15/07/2025 09:00 GMT+7

Cấm dần xe máy chạy xăng: Người dân mong muốn gì?

Theo lộ trình đến ngày 1-7-2026 không có mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong đường vành đai 1 Hà Nội.

xe máy - Ảnh 1.

TP.HCM đang nghiên cứu đề án chuyển đổi xe máy xăng của shipper sang xe máy điện - Ảnh: T.T.D.

Tại chỉ thị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP Hà Nội lên phương án thực hiện các biện pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1-7-2026 không có mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong đường vành đai 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-7, một lãnh đạo Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết lộ trình và chính sách cụ thể thực hiện cấm xe máy xăng chạy trong đường vành đai 1 "đang được xây dựng". 

Vị này nêu rõ hiện TP xây dựng lộ trình cụ thể, trong đó gồm nhiều nội dung chứ không chỉ việc hỗ trợ người dân đổi sang xe điện. Còn một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng sở đang nghiên cứu vì "nội dung này cũng rất phức tạp".

Hỗ trợ người dân

Làm nghề xe ôm tại khu vực phố Cửa Bắc (phường Ba Đình), ông Mai Văn Tâm cho rằng chỉ thị hạn chế khí thải của Thủ tướng rất tốt. Song ông đề nghị cần kiểm định khí thải từng xe và có thời hạn cụ thể để người dân có thời gian thích nghi, thay đổi. 

Ông nói nếu Hà Nội cấm xe xăng vào năm sau là "hơi gấp", bởi điều kiện kinh tế người dân không đủ để thay đổi liền một lúc.

"Người dân sẽ gặp khó khăn về kinh tế để thay đổi xe, đặc biệt dân nghèo. Hiện người dân bốn quận lõi và toàn bộ người dân Hà Nội cùng lượng dân từ các tỉnh đang làm ăn ở Hà Nội hầu như đều đi xe máy. 

Tôi nghĩ Hà Nội nên kiểm định khí thải cho từng xe máy xăng, xe nào đạt chuẩn vẫn cho đi vào nội đô và quy định rõ thời gian được đi vào để người dân thay đổi từ từ. Trong thời gian đó người dân sẽ chắt chiu, tiết kiệm, có tiền mới thay đổi được vì xe máy là phương tiện mưu sinh của người dân", ông Tâm nêu suy nghĩ.

Còn chị Nguyễn Thị Dung (đang sống ở đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cũng cho hay hiện người dân trong đường vành đai 1 sử dụng xe máy xăng làm phương tiện di chuyển rất nhiều.

Do vậy khi cấm cần có lộ trình rất cụ thể, thông tin rõ ràng cho người dân biết, để chuẩn bị thực hiện. Đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ về chi phí chuyển đổi và nhất là vấn đề nơi để xe, các trạm sạc xe máy điện. 

"Tôi nghĩ mọi người ai cũng biết xe điện tốt, thân thiện môi trường nhưng vấn đề an toàn PCCC và vấn đề sạc thế nào là bài toán cần tính nếu thực hiện trong vòng một năm tới", chị Dung nêu quan điểm.

xe máy - Ảnh 2.

Có ý kiến cho rằng Hà Nội cần phải đẩy nhanh hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để mở rộng thêm mạng lưới xe buýt. Trong ảnh: các loại xe buýt đón trả khách tại bến xe buýt Long Biên - Ảnh: T.T.D.

Tăng cường giao thông công cộng

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nhấn mạnh với tình hình ô nhiễm không khí ở mức cao, nhất là vấn đề bụi mịn ở Hà Nội thời gian qua thì việc có các giải pháp hạn chế, ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm là rất cần thiết. 

"Việc giảm các loại xe chạy bằng xăng dầu, trong đó cấm xe máy chạy xăng dầu từ 1-7-2026 trong đường vành đai 1 là tất yếu", ông Cừ nói.

Tuy nhiên để thực hiện được việc cấm này trong khoảng thời gian còn một năm nữa, theo ông Cừ không chỉ là thực thi mệnh lệnh hành chính mà cần tập trung tăng cường giao thông công cộng trong khu vực đường vành đai 1. 

Trong đó Chính phủ, Hà Nội phải có cơ chế, chính sách để đầu tư, chuẩn bị đảm bảo cơ sở hạ tầng, nhất là các phương tiện xe buýt, xe máy điện, năng lượng sạch, tàu điện, xe đạp... để phục vụ cho người dân khi cấm xe máy chạy xăng dầu. 

Bên cạnh đó cần có các giải pháp hỗ trợ, nhất là về tài chính, cho người dân chuyển đổi sang các loại xe máy chạy điện, sử dụng năng lượng sạch...

Ông nói thực tế việc cấm này không chỉ ảnh hưởng đến những người ở trong đường vành đai 1 mà sẽ ảnh hưởng chung tất cả người dân bên ngoài khi có nhu cầu đi vào các khu vực này. Trong khi đó xe máy chạy xăng là phương tiện chính, giúp kiếm sống của rất nhiều người dân và không ít trong số đó là những người dân có thu nhập thấp. 

"Vì vậy phải nghiên cứu, tính toán để có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm người nghèo, thu nhập thấp để họ có đủ nguồn tài chính chuyển đổi sang xe điện...", ông Cừ nói.

Còn đại biểu Nguyễn Quang Huân, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng để thực hiện được chính sách này trong vòng một năm tới, Hà Nội cần có khảo sát để xác định cụ thể số lượng người dân, phương tiện sẽ bị ảnh hưởng. 

Trong đó cần xây dựng các mô hình, phân chia cụ thể các nhóm người dân nghèo, có thu nhập thấp cần phải hỗ trợ.

Thực tế theo ông Huân, với những người có thu nhập thấp, đa phần đều sử dụng các loại xe máy xăng cũ, tuổi đời cao, nếu chuyển đổi sang xe điện phải tốn chi phí lớn. 

Do vậy với nhóm này có thể đa dạng các loại hỗ trợ như sau khi thanh lý xe máy chạy xăng, số tiền còn lại phải chi để chuyển đổi sang xe điện sẽ được chính quyền Hà Nội hỗ trợ 50%, người dân bỏ ra 50% hay chính quyền hỗ trợ 30%, còn lại người dân lo. 

"Việc này sẽ phải phụ thuộc vào thống kê số lượng cụ thể và nguồn lực từng thời kỳ của địa phương để đảm bảo cân đối nguồn hỗ trợ", ông Huân nêu.

xe máy - Ảnh 3.

Xe máy chạy xăng lưu thông tại khu vực ngã tư Hai Bà Trưng - Ngô Quyền thuộc đường vành đai 1 (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hỗ trợ người dân chuyển sang xe điện

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho hay để chính sách đi vào cuộc sống, không chỉ việc cấm xe mà còn phải có các biện pháp hỗ trợ người dân khi thực hiện chính sách trên. 

Nêu giải pháp, ông Tùng đề nghị Hà Nội cần ban hành ngay các chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện.

"Cấm xe người dân đi lại như thế nào, người dân sống bên trong đường vành đai 1 như thế nào, bên ngoài đường vành đai 1 đi vào trong như thế nào? Hà Nội phải nghiên cứu và ban hành ngay chính sách này, công bố và công khai cho người dân biết để họ yên tâm, tôi cho rằng rất cần thiết", ông chỉ rõ. 

Ông nhấn mạnh nếu chuyển sang đi xe điện, người dân rất quan tâm hệ thống sạc như thế nào để thuận tiện và an toàn. Vì vậy phải có quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về vấn đề này, phải làm sao việc sạc điện thuận tiện như việc đổ xăng thì người dân mới yên tâm chuyển đổi.

Ngoài ra khi chuyển đổi xe sẽ có những người ở ngoài đường vành đai 1 vẫn đi xe máy vào và gửi xe ở khu vực bắt đầu cấm xe xăng, vì vậy Hà Nội cần xây dựng các điểm gửi xe cho người dân tại khu vực này. 

"Giao thông công cộng cũng phải đảm bảo được nhu cầu của người dân. Hà Nội cũng đang đẩy nhanh hệ thống đường sắt đô thị, xanh hóa các hệ thống xe buýt. Tuy nhiên Hà Nội cần phải đẩy nhanh hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để mở rộng thêm mạng lưới xe buýt, đặc biệt là các xe buýt nhỏ trung chuyển hành khách để họ thấy được sự thuận tiện", ông gợi ý.

Trong bối cảnh toàn cầu đang thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon, việc chuyển đổi từ xe chạy bằng xăng, dầu diesel sang xe điện đang trở thành xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên đây không đơn thuần là câu chuyện thay thế phương tiện giao thông mà là một quá trình chuyển đổi phức tạp đòi hỏi sự kết hợp giữa chính sách, cơ sở hạ tầng và thay đổi hành vi tiêu dùng. 

Nhiều quốc gia đã triển khai mạnh mẽ chiến lược chuyển đổi này, thu được những kết quả khác nhau từ những hình mẫu thành công như Na Uy, Trung Quốc đến những trường hợp chuyển đổi chậm hoặc gặp khó khăn. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế.

TS NGUYỄN VĂN THANH (nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam):

Phân loại theo tình trạng xe để hỗ trợ chuyển đổi

Ngoài hạ tầng, hệ thống phương tiện công cộng, các bãi gửi xe đảm bảo diện tích đủ lớn, tính đúng giá tiền trông giữ, các trạm sạc đảm bảo tiêu chuẩn, Hà Nội cần các giải pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt nhóm thu nhập thấp, trong quá trình chuyển đổi phương tiện từ xe máy xăng sang xe điện.

Trong đó cần khảo sát, thống kê rất chi tiết số lượng xe máy chạy xăng hiện có không chỉ trong đường vành đai 1 mà toàn TP. Phân loại theo niên hạn và tình trạng sử dụng để xây dựng gói hỗ trợ phù hợp.

"Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng làm"

Phát biểu trước HĐND TP tại phiên trả lời chất vấn ngày 11-12-2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói tới đây Hà Nội "phải sạch cả không khí".

Ông cho biết khi Hà Nội thông qua nghị quyết vùng phát thải thấp, hạn chế xe máy, TP sẽ báo cáo Chính phủ và xin phương án cùng với các nhà sản xuất xe để có chương trình giảm thiểu xe máy chạy xăng vào vùng phát thải thấp.

"Người dân sống ở đây mình có chương trình đổi xe, hỗ trợ đổi xe cho người ta, giảm giá xe điện, hỗ trợ vốn vay để người dân cơ bản đi xe điện, không đi xe máy xăng nữa. Tôi sẽ có kế hoạch để Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng làm, cái chung mà, thế TP mới sạch được", ông Thanh nói.

Thế giới làm thế nào?

Na Uy: hình mẫu chuyển đổi thành công

Na Uy dự kiến trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ hoàn toàn xe chạy xăng và dầu diesel khỏi thị trường xe mới. Dù sở hữu trữ lượng dầu khí lớn, quốc gia Bắc Âu này từ lâu đã định hướng phát triển giao thông bền vững với tỉ lệ xe điện bán ra chiếm tới 88,9% tổng doanh số vào năm 2024 - tăng mạnh từ mức dưới 1% vào năm 2010.

Theo kênh CNBC, điều đáng chú ý là mục tiêu chuyển hoàn toàn sang xe điện mà Na Uy đặt ra từ năm 2017 không mang tính ràng buộc pháp lý mà được thúc đẩy nhờ sự đồng thuận xã hội cùng chính sách khuyến khích lâu dài, nhất quán.

Bà Christina Bu, tổng thư ký Hiệp hội Xe điện Na Uy, cho biết các chính sách khuyến khích như miễn thuế giá trị gia tăng, giảm phí đường bộ, miễn phí đỗ xe cũng như quyền lưu thông trên làn xe buýt đã giúp xe điện trở nên hấp dẫn hơn.

Cùng với đó, Na Uy đã đầu tư mạnh vào hệ thống trạm sạc công cộng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sạc tại nhà - yếu tố giúp xóa bỏ nỗi lo sạc điện khó khăn của người tiêu dùng.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Na Uy, bà Cecilie Knibe Kroglund, cho biết các chính sách nhất quán và dài hạn nhằm hỗ trợ việc sử dụng xe điện - thay vì áp đặt các biện pháp cấm xe sử dụng động cơ đốt trong - đã đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi của quốc gia này.

Cấm dần xe máy chạy xăng: Hỗ trợ người dân, phát triển giao thông công cộng - Ảnh 4.

Người dân di chuyển bằng xe điện trên một con phố ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 6-5-2025 - Ảnh: AFP

Trung Quốc: đường phố tấp nập xe điện

Trong khi đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện. Từ quốc gia sử dụng xe đạp phổ biến và sau đó là xe chạy bằng xăng dầu gây ô nhiễm nặng, Trung Quốc đã xây dựng thành công ngành công nghiệp xe điện quy mô lớn nhờ chiến lược bài bản của chính phủ.

Từ đầu thế kỷ 21, giới lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch thống trị các công nghệ tương lai.

Chính phủ nước này triển khai đồng thời nhiều giải pháp: trợ cấp mua xe, miễn thuế, trợ giá trạm sạc công cộng, hỗ trợ sản xuất nội địa, áp đặt hạn ngạch "xe năng lượng mới" cho các nhà sản xuất ô tô cùng các biện pháp hạn chế xe xăng tại các đô thị lớn. Chính sách này đã giúp hàng triệu người tiêu dùng chuyển sang xe điện.

Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu Rho Motion, năm 2024 Trung Quốc bán ra khoảng 11 triệu xe điện, tăng gần 40% so với năm 2023. Đường phố các đô thị lớn như Bắc Kinh ngày càng vắng bóng xe chạy xăng, thay vào đó là những dòng xe điện mang biển số màu xanh lá cây đặc trưng.

Bài học từ những quốc gia chưa thành công

Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng thành công trong chuyển đổi sang xe điện. Úc và một số nước châu Âu như Anh đã từng gặp khó khăn trong giai đoạn đầu.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chính sách không thống nhất giữa các địa phương, thiếu các chính sách và ưu đãi từ chính phủ nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi, chậm phát triển mạng lưới trạm sạc, giá cả đắt...

Ở một số nơi, việc để thị trường tự điều tiết mà không có chiến lược hỗ trợ hoặc can thiệp rõ ràng khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm.

Cấm dần xe máy chạy xăng: Hỗ trợ người dân, phát triển giao thông công cộng - Ảnh 5.Hà Nội nêu phương án đối với hơn 450.000 xe máy xăng trong vành đai 1

Ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - đã có cuộc trao đổi với báo chí về những giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi xe cộ khi Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng đi vào đường vành đai 1 từ 7-2026.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp