
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn dài 137km, quy mô 6 làn xe. Riêng đoạn Hà Nội - Bắc Giang dài 46km, được quy hoạch mở rộng lên 8 làn xe - Ảnh: THÀNH CÔNG
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, anh Chung (36 tuổi, thường đi trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) cho biết đây là tuyến huyết mạch, cửa ngõ của Hà Nội nên rất đông xe, nhất là vào giờ tan tầm hoặc nghỉ lễ. Nhiều đoạn qua Bắc Ninh không có đường gom, xe máy đi chung ngay sát làn xe hơi, xe container rất nguy hiểm.
Xe máy chung làn xe container, đi ngược chiều trên cao tốc
Tương tự, anh Dương (29 tuổi, quê Bắc Giang) cho biết cứ vào giờ tan tầm, nghỉ lễ là xe cộ đông đúc, nhiều khi đi rất chậm, chỉ khoảng 50km/h. Nhiều đoạn qua tỉnh Bắc Ninh, làn xe máy, xe hơi, xe container chỉ phân cách bằng vạch kẻ đường nên nguy cơ tai nạn cao.
"Tôi mong có cao tốc đúng nghĩa, xe ô tô được chạy tốc độ cao, xe máy có đường riêng, không đi chung", anh Dương nói.
Ghi nhận thời gian qua cho thấy những ngày thời tiết khô ráo, xe cộ đi lại thuận lợi. Tuy nhiên vào các ngày mưa, nghỉ lễ, lượng xe cộ rất đông, nhiều xe hơi, xe container phải di chuyển chậm.
Đoạn qua huyện Tiên Du và các thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh (Bắc Ninh), nhiều xe máy đi sát ô tô, ngăn cách chỉ bằng vạch kẻ đường màu trắng. Những năm qua, nhiều vụ tai nạn xảy ra, nhất là vào giờ tan tầm, cao điểm.

Hướng tuyến Hà Nội - Bắc Giang vẫn còn tình trạng người đi bộ, người chạy xe máy đi vào cao tốc. Thậm chí có trường hợp đi ngược chiều bất chấp nguy hiểm - Ảnh: HÀ QUÂN

Đoạn qua Bắc Ninh có cả xe máy, xe hơi, xe container đi chung cung đường vì không có đường gom liền mạch. Trong ảnh là hướng về trạm thu phí Hà Nội - Bắc Giang - Ảnh: HÀ QUÂN
Mở rộng cao tốc 10 làn xe
Trước đó, theo UBND tỉnh Bắc Giang, Công ty cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam về đề xuất mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang lên quy mô 10 làn xe theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Cụ thể, doanh nghiệp đánh giá lưu lượng xe qua trạm thu phí hiện đạt khoảng 53.500 lượt/ngày đêm. Song theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, lưu lượng mãn tải của tuyến vào năm 2022 chỉ ở mức hơn 46.000 lượt/ngày đêm.
Lưu lượng phương tiện tiếp tục tăng đều khoảng 11%/năm trong ba năm gần đây.
Như vậy, tuyến đường quá tải, không đảm bảo tốc độ khai thác, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đồng thời tăng chi phí vận tải, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của khu vực.
Nhà đầu tư cho rằng việc mở rộng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang lên quy mô 8 làn xe theo quy hoạch là cần thiết, nhưng thực tế lưu lượng tăng nhanh nên kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép lập đề xuất mở rộng tuyến lên 10 làn xe theo phương thức PPP.

Theo các tài xế, hướng tuyến Hà Nội - Bắc Giang bất cập khi có đoạn xe hơi được chạy tối đa 70-90km/h nhưng bên cạnh là làn xe máy chạy cùng, tiềm ẩn nguy cơ va chạm - Ảnh: HÀ QUÂN

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang là tuyến huyết mạch kết nối các nhà máy lớn của Foxconn, Luxshare-ICT, Goertek, Hitachi, Canon với các địa phương khác - Ảnh: THÀNH CÔNG

Một đoạn đường qua tỉnh Bắc Ninh phân tốc độ theo các làn xe gồm 90km/h, 70km/h và 50km/h - Ảnh: HÀ QUÂN

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang dài hơn 46km, khai thác từ tháng 4-2016 và thu phí từ tháng 5 cùng năm. Thời gian thu phí khoảng 21 năm. Tuyến bắt đầu tại km113+985 (quốc lộ 1) tại khu vực thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) và kết thúc tại km159+100 ở vị trí trạm thu phí Phù Đổng cũ, quận Long Biên (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, dự kiến quốc lộ 1 Hà Nội - Bắc Giang tách phần xe thô sơ và gắn máy ra đường gom. Tốc độ khai thác điều chỉnh tối đa 100km/h, tối thiểu 60km/h, có làn dừng khẩn cấp.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị tư vấn và lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cơ bản thống nhất việc xử lý các bất cập tại một số vị trí nút giao, điểm dừng đỗ, hệ thống biển báo, chiếu sáng, giải phóng mặt bằng đường gom…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận