Vậy tôi phải làm sao để đòi được quyền lợi bảo hiểm của mình?
Bạn đọc H. ([email protected]) gửi câu hỏi.
- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:

Luật sư Tào Văn Dũng
Phá sản và việc thanh toán các khoản bảo hiểm:
Phá sản là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản (khoản 2 điều 4 Luật Phá sản năm 2014).
Khi doanh nghiệp phá sản thì các khoản: nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết sẽ được ưu tiên thanh toán ngay sau khi thanh toán xong chi phí phá sản (điểm b khoản 1 điều 54 Luật Phá sản năm 2014 và khoản 2 điều 48 Luật Lao động năm 2019).
Đối với đơn vị nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định. Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận sổ bảo hiểm xã hội để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ bảo hiểm xã hội đến thời điểm đã đóng các khoản liệt kê trên. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, một công ty thực hiện thủ tục phá sản sau khi đã thanh toán xong chi phí phá sản thì phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.
Các khoản bảo hiểm này công ty phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội trước khi thực hiện các bước tiếp theo để hoàn tất thủ tục phá sản.
Trước khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản thì các khoản trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cũng phải có nghĩa vụ đóng theo tháng hoặc định kỳ cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, việc đầu tiên bạn cần làm là liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi công ty có trụ sở chính để được hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan.
Xử phạt vi phạm hành chính:
Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng (điểm a khoản 7 điều 39 nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.
Nếu không thực hiện với thời gian từ 30 ngày trở lên theo yêu cầu của người có thẩm quyền thì ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:
Người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Mức phạt tiền có thể lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm trong trường hợp: trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu/đã khấu trừ của người lao động.
Pháp nhân thương mại phạm tội thì mức phạt tiền có thể lên đến 3.000.000.000 đồng (điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
Như vậy, hành vi nợ tiền bảo hiểm của nhân viên rồi bỏ trốn, tùy theo mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bạn cần làm đơn trình báo công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự việc. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ mới thu thập được.
Cơ quan công an bằng nghiệp vụ của mình sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh, lấy lời khai ban đầu, thu thập thêm các chứng cứ để làm sáng tỏ vụ việc và xử phạt vi phạm.
Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu "tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động" thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố vụ án, ra lệnh truy nã bị can.
Ngoài ra, bạn cũng cần liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi công ty có trụ sở chính để được hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận