
Những lao động nhập cư thu hoạch nông sản ở các nông trại tại tiểu bang California, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Trả lời Hãng tin Reuters, bà Lisa Tate, nông dân đời thứ sáu tại hạt Ventura, tiểu bang California, Mỹ, cho biết khoảng 70% số lao động tại các nông trại quanh vùng đã biến mất sau các đợt truy quét của Cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) trong tháng 6, một phần trong chính sách siết nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Rất nhiều lao động không dám đi làm
“Nếu 70% lao động không đi làm, thì 70% vụ mùa không được thu hoạch kịp thời và số nông sản này có thể bị hỏng chỉ trong một ngày.
Người Mỹ đa số không muốn làm công việc đồng áng. Nhiều nông dân đã làm việc gần như không có lãi. Tôi lo ngại điều này đẩy người nông dân đến một điểm giới hạn khiến nhiều người phá sản”, bà nói.
Tình hình tương tự cũng xảy ra tại vùng thung lũng trung tâm California. Một giám sát viên trồng dâu cho biết thường ngày có khoảng 300 lao động nhưng nay chỉ còn 80 người. Một nông trại khác cũng ghi nhận giảm từ 80 còn 17 lao động ra đồng.
Giới chuyên gia cảnh báo sự thiếu hụt lao động nhập cư - lực lượng chủ chốt trong nông nghiệp Mỹ, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng thực phẩm và nền nông nghiệp xứ sở cờ hoa.
Ông Douglas Holtz-Eakin, cựu giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cho biết khoảng 80% lao động nông nghiệp ở Mỹ là người nước ngoài, và gần một nửa không có giấy tờ hợp pháp.
“Nếu mất lực lượng này, giá thực phẩm sẽ tăng vọt. Điều này không tốt cho chuỗi cung ứng và ngành nông nghiệp”, ông nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Thực phẩm tiểu bang California, bang này cung cấp hơn 1/3 lượng rau củ và hơn 3/4 lượng trái cây, hạt các loại cho cả nước. Năm 2023, doanh thu ngành nông nghiệp bang đạt gần 60 tỉ USD.
Sống chung với nỗi lo bị bắt
Một số lao động nhập cư chia sẻ với Reuters rằng họ buộc phải ở nhà vì lo sợ bị ICE bắt giữ và trục xuất.
“Nếu đi làm, tôi không biết mình có được gặp lại gia đình mình nữa hay không”, một người đàn ông 54 tuổi đã làm nghề đồng áng suốt 30 năm nói.
Tuy vậy nhiều nhóm cộng đồng cho biết sau vài ngày trốn tránh, nhiều lao động vẫn quay lại làm việc vì không còn lựa chọn nào khác.
Họ cẩn trọng hơn, ví dụ như đi làm cùng người có giấy tờ hợp pháp, tránh tự lái xe hay nhờ con là công dân Mỹ đi mua hàng giúp.
Ngay cả những người có giấy tờ cũng cảm thấy bất an. “Không còn ai cảm thấy an toàn khi nghe đến ICE, ngay cả những người có giấy tờ. Chúng tôi biết rằng ở khu phố này có rất nhiều người có giấy tờ và không có giấy tờ”, nông dân Greg Tesch ở miền trung California nói.
“Nếu vài ngày không thu hoạch, ớt chuông, dâu… sẽ chín rụng hoặc hỏng vì nắng nóng”, ông nói thêm.
Tổng thống Trump cũng thừa nhận trên mạng xã hội Truth Social rằng các cuộc truy quét “đã lấy đi nhiều lao động giỏi, gắn bó lâu năm với ngành nông nghiệp và khách sạn”.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chính sách mới nào được công bố để khắc phục hậu quả.
Ngành nông nghiệp Hàn Quốc vật lộn vì thiếu lao động nước ngoài
Từ cuối tháng 5 vừa qua, khi Hàn Quốc bước vào mùa vụ cao điểm, nông dân nước này "than trời" vì thiếu nhân công nghiêm trọng, đặc biệt khi chính phủ tăng cường kiểm soát lao động nhập cư bất hợp pháp.
Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng đến mức đã khiến không ít nông dân bật khóc vì bế tắc, viết đơn yêu cầu chính quyền địa phương “nới tay” trong việc truy quét lao động nhập cư trái phép để họ có thêm lao động nước ngoài, những người giúp họ duy trì hoạt động sản xuất trong mùa vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận