
Hộ kinh doanh mong khi hết khoán thuế, chính sách thuế mới sẽ đơn giản và dễ áp dụng vì hộ kinh doanh không ràng buộc thủ tục và rất sợ bị phạt thuế - Ảnh: Quang Định
Tuy nhiên theo các chuyên gia, cần có các cơ chế ưu đãi đặc biệt, nhất là về thuế, nhằm khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Số liệu từ cơ quan thuế cho biết cả nước đang có khoảng 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh nhưng chỉ có 3,6 triệu hộ đang đăng ký thuộc diện nộp thuế.
Trong đó, chỉ có gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán với mức thuế bình quân khoảng 700.000 đồng/tháng/hộ. Theo nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, chậm nhất đến năm 2026 sẽ bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh.
Tạo môi trường kinh doanh minh bạch
Bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội tư vấn thuế - cho biết cả nước có khoảng 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh, với 3,6 triệu hộ đang đăng ký thuộc diện nộp thuế. Trong đó, gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán, với mức thuế khoán bình quân trong quý 1-2025 chỉ vào khoảng 700.000 đồng/tháng/hộ.
"Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng nhiều cửa hàng bán thuốc, phòng khám tư nhân, spa... có doanh thu khá lớn, thậm chí một cá nhân kinh doanh dịch vụ có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ngày nhưng chỉ đóng thuế vài triệu đồng. Điều này cho thấy việc xác định doanh thu tính thuế vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, dẫn đến sự thiếu công bằng và thất thu ngân sách nhà nước", bà Cúc nói.
Do đó, theo ông Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia về thuế, việc chuyển sang thuế kê khai sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, đảm bảo công bằng cho những hộ kinh doanh làm ăn nghiêm túc, đàng hoàng, góp phần hạn chế được tình trạng hàng giả, kinh doanh gian lận, trốn thuế.
Trong khi đó, chị Ngân (quận 3, TP.HCM) cho hay gia đình chị kinh doanh đặc sản quê, vừa bán online vừa bán tại nhà, với số tiền thuế khoán hơn 1 triệu đồng/tháng, không phải lo thanh tra, kiểm tra, hóa đơn cũng như sợ bị phạt thuế. Do đó, khi nghe thông tin sẽ bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh, chị Ngân khá lo lắng.
"Ở quy mô nhỏ tôi không có khả năng duy trì bộ máy kế toán nếu lên doanh nghiệp. Còn nếu đầu tư máy móc để xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, chi phí cũng khá cao", chị Ngân nói.
Tương tự, chị Vân, chủ quán bún bò tại Gò Vấp, cho hay do quy mô kinh doanh nhỏ nên chị chưa nghĩ đến việc lên doanh nghiệp. "Sau khi nghe tin sẽ bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh, tôi không biết sắp tới có phải lên doanh nghiệp hay chuyển sang dạng hộ kê khai như những hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng trở lên?", chị Vân lo lắng.
Theo chị Vân, nếu bỏ thuế khoán, nên có chính sách thuế phù hợp cho đối tượng hộ kinh doanh, đặc biệt không nên quy định mức phạt quá nặng về hóa đơn. Nhiều hộ kinh doanh nộp thuế khoán cho biết chỉ hoạt động trên quy mô hộ gia đình, lấy công làm lời, nên cũng lo với cách tính thuế mới sẽ tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận...
Hỗ trợ mạnh mẽ sẽ khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng việc áp dụng thuế kê khai, bỏ thuế khoán sẽ khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên, thành doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp mà Bộ Chính trị đặt mục tiêu trong nghị quyết 68, tức là tăng thêm hơn 1 triệu doanh nghiệp so với hiện nay, có thể thực hiện được.
"Với 5 triệu hộ kinh doanh mà chỉ cần 20% hộ chuyển lên doanh nghiệp, chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp rồi. Thế nhưng, để khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt, nhất là về thuế", ông Lạng nói và đề xuất nên miễn thuế 4 năm đầu và giảm 5 năm tiếp theo kể từ khi kinh doanh có lãi cho doanh nghiệp chuyển từ hộ lên, đồng thời miễn phí các thủ tục lên doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Lạng, thiết kế quy định về kế toán, thuế phải đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp siêu nhỏ này. Theo đó, chỉ cần 3 chỉ số gồm tổng doanh thu, tổng chi phí, lợi nhuận được kê khai đầy đủ, rõ ràng. Cơ quan thuế sẽ hậu kiểm.
Bà Cúc cũng cho rằng cần xây dựng phần mềm hỗ trợ kê khai đơn giản, dễ dùng, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ. Các hộ có thể dễ dàng nhập doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra mà không gặp khó khăn quá lớn. Bởi việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ gặp không ít thách thức.
"Nhà nước có thể dành một khoảng thời gian chuyển tiếp từ 6 tháng đến 1 năm để các hộ kinh doanh làm quen với phương pháp mới. Và trong thời gian đó, Nhà nước nên cung cấp các phần mềm, công cụ hỗ trợ một cách miễn phí. Điều này không chỉ giúp họ dễ tiếp cận, mà còn tạo ra tâm lý tích cực, chủ động chuyển đổi", bà Cúc khuyến nghị.
Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú cho rằng trong nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã chỉ đạo có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập. Đây là điều rất cần thiết với khối kinh tế tư nhân, cần cụ thể hóa những định hướng này để triển khai càng sớm càng tốt.
"Theo đó, mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn 3 - 5% so với mức thuế phổ thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh mở rộng quy mô hoạt động. Khi đó, doanh nghiệp siêu nhỏ mới có cơ hội phát triển thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp có quy mô vừa...", ông Tú nói.
Cần hướng dẫn kê khai các chi phí đầu vào

Nhiều hộ kinh doanh mong muốn được cơ quan thuế hướng dẫn cụ thể về việc kê khai chi phí đầu vào - Ảnh: Quang Định
Từ ngày 1-6, theo nghị định 70, các hộ và cá nhân kinh doanh đang áp dụng thuế khoán, hoặc các hộ kinh doanh bán hàng trực tiếp, bán lẻ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ sửa chữa ô tô, vận tải... có doanh thu từ 1 tỉ đồng trở lên phải kết nối và sử dụng hóa đơn điện tử thông qua máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.
"Đây là cơ sở để xác định doanh thu một cách minh bạch, qua đó ngăn chặn thất thoát thuế", chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú nói và cho rằng không thể để tình trạng các cửa hàng bán thuốc, thực phẩm chức năng, sữa... không áp dụng hóa đơn điện tử kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế.
Tuy nhiên, theo ông N.V.H. - chủ chuỗi nhà hàng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, điều băn khoăn là các chi phí đầu vào như rau thơm, một số loại gia vị... mua ở chợ dân sinh, từ người trồng trực tiếp, không có hóa đơn đầu vào. Do đó, ông H. mong được hướng dẫn kê khai các chi phí này để được trừ trước khi tính thuế.
"Việc áp dụng hóa đơn điện tử kết nối máy tính tiền với hệ thống của cơ quan thuế rồi, doanh thu rất rõ ràng. Trường hợp các thủ tục, quy định về kế toán, thuế, bảo hiểm... đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu 1 - 3 tỉ đồng/năm, chúng tôi sẵn sàng lên doanh nghiệp", ông N.V.H. nói.
Phải kê khai theo doanh thu thực tế
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, khi chuyển sang hình thức kê khai, các hoạt động kinh doanh phải xuất hóa đơn, có chứng từ bán hàng và kê khai thuế định kỳ. Ngoài ra, các hộ kinh doanh cũng cần phân biệt rõ giữa hai phương pháp tính thuế.
Cụ thể, các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ áp dụng cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) theo phương pháp khấu trừ. Khi đó, thuế VAT sẽ được tính bằng cách lấy thuế đầu ra trừ thuế đầu vào và nộp phần chênh lệch còn lại.
Với những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 1 tỉ đồng vẫn phải nộp thuế nhưng sẽ áp dụng phương pháp tính thuế theo tỉ lệ trên doanh thu phát sinh trong kỳ chứ không phải là hình thức khoán cố định một năm như trước.
Đơn cử, theo quy định hiện hành, hoạt động thương mại, bán hàng hóa chịu 1% thuế VAT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân. Cho thuê nhà có thể áp dụng thuế suất 10% (gồm cả VAT và thuế thu nhập cá nhân)...
Như vậy, nếu trong năm, hộ kinh doanh phát sinh doanh thu 500 triệu đồng, sẽ kê khai và nộp thuế dựa trên đúng số tiền này, không còn "khoán một cục" như trước, mà phải kê khai theo doanh thu thực tế từng tháng, từng quý.
GS.TS Hoàng Văn Cường (ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội):
Hộ kinh doanh "không chịu lớn" vì sợ gánh nặng tuân thủ
Một trong những nguyên nhân quan trọng mà các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ "không chịu lớn" đó là chi phí tuân thủ thuế. Trên lý thuyết, chính sách thuế được áp dụng thống nhất cho mọi doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, chi phí tuân thủ lại tỉ lệ nghịch với quy mô. doanh nghiệp quy mô càng nhỏ, gánh nặng càng lớn, nếu tính theo tỉ lệ doanh thu hoặc lợi nhuận.
Một doanh nghiệp lớn có thể thuê nguyên bộ phận kế toán để làm thuế. Nhưng một doanh nghiệp nhỏ, doanh thu vài trăm triệu đồng cũng phải thuê người kê khai như vậy - chi phí đó chiếm tỉ trọng cực lớn trong tổng doanh thu. Chính sự bất cân xứng này là một trong những bức tường vô hình ngăn hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp.
Trong thực tế, nhiều hộ kinh doanh không ngại nộp thuế nhưng ngại thủ tục rườm rà, chi phí phát sinh và rủi ro xử phạt hành chính.
Nếu hệ thống thuế không được đơn giản hóa, "vùng xám" ấy sẽ tiếp tục tồn tại - không vì trốn tránh nghĩa vụ, mà vì sợ không đủ khả năng tuân thủ đúng luật. Khi đó, chúng ta đánh mất cơ hội đưa các nguồn lực phi chính thức trở thành lực lượng sản xuất hợp pháp, minh bạch, bền vững.
Khi chi phí tuân thủ thấp, doanh nghiệp sẽ không có động cơ lẩn tránh. Ngược lại, sẽ chủ động tham gia hệ thống để được bảo vệ và phát triển. Tôi đề xuất ngành tài chính cần có tư duy đột phá, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua giới hạn của bản thân, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, thủ tục hành chính rườm rà, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận