
Biển báo cấm dừng và đỗ xe tại khu vực quảng trường 2 Tháng 4, Khánh Hòa - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Bạn đọc bình luận bày tỏ sự đồng tình, cho rằng mức xử phạt như trên là thỏa đáng, đúng người đúng tội.
Trước đó ngày 25-6, tài khoản trên đăng clip với dòng trạng thái: "Cô giáo vùng cao run sợ khi đến Nha Trang". Nội dung hình ảnh thể hiện một số xe ô tô dừng đậu tại quảng trường 2 tháng 4, lực lượng tuần tra cùm bánh xe, niêm phong chờ xử lý do đỗ xe ở nơi có biển cấm đỗ. Thật ra những biển báo này đã được lắp đặt từ lâu vì nơi đây dễ xảy ra ùn tắc giao thông.
Ngay sau khi người chủ tài khoản mạng xã hội trên đăng video đầu tiên đã được cơ quan chức năng mời đến giải thích và nhắc nhở, yêu cầu cam kết không tái phạm. Nhưng chị này lại vi phạm lần nữa.
Biên bản phạt còn có tác dụng như bài học cảnh tỉnh đến một số trường hợp vốn xem mạng xã hội như nơi muốn vào thì vào, muốn ra thì ra, quen kiểu "phát ngôn" bừa bãi, tự gây "vạ miệng" nên có ngày chuốc họa vào thân.
Điều đáng lên án hơn phía sau mức phạt này chính là sự vô cảm, vô trách nhiệm với cộng đồng. Chỉ vì mục đích câu view, câu like nên tùy tiện quay clip, đăng tải kèm những dòng trạng thái hoàn toàn bịa đặt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến một địa phương nằm trong số điểm đến du lịch hấp dẫn.
Mạng xã hội mang lại tiện ích cho con người. Tuy nhiên nếu sử dụng không tỉnh táo hoặc quá lạm dụng, cố tình "chơi dao" sẽ có ngày "đứt tay". Khi chia sẻ thông tin, nhiều người không bận tâm tin có đúng sự thật không và vì vậy tác hại của những tin sai, tin xấu đáng sợ không kém các kiểu hành vi quậy phá, gây rối bằng bạo lực ngoài đời.
Mạng xã hội có thể lan tỏa rộng rãi điều tốt đẹp, những câu chuyện tử tế lay động lòng người nhưng cũng tiềm ẩn mặt trái do phát tán những "độc dược", nhiều loại "rác" trong cõi mạng.
Tài khoản vừa bị xử phạt có đến hơn 60.000 lượt người theo dõi, một con số không hề nhỏ. Tin giả, tin xuyên tạc không thể có đất sống nếu thiếu sự tiếp tay dù vô tình hay cố ý của người xem.
Thói quen vội nhào vô thả tim, bình luận, chia sẻ không cần biết đúng sai khác gì tiếp tay cho thói xấu.
Việc "tạo nghiệp" trên mạng xã hội không phải cá biệt. Một M.C nổi tiếng từng khốn khổ vì tin đồn anh qua đời trong khi vẫn đang tác nghiệp. Một cầu thủ bóng đá cũng bị soi mói đời tư, nói xấu, phải lên tiếng đính chính. Nhiều người khác bỗng dưng bị đăng thông tin cá nhân trên mạng với nội dung hoàn toàn bịa đặt.
Đăng tin chỉ trích một cá nhân vốn đã gây ra đủ phiền phức cho nạn nhân, nên việc đưa những chi tiết méo mó, liên quan đến quyền lợi chung của cả một địa phương chắc chắn không ai tính hết được thiệt hại cho xã hội.
Có lẽ cần bổ sung một số hành vi liên quan đến các vi phạm trong việc đưa thông tin sai lệch, gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức vào diện truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp phạt tiền chưa đủ khiến người ta "rén", cần có phương thuốc đặc trị với liều lượng mạnh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận