Bệnh sốt xuất huyết tăng nhiều nơi, TP.HCM đã có 6 ca tử vong

Bộ Y tế cảnh báo số ca mắc sốt xuất huyết đã ghi nhận tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca mắc.

sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Phun hóa chất diệt muỗi ở Hà Nội ngăn bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: CHÍ TUỆ

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19 nguy cơ bùng phát cục bộ, đặc biệt trong mùa mưa.

Từ đầu năm 2025 đến nay cả nước ghi nhận hơn 32.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Hiện đang là thời điểm mưa nhiều, nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, truyền bệnh.

Quan trọng nhất là khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị tại nhà vì dễ bỏ lỡ thời điểm phát hiện dấu hiệu cảnh báo của bệnh.

Ông Võ Hải Sơn

TP.HCM: tăng nhanh và lan rộng, đã có 6 ca tử vong

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Bùi Hoàng Chương - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với những năm trước, số ca sốt xuất huyết diễn tiến nặng năm nay nhiều hơn. Đáng chú ý đã có ba ca tử vong vì mắc sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho hay thời gian gần đây đơn vị cũng tiếp nhận nhiều trẻ sốc sốt xuất huyết dẫn đến rối loạn đông máu, tổn thương một số cơ quan, phải điều trị tích cực.

Tham khảo y văn thế giới và qua điều trị nhiều ca sốc sốt xuất huyết, các bác sĩ nhận thấy các trường hợp thường diễn tiến nặng, bất thường, gây khó khăn trong điều trị như: trẻ cơ địa dư cân béo phì, trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốc sốt xuất huyết sớm (ngày 3, 4 của bệnh), tình trạng cô đặc máu nhiều…

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 27 (từ 30-6 đến 6-7) toàn TP ghi nhận 838 ca sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước. Tích lũy 27 tuần đầu năm, TP.HCM mới đã có 14.370 ca sốt xuất huyết được ghi nhận, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Cũng trong thời gian này, toàn TP.HCM mới ghi nhận tổng cộng sáu ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó khu vực TP.HCM cũ ghi nhận ba ca, Bình Dương hai ca và Bà Rịa - Vũng Tàu một ca.

Dữ liệu giám sát cho thấy TP.HCM đang bước vào cao điểm mùa mưa với các điều kiện môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Số ca mắc hằng tuần có xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn.

HCDC nhận định nếu công tác kiểm soát ổ dịch và diệt lăng quăng không được duy trì thường xuyên, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao, từ đó có thể gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt tại các bệnh viện nhi và tuyến cơ sở.

So sánh với giai đoạn 2019-2022, các đợt dịch lớn đều bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, đây cũng là khoảng thời gian TP.HCM cần đặc biệt cảnh giác. Với xu hướng gia tăng ca bệnh trong mùa mưa, TP tiếp tục xác định chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý triệt để là giải pháp then chốt để kiềm chế dịch sốt xuất huyết.

Ca mắc tăng, dịch tễ thay đổi

Mặc dù Bộ Y tế cho rằng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh tại các địa phương thời gian tới rất lớn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ 4 đến 11-7) toàn TP ghi nhận thêm 34 ca mắc sốt xuất huyết tại 16 xã, phường, tăng 13 ca so với tuần trước đó (tuần trước đó mới là 21 ca).

Từ đầu năm đến nay Hà Nội đã ghi nhận tổng số 365 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có ca tử vong; đã ghi nhận bảy ổ dịch, hiện còn bốn ổ dịch đang hoạt động.

Đại diện CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua có xu hướng tăng khi ghi nhận thêm các ổ dịch mới. Kết quả giám sát các ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng (bọ gậy, lăng quăng sinh ra muỗi truyền bệnh) ở ngưỡng nguy cơ cao. Dự báo số mắc có thể gia tăng do bắt đầu bước vào các tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết hằng năm.

Ông Võ Hải Sơn - phó cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế - cho biết số ca mắc sốt xuất huyết đã ghi nhận tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca mắc. Ở phía Bắc, các ca mắc rải rác được ghi nhận tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Các tuýp vi rút sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 và chiếm hơn 90% các trường hợp.

"Điều đáng chú ý là chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn từ khoảng năm năm (trước đây) xuống còn khoảng từ ba đến bốn năm. Gần nhất là đợt dịch năm 2022 với số ca mắc lên tới hơn 370.000 người.

Vì vậy nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời thì nguy cơ bùng phát dịch trong năm 2025 hoàn toàn có thể xảy ra. Các địa phương có số ca mắc cao cần chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài", ông Sơn cho hay.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hưng - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cũng cho hay công tác giám sát phát hiện các ca bệnh nghi sốt xuất huyết, giám sát côn trùng truyền bệnh để đánh giá, dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết là yếu tố rất quan trọng.

Trên cơ sở đó các đơn vị y tế mới triển khai kịp thời các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trên địa bàn mình phụ trách.

sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết. Một trong những biện pháp ngăn ngừa là phun thuốc diệt muỗi - Ảnh: CHÍ TUỆ

Diễn biến phức tạp, chủ động phòng bệnh

Bác sĩ Vũ Hoài Nam, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu Nghị, cũng nhận định sốt xuất huyết tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, thuộc top những nước có số ca mắc cao với phạm vi dịch lan rộng.

"Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Khi người bệnh có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng.

Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà", bác sĩ Nam khuyến cáo.

Cũng theo chuyên gia này, biện pháp phòng chống hiệu quả là diệt muỗi, bọ gậy. Đặc điểm của muỗi truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối.

Nếu trong nhà có người bị sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như nằm mùng, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hóa chất diệt muỗi...), đồng thời vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, với phương châm "phòng dịch từ sớm, từ xa", Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch cao điểm trong tháng 7 triển khai công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trong đó các địa phương đảm bảo giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, nhất là tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.

Đối với người dân, ông Võ Hải Sơn khuyến cáo mỗi gia đình hãy dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ bọ gậy trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt, thau rửa, đậy nắp các bể nước, thả cá vào bể cảnh để tiêu diệt lăng quăng.

Đồng thời cần thay nước lọ hoa thường xuyên, nhỏ muối hoặc hóa chất vào các bát nước kê chân chạn, bể cảnh hoặc hòn non bộ; loại bỏ các vật liệu phế thải có thể đọng nước, lật úp các dụng cụ không sử dụng… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển.

Bệnh sốt xuất huyết tăng nhiều nơi - Ảnh 3.TP.HCM ghi nhận 6 ca tử vong do sốt xuất huyết trong 7 tháng

27 tuần đầu năm, trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, nhiều địa phương đang ghi nhận số ca mắc tăng cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp