13/07/2025 16:54 GMT+7

AI dịch tiểu thuyết gây tranh cãi: Chất lượng không thua kém bản người dịch?

Một dịch vụ dịch thuật bằng trí tuệ nhân tạo (AI) dành riêng cho tiểu thuyết vừa ra mắt tại Anh đã nhanh chóng gây tranh cãi trong giới dịch giả và nhà văn. Nhiều ý kiến lo ngại công nghệ này đang đe dọa giá trị của dịch thuật văn học.

dịch thuật - Ảnh 1.

Tiểu thuyết dịch đang là một ngành kinh doanh phát triển tại một hiệu sách ở Lisbon - Ảnh: The Guardian

GlobeScribe, một nền tảng dịch thuật mới được phát triển tại Anh, đang cung cấp dịch vụ dịch tiểu thuyết bằng AI với mức phí 100 USD cho mỗi cuốn sách, mỗi ngôn ngữ. Dịch vụ này hướng đến cả các nhà xuất bản truyền thống lẫn tác giả tự xuất bản.

Theo tạp chí The Bookseller, hai nhà sáng lập Fred Freeman và Betsy Reavley vừa công bố ra mắt nền tảng này với tham vọng phá bỏ rào cản ngôn ngữ và mở ra khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cho những cuốn sách có thể chưa bao giờ được dịch do hạn chế về chi phí, thời gian hoặc nhu cầu.

Dịch tiểu thuyết chỉ mất vài giờ

Theo hai nhà sáng lập, AI không thay thế hoàn toàn con người trong việc dịch thuật nhưng có thể mở ra cơ hội với các tác phẩm không quá phức tạp về mặt văn chương.

dịch thuật - Ảnh 2.

Betsy Reavley và Fred Freeman, những người đồng sáng lập Globescribe - Ảnh: The Guardian

"Sẽ luôn cần có dịch giả chuyên nghiệp cho những đầu sách phức tạp, mang tính văn học cao", nhóm sáng lập nói.

Nhưng họ tin AI có thể là công cụ hỗ trợ hữu hiệu khi được dùng và được đón nhận một cách có trách nhiệm.

Globescribe hiện cung cấp dịch vụ dịch tiểu thuyết sang năm ngôn ngữ: Tây Ban Nha, Đức, Ý, Bồ Đào Nha và Pháp.

Mô tả cách thức hoạt động, Betsy Reavley cho biết người dùng có thể tải bản thảo dạng EPUB hoặc DOCX qua cổng thông tin bảo mật. 

AI sẽ dịch dựa trên kho dữ liệu song ngữ được cấp phép. Sau vài giờ, bản dịch sẽ được trả lại với định dạng, văn phong, bố cục như bản gốc. 

Các nhà xuất bản có thể tích hợp nền tảng này vào quy trình biên tập, nhận chiết khấu theo số lượng lớn.

Reavley khẳng định: "Bản thảo của khách hàng không bao giờ được dùng để đào tạo AI. Chúng tôi cung cấp một bản chuyển nhượng bản quyền rõ ràng cho bản dịch. Mọi quyền đối với cả bản thảo gốc và bản dịch đều thuộc về khách hàng và các tệp chỉ lưu trữ tạm thời trong quá trình xử lý và sẽ xóa ngay sau khi giao hàng".

Theo Reavley, đội ngũ đã thực hiện các thử nghiệm so sánh giữa bản dịch AI và bản dịch của người, gửi cho người đọc bản ngữ để đánh giá. Kết quả cho thấy nhiều người không phân biệt được đâu là bản dịch bằng AI, thậm chí có phản hồi cho rằng bản dịch AI có giọng điệu và độ trung thực về mặt ngôn ngữ gần hơn với bản gốc.

Dịch thuật đâu chỉ tập trung vào ngôn ngữ

Trước thông tin ra mắt của nền tảng GlobeScribe, nhiều dịch giả văn học có tên tuổi đã lên tiếng phản đối, cho rằng dịch thuật là công việc đòi hỏi cảm quan tinh tế về văn hóa, phong cách và tâm lý nhân vật, điều mà AI chưa thể nắm bắt.

Chia sẻ với The Guardian, Ian Giles, chủ tịch Hội dịch giả (Hiệp hội Tác giả Anh), nhận định GlobeScribe có thể nói rằng họ đang giúp tiểu thuyết chạm tới độc giả toàn cầu nhưng thực chất là đang gạt bỏ vai trò của những người thực thụ giúp văn học vượt qua mọi biên giới.

Polly Barton, dịch giả của tiểu thuyết Butter (Asako Yuzuki), nhấn mạnh để một bản dịch hay cần dịch đúng nghĩa, giữ được nhịp điệu, không khí, cảm xúc, tiết tấu văn chương của nguyên tác: 

"Đó là điều chỉ có thể đạt được khi người dịch thực sự hòa vào thế giới trong sách". 

"Có những từ trong tiếng Kannada (một trong những ngôn ngữ chính của Ấn Độ) chứa đựng cả một thế giới văn hóa bên trong. Dịch những từ đó đòi hỏi phải hiểu được cả phần hiển lộ và phần ẩn giấu của văn hóa. AI không làm được điều đó", Deepa Bhasthi, người đoạt giải International Booker 2025 với bản dịch Heart Lamp từ tiếng Kannada, bày tỏ.

Một số dịch giả cũng đặt nghi vấn về độ tin cậy của quy trình thử nghiệm mà GlobeScribe công bố và lo ngại sự phổ biến của các dịch vụ AI đang vô tình hạ thấp tiêu chuẩn của công việc dịch thuật văn học.

Julia Sanches, dịch giả bản tiếng Anh của tiểu thuyết Boulder (Eva Baltasar), nói: "Các dịch vụ như thế này khiến mọi người nghĩ rằng dịch thuật là công việc máy móc, đơn giản trong khi thật ra nó đòi hỏi sự tinh tế và đầu tư lớn về cảm xúc, kiến thức. Nếu những bản dịch 'tàm tạm' do AI tạo ra trở thành tiêu chuẩn mới trong văn học thì rất đáng buồn".

AI dịch tiểu thuyết gây tranh cãi: Chất lượng không thua kém bản người dịch? - Ảnh 3.Trí tuệ nhân tạo AI đang 'nuốt' luôn nghề thu âm sách nói

Nhu cầu tiêu thụ sách nói ngày càng tăng trên toàn cầu khiến các công ty công nghệ lớn bắt đầu đổ dồn nguồn lực vào trí tuệ nhân tạo (AI) để sản xuất sách nói với tốc độ nhanh và chi phí rẻ hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp