
Drone siêu nhỏ của Trung Quốc - Ảnh: BUSINESS INSIDER
Tháng trước Đại học Quốc gia Công nghệ quốc phòng Trung Quốc (NUDT) đã công bố một mẫu drone do thám mới có thiết kế và kích thước giống con muỗi.
Được giới thiệu trên đài truyền hình quân sự - quốc phòng CCTV-7 của Trung Quốc, mẫu drone siêu nhỏ này có kích thước tương đương móng tay người và được trang bị đôi cánh nhỏ hình chiếc lá, cùng những chiếc chân mảnh như sợi dây thép.
Drone siêu nhỏ: Dễ bay, khó bền
Dù trông không ấn tượng như các thiết bị bay không người lái (UAV) hay drone cỡ lớn đang được sử dụng tại Ukraine, nhưng thân hình mảnh khảnh của thiết bị này được cho là có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ giám sát và tác chiến bí mật.
“Là một drone để do thám các tòa nhà, đặc biệt là bên trong các tòa nhà, tôi có thể hình dung nó sẽ khá hữu ích cho việc truyền tín hiệu video”, ông Herb Lin, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm An ninh và Hợp tác quốc tế của Đại học Stanford, nói với trang tin Business Insider.
Tuy nhiên kích thước nhỏ cũng có thể hạn chế việc sử dụng thiết bị này trên chiến trường.
“Nếu nó là thật và được vận hành bằng nguồn điện thông thường (bằng pin) thì thời gian hoạt động trên không sẽ bị giới hạn bởi dung lượng pin. Ngoài ra thiết bị rất nhẹ nên dễ bị gió thổi bay. Những yếu tố này cho thấy nó không đặc biệt hữu ích cho giám sát trên diện rộng”, ông Lin nói.
Theo Business Insider, các loại drone có thể rất nhạy cảm với điều kiện thời tiết, đặc biệt là gió mạnh, mưa, tuyết, trời lạnh và sương mù.
Ông Samuel Bendett, cố vấn tại Trung tâm Phân tích hải quân và chuyên gia về thiết bị bay không người lái, cho hay drone càng nhỏ thì càng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này.
“Ngay cả trong nhà cũng có thể có những điều kiện ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của drone này, chẳng hạn như gió nhẹ, luồng gió từ máy lạnh, cửa sổ mở hoặc các vật cản khác”, ông Bendett lưu ý.
Ông nói thêm rằng việc truyền tín hiệu cũng là một vấn đề khác cần xem xét, bởi kích thước nhỏ của drone khiến nó khó có thể mang theo các thiết bị tiên tiến.
“Mặc dù về mặt kỹ thuật có thể chế tạo một UAV siêu nhỏ như thiết bị được các nhà phát triển Trung Quốc trình làng, nhưng hiệu suất thực tế của nó rất có thể sẽ khác nhiều”, ông Bendett phân tích thêm.
Nỗ lực sáng tạo
Bên cạnh những hoài nghi về hiệu quả thực tế trên chiến trường, một số chuyên gia khác nhận định mẫu drone mới là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tiếp tục đổi mới trong lĩnh vực này.
Ông Michael Horowitz, nghiên cứu viên cao cấp về công nghệ và đổi mới tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) của Mỹ, đánh giá sự xuất hiện của drone siêu nhỏ này cho thấy các nhà nghiên cứu Trung Quốc đặc biệt muốn thúc đẩy đổi mới công nghệ trong lĩnh vực drone.
Tuy nhiên ông nói thêm hiện vẫn chưa rõ khả năng thực tế của thiết bị này ra sao, khi nào Trung Quốc có thể triển khai công nghệ này, hoặc họ sẽ sử dụng nó cho những loại nhiệm vụ nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận