
Một người đàn ông đang giải nhiệt tại đài phun nước trước nhà thờ Berlin ở Đức hôm 2-7 - Ảnh: REUTERS
Từ việc hạn chế lao động ngoài trời ở Ý, các trường học đóng cửa ở Pháp đến cuộc chiến chống cháy rừng tại Thổ Nhĩ Kỳ - những phản ứng cấp bách này phản ánh một thực tế: châu Âu chưa thực sự sẵn sàng đối mặt với khí hậu cực đoan đang ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn.
Nhiệt độ phá kỷ lục
Nguyên nhân chủ yếu của đợt nắng nóng kéo dài này là hiện tượng mái vòm nhiệt - khối áp suất cao lớn bao trùm từ Bắc Phi tới Nam và Trung Âu, giữ chặt không khí nóng dưới mặt đất và khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục trên diện rộng.
Tại Tây Ban Nha, thị trấn El Granado ghi nhận 46°C hôm 29-6, mức cao nhất lịch sử tháng 6 từng được ghi nhận ở quốc gia này. Tại Bồ Đào Nha, thành phố Mora lập kỷ lục 46,6°C, đánh dấu tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay.
Pháp cũng không nằm ngoài xu hướng này với hơn 16 tỉnh, bao gồm thủ đô Paris, được đặt trong tình trạng cảnh báo đỏ về nắng nóng. Nhiều địa phương ghi nhận nhiệt độ vượt 38°C. Ban quản lý tháp Eiffel phải thông báo đóng cửa đỉnh tháp trong hai ngày 1 và 2-7 để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Không chỉ trên đất liền, mặt biển Địa Trung Hải - đặc biệt ở phần phía tây gần Pháp và Tây Ban Nha - cũng đang trải qua đợt sóng nhiệt biển nghiêm trọng, với mức nhiệt cao hơn trung bình đến 9oC. Nhiệt độ nước biển ấm không chỉ góp phần giữ nền nhiệt ban đêm ở mức cao, mà còn khuếch đại toàn bộ hệ thống khí quyển nóng lên, tạo ra chu trình tăng nhiệt kép giữa đất liền và đại dương.
Sóng nhiệt lan rộng khắp châu Âu - từ Đức, Ý đến Anh và Đông Âu - gây ra tình trạng "stress nhiệt" diện rộng. Ở Anh, quốc gia chỉ có dưới 5% nhà dân được trang bị điều hòa, nhiệt độ vượt 32°C đã khiến người dân tại Wimbledon phải dùng quạt tay dưới cái nắng gắt hiếm thấy. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50.000 người phải sơ tán do cháy rừng ở hai tỉnh miền tây.
Ngay cả những nơi cao nhất châu lục cũng không tránh khỏi đợt nóng này. Dãy Alps - vốn thường còn phủ tuyết vào thời điểm này trong năm - cũng ghi nhận nhiệt độ vượt mức đóng băng.
Trong đợt nắng nóng cuối tháng 6, nhiệt độ ở đỉnh Mont Blanc - ngọn núi cao nhất dãy Alps - vẫn không xuống dưới 0°C. Thậm chí, mốc 0°C đã bị đẩy lên độ cao hơn 5.100m, vượt cả đỉnh núi. Điều này cho thấy cả ngọn núi vốn quanh năm giá lạnh cũng chìm trong không khí ấm bất thường.
"Bình thường mới" đáng lo ngại
Đợt nắng nóng năm 2025 không phải hiện tượng lần đầu xuất hiện. Đây là phần tiếp nối của chuỗi năm liên tiếp phá kỷ lục tại châu Âu: 2021, 2022, 2023, 2024 đều là những năm nóng nhất lịch sử - và 2025 đang tiếp tục vượt qua cả mốc đó.
Tình trạng này là biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu do con người gây ra, trong đó châu Âu là nơi ấm lên nhanh nhất thế giới, với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, bão, lũ lụt, cháy rừng không chỉ xảy ra thường xuyên hơn, mà còn trở nên dữ dội và kéo dài hơn.
Sóng nhiệt biển - một yếu tố từng ít được chú ý - nay đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và khuếch đại các đợt nắng nóng trên đất liền. Khi nước biển ấm lên bất thường, nó không chỉ tỏa nhiệt vào không khí mà còn làm tăng độ ẩm, khiến nhiệt độ ban đêm không giảm và tạo điều kiện lý tưởng cho các đợt nóng kéo dài.
Hiện tượng này đồng thời cũng khiến lượng mưa giảm, làm tăng nguy cơ hạn hán và gây trầm trọng thêm các vụ cháy rừng.
Tình trạng tan băng ở dãy Alps càng củng cố những lo ngại về tương lai. Một nghiên cứu công bố đầu năm 2025 cho thấy kể từ năm 2000, các sông băng ở Trung Âu đã mất khoảng 39% khối lượng băng - tức gần phân nửa chỉ trong chưa đầy 25 năm.
Khi các vùng núi cao không còn giữ được băng tuyết mùa hè, các thành phố bên dưới cũng mất đi lớp điều hòa tự nhiên cuối cùng. Với biển ngày càng nóng, núi không còn lạnh, đất liền khô hạn và khí nóng sa mạc tràn đến, châu Âu dường như đang bước vào thời kỳ "bình thường mới" - nơi mùa hè kéo dài nhiều tháng trở thành chuỗi thử thách sống còn, lặp đi lặp lại đến mức không còn gì bất ngờ.
Ít nhất 8 người thiệt mạng vì nắng nóng
Theo Hãng tin Reuters ngày 3-7, ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng dữ dội đang bao trùm châu Âu những ngày qua. Tây Ban Nha ghi nhận 4 ca tử vong, trong đó có 2 người thiệt mạng do cháy rừng ở Catalonia.
Pháp báo cáo 2 người chết và hơn 300 ca nhập viện vì sốc nhiệt, trong khi Ý có 2 người đàn ông trên 60 tuổi tử vong khi đi biển ở đảo Sardinia. Giới chức các nước cảnh báo con số này có thể còn tăng khi thời tiết khắc nghiệt tiếp tục diễn ra trong nhiều ngày tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận