
Đại biểu Lê Đào An Xuân - Ảnh: Quochoi.vn
Công chức bị xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ" có thể bị bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn, hoặc bị cho thôi việc do không đáp ứng yêu cầu.
Lo nhiều khó khăn áp dụng KPI trong cơ quan nhà nước
Nêu quan điểm đưa vào đánh giá chỉ số KPI là định hướng đúng, đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) cho rằng để giải pháp này đi vào cuộc sống, lựa chọn những cán bộ công chức năng lực, trình độ thực sự, cần làm rõ tiêu chí về đạo đức công vụ với cá nhân, cán bộ công chức đánh giá, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dung.
Qua thực tiễn cho thấy việc đánh giá đạo đức công vụ vẫn mang tính chất định tính. Chỉ số đánh giá ngoài việc hiệu quả công việc từ vị trí việc làm, mà cần gắn với quá trình phát triển của công chức.
Trong khi đó, khu vực công khác với doanh nghiệp có nhiều vị trí việc làm, nhiều công việc mang tính dài hạn, có kết quả chỉ mang tính gián tiếp. Vì vậy theo đại biểu, nếu chỉ nhìn kết quả dựa trên KPI, chấm điểm theo quý, năm khó khuyến khích người dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Không thể đo hiệu quả nếu không có điều kiện thực hiện. Những rào cản lớn khi đánh giá ở khu vực công là nhiều vị trí công chức phải chịu trách nhiệm nhưng lại không có quyền hạn, và phụ thuộc vào các đơn vị khác.
Muốn đánh giá hiệu quả, cần có hệ sinh thái hỗ trợ đi kèm đồng bộ, phân quyền rõ ràng, cơ chế phối hợp minh bạch” - đại biểu An Xuân nêu.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị cần phải mạnh dạn có cơ chế giao trách nhiệm cho người đứng đầu, thẩm quyền xây dựng chỉ số đánh giá công chức trong phạm vi ngành và lĩnh vực gắn với vị trí việc làm để dễ dàng, cụ thể hóa và tăng tính khả thi, dám nghĩ dám làm.
Không thể để "sáng vác ô đi, chiều vác ô về"
Quan điểm khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần phải có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, rành mạch để đánh giá thế nào là người tài. Việc này cũng tránh để tuyển dụng công chức với tư duy biên chế suốt đời và “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, làm việc cầm chừng, hằng năm vẫn được nâng lương.
Vì vậy ông Hòa đồng tình việc không đánh giá chung chung, mà cần được đánh giá cụ thể, lượng hóa được nhiệm vụ công việc, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thôi việc.
Việc đánh giá theo KPI hiện nay khu vực ngoài nhà nước đã làm lớn, doanh nghiệp nhà nước cũng đang làm, nên việc đánh giá này là cần thiết, quan trọng, thay đổi tư duy đánh giá cảm tính, nể nang, cả nể, không dám đánh giá để đảm bảo tính công bằng.
Cùng đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng để đánh giá trúng và đúng chất lượng công việc của cán bộ, công chức là khó khăn, khi còn tình trạng nể nang, ngại va chạm làm ảnh hưởng kết quả đánh giá.
Nhiều cán bộ làm việc cầm chừng, chất lượng công việc thấp, thiếu sự rèn luyện, nâng cao chất lượng trong công việc nhưng cuối năm tập thể, người đứng đầu vẫn không dám đánh giá về việc không hoàn thành nhiệm vụ, gây khó khăn cho quản lý đội ngũ cán bộ, công chức.
Vì vậy đại biểu đề nghị căn cứ đánh giá dựa trên nhu cầu vị trí việc làm, đảm bảo công khai, công tâm, dân chủ và khách quan. Điều này làm cơ sở sàng lọc đưa ra khỏi vị trí việc làm những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính.
"Để đánh giá kết quả làm việc của cán bộ công chức, viên chức xuyên suốt, việc đánh giá thực hiện liên tục theo quý, tháng, năm, tránh việc kiểm điểm trong một năm nhiều việc sẽ bị bỏ sót. Cùng đó cần bổ sung cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp, người dân, hạn chế đánh giá cảm tính" - đại biểu Ngọc nêu.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng vị trí việc làm là trung tâm, nhằm xóa bỏ tình trạng giữ ghế, biên chế suốt đời. Vì vậy cán bộ công chức muốn tồn tại thì phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nền công vụ mở, chuyên nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận