, huyện Nam Giang, Quảng Nam (cũ) (hiện là xã La Dêê, TP Đà Nẵng) trong ngày tựu trường năm học 2024 - 2025 Ảnh: VGP

Rất cần đội ngũ giáo viên tốt, phù hợp trường liên cấp

Hiện theo thống kê, cả nước còn thiếu trên 100.000 giáo viên, trong đó chủ yếu ở các vùng biên giới, địa bàn khó khăn. Vì vậy, song song với kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất cần chú ý đào tạo, bổ sung nguồn giáo viên.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá chủ trương này là rất đúng và kịp thời; mang đậm tinh thần của một Nhà nước lấy con người làm trung tâm, lấy công bằng giáo dục làm nền tảng.

Ông Huân chỉ rõ đặc thù của các xã biên giới rất rộng, điều kiện đi lại thường khó khăn, do vậy trước khi tiến hành xây dựng các trường cần có khảo sát, nghiên cứu, đánh giá rất kỹ.

Trong đó xác định vị trí đặt trường, thiết kế trường ra sao để đảm bảo việc dạy và học cũng như nội trú của học sinh. Tính toán cụ thể về kinh phí sửa chữa, xây dựng trường mới và duy trì hoạt động, duy tu, bảo dưỡng trường học.

"Bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên đầy đủ và phù hợp, mô hình trường liên cấp đòi hỏi chất lượng đội ngũ giáo viên cũng phải đảm bảo để dạy học", ông Huân nói thêm.

Ngoài bữa cơm trưa của học sinh sẽ được Nhà nước hỗ trợ, vì là trường nội trú nên ông Huân đề nghị cần tiếp tục có các chính sách để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ các bữa ăn còn lại cho học sinh ở các trường khu vực này. 

Phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu, thời gian được Bộ Chính trị đề ra. Cũng cần có kế hoạch truyền thông, tuyên truyền để bà con nhân dân ủng hộ, đưa con em đến trường đầy đủ.

trường nội trú - Ảnh 3.

Tổng hợp: VĨNH HÀ - Đồ họa: TUẤN ANH

Chủ trương xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và THCS tại 248 xã biên giới đất liền được nêu rõ:

Mục tiêu:

* Nâng cao dân trí, chất lượng nhân lực, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc, địa phương.

* Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng biên giới, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.

Quy mô:

* Các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô, diện tích trường, lớp.

* Có đủ cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, rèn luyện văn hóa, tinh thần, thể chất, điều kiện sinh hoạt.

Lộ trình:

* Thí điểm xây mới hoặc cải tạo 100 trường trong năm 2025 (chậm nhất đến thời điểm khai giảng năm học sau).

* Dựa trên hình mẫu 100 trường thí điểm, tiếp tục triển khai diện rộng, hoàn thành mục tiêu 248 trường trong 2-3 năm.

Nguồn lực:

* Ngân sách trung ương (chủ yếu).

* Ngân sách địa phương.

* Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Vận hành:

* Bố trí giáo viên phù hợp trên cơ sở rà soát biên chế giáo viên hiện có và nhu cầu trong thời gian tới.

* Đề xuất ngân sách để duy trì hoạt động của các nhà trường và chế độ phụ cấp cho giáo viên phù hợp điều kiện mới.

* Xây dựng chính sách khuyến khích nhân lực tham gia phục vụ các xã biên giới...

Tính toán kỹ để khai thác bền vững

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần quan tâm đến tính bền vững, khai thác hiệu quả sau khi xây dựng hệ thống trường lớp. Bởi các hoạt động trong trường học, đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì việc đồng bộ giữa chương trình và thiết bị dạy học vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên qua giám sát, khảo sát cho thấy ngay ở các thành phố, đô thị, vùng đồng bằng vẫn còn nhiều trường học đang thiếu thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó khi sửa chữa, xây mới các trường phổ thông nội trú này cần quan tâm, đảm bảo tính đồng bộ trong trang thiết bị dạy học.

Địa phương quyết tâm xây trường có hiệu quả

Xây dựng 248 trường nội trú ở biên giới: Chủ trương nhân văn, kịp thời - Ảnh 3.

Bữa cơm trưa của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung Lý - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Từ những khó khăn thực tế trong việc tổ chức dạy - học ở vùng biên giới, một số địa phương rất vui mừng với chủ trương xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và THCS, thể hiện quyết tâm xây trường có hiệu quả.

Thanh Hóa: Mong có thêm nhiều học sinh rời điểm lẻ đến trường chính

Tỉnh Thanh Hóa có 16 xã biên giới giáp Lào, trong đó riêng huyện Mường Lát (cũ) có 7 xã vùng biên.

Những năm qua, nhiều trường nội trú và bán trú ở vùng biên giới đã phát huy được hiệu quả kinh phí (tiền ăn, sinh hoạt phí cho học sinh) từ ngân sách.

Khi vừa có chủ trương xây trường liên cấp ở xã biên giới, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Nguyễn Văn Dĩnh cho hay sở vừa có công văn gửi UBND các xã biên giới yêu cầu thống kê chi tiết số học sinh, giáo viên, thực trạng cơ sở vật chất trường lớp, các đề xuất để làm căn cứ xây dựng trường nội trú liên cấp.

Xã biên giới Trung Lý có Trường tiểu học Trung Lý 2 hiện là trường xa, khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa.

Địa bàn trường có 7 bản với 5 điểm trường, 4 dân tộc gồm Mông, Thái, Mường, Kinh, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 80%, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Năm học 2025 - 2026, nhà trường có 20 lớp với 392 học sinh, được bố trí ở 5 điểm trường lẻ.

Nhiều năm qua, do học sinh ở các bản xa, cách điểm trường chính hơn 10km nên buộc phải học ở điểm lẻ, thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Từ đó, nhà trường rất khó nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo ông Nguyễn Văn Hảo - hiệu trưởng nhà trường, vì học sinh của trường chủ yếu học ở các điểm trường lẻ, giáo viên phải bám lớp bám bản nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.

Do vậy, năm học 2025 - 2026 và những năm tiếp theo, nhà trường dự kiến đưa học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 ở các điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính.

Tuy nhiên, khi học sinh ở các bản vùng sâu vùng xa về điểm trường chính học thì bản xa trường nhất là 14km, bản gần là 9km, giao thông đi lại rất khó khăn, địa hình sông suối hiểm trở, phụ huynh không đưa đón con về trong ngày được.

Vì thế, trường rất mong Nhà nước đầu tư xây dựng nhà trường thành trường nội trú, có nơi ăn ở để học sinh các bản xa được ở lại trường trong tuần. Học sinh ăn ở tại trường sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn và được giáo viên tổ chức dạy học hai buổi/ngày.

Ngoài giờ lên lớp, học sinh được giáo dục kỹ năng tự chăm sóc bản thân, ý thức làm bài tập về nhà, sinh hoạt tập thể, giao lưu với bạn bè và thầy cô giáo, hoạt động thể dục thể thao - những kỹ năng, hoạt động mà lâu nay học sinh học tại các điểm trường lẻ không được tham gia.

Lạng Sơn: Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh vùng khó khăn

Ông Dương Xuân Huyên, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, cho hay tỉnh có khoảng 80% diện tích là đồi núi và hơn 231km đường biên giới, điều kiện phát triển giáo dục còn nhiều khó khăn.

Song những năm qua, tỉnh luôn ủng hộ, đồng hành và quan tâm chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc, người địa phương.

Ví dụ tỉnh đã chỉ đạo việc bố trí giáo viên phù hợp với thực tiễn, ưu tiên quỹ đất xây trường học, bảo đảm học sinh ở xã biên giới đất liền được hưởng chính sách nội trú, bán trú theo quy định...

Về chủ trương đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và THCS, tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để triển khai chủ trương của Trung ương hiệu quả ngay khi có hướng dẫn cụ thể.

Ông Huyên nhấn mạnh những năm qua các chương trình giáo dục miền núi, dân tộc thiểu số được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt.

Theo đó, tỉnh ưu tiên tạo điều kiện đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại những ngôi trường ở vùng khó khăn, vùng biên giới; tỉ lệ trường lớp kiên cố hóa tăng mạnh.

Việc này không chỉ bảo đảm quyền học tập cho học sinh vùng khó khăn mà còn giúp giáo viên và học sinh có điều kiện dạy tốt, học tốt. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và củng cố quốc phòng, an ninh.

Xây dựng 248 trường nội trú ở biên giới: Chủ trương nhân văn, kịp thời - Ảnh 5.Cột mốc giữa rừng và hành trình 4 ngày tuần tra biên giới của lính biên phòng Quảng Trị

Đồn biên phòng Làng Ho phối hợp chặt chẽ với người dân, công an, kiểm lâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Có những cột mốc xa phải đi 4 ngày liền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp