
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường đang tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh: NVCC
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 50.000 trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), và khoảng 20.000 trẻ em ra đời từ TTTON. Số lượng này còn có thể tiếp tục tăng trong tương lai.
Những người phụ nữ chịu đựng can trường
Ai cũng biết mang thai, sinh con và làm mẹ là thiên chức phụ nữ, nhưng những khó khăn, gian khổ các chị phải vượt qua khi làm TTTON cũng không kém.
Gia đình nào cũng muốn có em bé, con cháu để ẵm bồng. Ai cũng muốn có thai tự nhiên, dễ dàng.
Không may là khoảng 1/6 các cặp vợ chồng có thể gặp khó khăn. Khó ít thì điều trị đơn giản, khó nhiều thì phải TTTON.
Mục tiêu là đi tìm một đứa con chung của hai vợ chồng, niềm mong ước của cả gia đình, nhiều khi là cả dòng họ 2 bên…
TTTON thì các chị vợ phải thăm khám, xét nghiệm, kiểm tra, tiêm hàng chục mũi thuốc suốt gần 2 tuần, phải gây mê chọc hút trứng, đi chuyển phôi.
Trong đó quá trình căng thẳng, mệt mỏi nhất là kích thích buồng trứng.
Trong khi người chồng chỉ thực hiện vài xét nghiệm đơn giản, đến ngày vợ chọc hút trứng thì đi lấy tinh trùng, cũng đơn giản, nhẹ nhàng, còn có được một chút khoái cảm nữa!
Nhưng tiêm thuốc và theo dõi trong quá trình kích thích buồng trứng là một quá trình không hề nhẹ nhàng với các chị.
Tiêm hormone mỗi ngày, có những ngày tiêm 2 mũi hay nhiều hơn. Tiêm phải theo đúng buổi, vừa phải đi làm, căng thẳng công việc, vừa phải lo lắng việc tiêm thuốc. Có những chị nhỏ lớn chưa biết tiêm thuốc là gì, ngoài việc chích ngừa lúc nhỏ.
Rồi phải sắp xếp đi tái khám, chờ đợi, siêu âm, lấy máu thử. Riêng việc lấy máu thử khi theo dõi kích thích buồng trứng cũng có thể là ám ảnh với một số chị.
Giai đoạn tiêm thuốc gần 2 tuần, các chị có nhiều đơn thuốc cho 3-4 đợt, mỗi đơn thuốc 4 ngày đã tốn kém hơn chục triệu đồng.
Nếu không may bị tác dụng phụ hay quá kích buồng trứng phải nhập viện theo dõi điều trị nhiều ngày, nhiều tuần, trường hợp nặng, dù hiếm gặp, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Rồi trước chọc hút trứng phải tiêm mũi thuốc gây trưởng thành noãn vào đêm khuya, phải tiêm thật là chính xác giờ. Căng thẳng tới giờ chót.
Bao nhiêu ca thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ nghe được một lần chia sẻ
Hiếm muộn mà nguyên nhân chính từ vợ thì các chị đi tiêm thuốc, làm thủ thuật. Nguyên nhân đến từ cả hai vợ chồng, các chị vẫn phải tiêm thuốc, làm thủ thuật.
Mà nguyên nhân chính là từ chồng, các chị vẫn phải tiêm thuốc, làm thủ thuật. Con là con cháu của chung, của hai vợ chồng, của gia đình, của dòng họ.
Các chị bị hiếm muộn ngoài mặc cảm, đau khổ, còn phải chịu căng thẳng, áp lực từ nhiều phía, nhiều năm.
Vậy mà đâu phải làm TTTON một đợt đã chắc thành công, có khi phải làm nhiều đợt, kéo dài nhiều năm tháng…
Về kỹ thuật TTTON, phải nói kích thích buồng trứng là một trong những trải nghiệm căng thẳng, áp lực nhất mà y khoa đã tạo ra để điều trị cho một người đang không có vấn đề gì đe dọa đến tính mạng, và nhiều khi nguyên nhân hiếm muộn cũng không đến từ bản thân họ…
Tôi còn nhớ, cũng lâu rồi, có một lần anh chồng dẫn vợ đi làm TTTON nói nhỏ với tôi: "Bác sĩ có cách nào giảm bớt các đau đớn, áp lực cho vợ em khi điều trị không? Em thấy tội vợ em quá".
Mà trước giờ chỉ có một lần được hỏi vậy thôi!
Những người phụ nữ làm thụ tinh ống nghiệm, họ xứng đáng được yêu thương và ghi nhận sự hy sinh từ chồng và những người thân yêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận