
Người dân xem tập diễu binh tối 22-4 tại đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, PGS Trần Văn Ngọc - chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM - cho biết thời tiết tại TP.HCM đang chuyển mùa, ban ngày nắng nóng và thi thoảng xuất hiện mưa cuối ngày nên người dân cần lưu ý bảo vệ sức khỏe khi tham gia các hoạt động vui chơi, xem diễu binh, diễu hành.
Với thời tiết này, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Nắng nóng cũng làm cơ thể dễ mất nước, gây sốc nhiệt.
Để tránh nhiễm bệnh và lây lan, người dân có triệu chứng cảm cúm nên đeo khẩu trang. Người lớn tuổi, người có bệnh nền cần đặc biệt chú ý bảo vệ sức khỏe hơn vì dễ chuyển nặng nếu mắc bệnh.
Lúc 20h ngày 25-4 có buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành. Sáng 27-4 là chương trình tổng duyệt.
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia diễn ra từ 6h30 ngày 30-4 tại TP.HCM.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ diễn ra trọng thể vào 8h sáng 30-4 tại đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) với hơn 13.000 người tham gia.
Để đảm bảo an toàn và có một ngày lễ trọn vẹn, TS.BS Phạm Ngọc Thạch - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 - khuyên người dân cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi.
Theo đó, cần ăn uống đầy đủ, tuyệt đối không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng hoặc bữa trưa trước khi tham gia sự kiện. Một bữa ăn cân đối sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động trong nhiều giờ. Đảm bảo ngủ đủ giấc đêm hôm trước để cơ thể khỏe mạnh, tỉnh táo.
Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi, tốt nhất là màu sáng. Đội mũ rộng vành, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da và mắt. Chọn giày dép đế mềm, thoải mái vì bạn có thể phải đứng hoặc đi bộ nhiều.
Mang theo đồ dùng cần thiết như nước uống, đồ ăn nhẹ, vật dụng làm mát. Cụ thể, mang theo đủ nước lọc hoặc nước điện giải (oresol pha sẵn). Tránh các loại nước ngọt có ga, cà phê, hoặc đồ uống có cồn vì chúng có thể gây mất nước nhanh hơn.
Chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn nhẹ dễ mang, giàu năng lượng và không dễ hỏng. Mang theo quạt tay, khăn giấy ướt hoặc khăn mặt nhỏ để lau mồ hôi, làm mát cơ thể khi cần.
Trong suốt sự kiện cần uống nước thường xuyên. Đừng đợi đến khi khát mới uống. Hãy uống nước từng ngụm nhỏ, thường xuyên, đặc biệt là khi đổ nhiều mồ hôi. Nếu sự kiện kéo dài và bạn cảm thấy đói hoặc hơi mệt, hãy ăn đồ ăn nhẹ đã chuẩn bị.
Việc đứng lâu, chen chúc cũng tiêu hao năng lượng. Do đó tránh đứng quá lâu một chỗ. Nếu có thể, hãy thay đổi tư thế, nhúc nhích chân hoặc tìm chỗ ngồi nghỉ ngơi vài phút để máu lưu thông tốt hơn và giảm mỏi. Tranh thủ đứng ở những nơi có bóng râm bất cứ khi nào có thể để tránh nắng nóng trực tiếp.
Để ý người xung quanh, đặc biệt quan tâm đến trẻ em và người lớn tuổi đi cùng, đảm bảo họ cũng được uống đủ nước và nghỉ ngơi hợp lý.
Chú ý tổn thương da dưới thời tiết nắng nóng
BS.CKII Trần Ngọc Phương - khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho hay với thời tiết nắng nóng gay gắt có thể gây tổn thương làn da nếu không có biện pháp bảo vệ, tia UV có thể làm tổn thương lớp biểu bì, dẫn đến hiện tượng cháy nắng, bỏng rát...
Khi tham dự sự kiện ngoài trời, cần thoa kem chống nắng phổ rộng với SPF 30 trở lên, bôi trước khi ra ngoài ít nhất 15 phút và thoa lại sau mỗi 2 giờ nếu còn ở ngoài trời.
Ưu tiên quần áo dài tay, vải thoáng khí, sáng màu, đội mũ rộng vành và mang kính râm chống tia UV. Dùng khăn choàng, khẩu trang vải dày, dù che nắng để hạn chế ánh nắng trực tiếp lên mặt và cổ.
Bác sĩ Phương lưu ý thêm khi có những triệu chứng: da đỏ, nóng rát, căng tức, rát, có thể phồng rộp, người dân nên làm mát vùng da bị tổn thương bằng khăn lạnh hoặc nước mát (không dùng nước đá trực tiếp). Dưỡng ẩm bằng kem dưỡng ẩm, gel nha đam, kem chứa panthenol hoặc các sản phẩm làm dịu da, tránh dùng mỹ phẩm chứa cồn, hương liệu.
Nếu da có phồng rộp, không tự ý chọc bóng nước, không bôi thuốc có corticoid nếu không có hướng dẫn từ bác sĩ. Luôn nhớ hồi phục da bằng cách uống nhiều nước, bổ sung trái cây tươi, đặc biệt là loại chứa nhiều vitamin C.
Nếu có biểu hiện sốt, chóng mặt, buồn nôn, da phồng rộp diện rộng, cần đến ngay cơ sở y tế.
Nhận biết dấu hiệu bất thường và cách xử trí
TS.BS Phạm Ngọc Thạch lưu ý, hãy cảnh giác với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi đột ngột, yếu sức. Đổ mồ hôi nhiều bất thường (có thể lạnh hoặc nóng), hoặc ngược lại, da nóng ran nhưng không đổ mồ hôi (dấu hiệu nguy hiểm của say nắng).
Da tái nhợt hoặc đỏ bừng, đau đầu, buồn nôn, nôn, run tay chân (có thể do hạ đường huyết), chuột rút (vọp bẻ), tim đập nhanh, khó thở, lú lẫn, mất phương hướng.
Xử trí ban đầu: lập tức đưa người có dấu hiệu bất thường vào nơi thoáng mát, có bóng râm. Nới lỏng quần áo, cho uống nước lọc hoặc nước điện giải từng ngụm nhỏ (nếu người đó còn tỉnh táo và nuốt được). Dùng khăn ướt lau mát cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, nách, bẹn.
Nếu nghi ngờ hạ đường huyết (run rẩy, vã mồ hôi lạnh), cho dùng ngay đồ ngọt như kẹo, nước đường, nước trái cây (nếu tỉnh táo).
Gọi trợ giúp y tế: nếu các triệu chứng không thuyên giảm nhanh chóng hoặc có dấu hiệu nặng (như lơ mơ, co giật, da nóng khô, nôn mửa nhiều, không uống được), cần tìm kiếm sự trợ giúp của nhân viên y tế tại sự kiện (nếu có) hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức.
Đừng chủ quan vì tình trạng có thể diễn tiến xấu rất nhanh trong điều kiện đông người và nóng bức.
“Việc chuẩn bị tốt và luôn ý thức giữ gìn sức khỏe sẽ giúp mọi người tham gia các hoạt động chào mừng ngày lễ 30-4 một cách an toàn và vui vẻ”, TS Thạch nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận