
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.
Thu hồi triệt để các dự án treo
Báo cáo tóm tắt nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện vẫn còn 30/46 bộ, cơ quan trung ương, và 26/63 địa phương có tỉ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Cũng theo ông Thắng, đến ngày 26-12-2024 số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trong phạm vi cả nước là 205.862 cơ sở.
Số cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định là trên 62.730 cơ sở.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dẫn đến tiến độ sắp xếp còn chậm, kéo dài thời gian.
Số lượng các cơ sở nhà, đất của một số bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn.
Trong tổ chức bộ máy, các cơ quan đã khẩn trương xây dựng đề án, văn bản quy định liên quan đến sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Ban Chỉ đạo Chính phủ và Bộ Chính trị.
Các cơ quan chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương...
Năm 2025, Chính phủ đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp để thực hiện.
Bao gồm điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy, thanh kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Thẩm tra nội dung này, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nhìn nhận khái quát, công tác này năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được quan trọng trên nhiều lĩnh vực thì công tác này ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị từ trung ương đến cơ sở còn nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Ảnh: GIA HÂN
Rà soát tài sản công sử dụng không hiệu quả
Góp ý sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng báo cáo vẫn nêu khá mờ nhạt về khuyết điểm, không chỉ rõ những trường hợp lãng phí, địa chỉ trách nhiệm và phương hướng xử lý.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quan tâm đến các dự án triển khai chậm tiến độ. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam, thể hiện sự lãng phí và Tổng Bí thư phải chỉ đạo thanh tra. Hay dự án tòa tháp Vicem ở đường Phạm Hùng.
Theo ông Định, cần cụ thể hóa các giải pháp, trên cơ sở đó rà soát lại các dự án chậm triển khai, vừa thực hành tiết kiệm, vừa chống lãng phí. Đồng thời tháo gỡ cơ chế chính sách để dự án đi vào thực tiễn, khơi thông nguồn lực.
"Khi còn ở địa phương, tôi chỉ đạo rất rõ. Có những dự án để đấy nhiều năm, thống kê hết lại, anh nào không làm, thu hồi. Thế rồi sau đó một số dự án triển khai ngay, còn một số dự án không triển khai được thì thu hồi", ông Định nói.
Ông đề nghị rà soát tài sản công sử dụng không hiệu quả, ở địa phương hiện có nhiều, nên phải rà soát, có giải pháp sử dụng hiệu quả.
"Việc sắp xếp bộ máy của cả hệ thống chính trị, quản lý tài chính, tài sản làm sao chống thất thoát trong lúc sáp nhập, chuyển đổi, nhất là trụ sở tài sản công dôi dư phải chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đưa vào sử dụng cho hiệu quả. Việc này cần phải tập trung trong thời gian tới", ông Định lưu ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề việc tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành chưa đầy đủ.
Bà nêu các bộ đều có báo cáo, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không có? Có đơn vị đánh giá bằng điểm số, nhưng có đơn vị không, khiến cho báo cáo thiếu tính định lượng.
Từ đó đề nghị cần phải làm đồng bộ, thống nhất mới có cơ sở đánh giá chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận