
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN
Theo chương trình, chiều 14-5 Quốc hội sẽ thảo luận về dự Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Trước đó vào ngày 7-5, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự luật này.
Vì sao bỏ quy định ngạch công chức?
Để chuẩn bị cho phiên thảo luận hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ về dự luật.
Chính phủ cho biết một trong những mục tiêu của sửa đổi luật lần này là thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm.
Đây là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm.
Tuy nhiên để bảo đảm tính kế thừa, thuận lợi trong quá trình chuyển đổi phương thức quản lý, dự luật vẫn giữ quy định về ngạch công chức.
Song đây chỉ là công cụ kỹ thuật nhằm phân biệt thứ bậc trong hệ thống vị trí việc làm và áp dụng hệ số lương tương ứng.
Về ngạch công chức, tại dự luật quy định gồm: chuyên viên cao cấp và tương đương; chuyên viên chính và tương đương; chuyên viên và tương đương; cán sự và tương đương; nhân viên; ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
Dự luật cũng bỏ quy định thi nâng ngạch để bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc bố trí làm việc ở vị trí việc làm nào thì được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch tương ứng với vị trí việc làm đó.
Việc bố trí vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức sẽ được Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức.
Liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã, có ý kiến đề nghị rà soát quy định chuyển tiếp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay sau khi luật có hiệu lực thi hành.
Bổ sung lộ trình cụ thể để thực hiện thống nhất quản lý đội ngũ, cũng như chuyển đổi quản lý đội ngũ theo vị trí việc làm.
Rà soát quy định khác với quy định của luật hiện hành về tuyển dụng, bổ nhiệm, ngạch, vị trí việc làm... để bổ sung quy định chuyển tiếp, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về nội dung này, Chính phủ nêu rõ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, dự luật được rà soát chỉnh lý, bảo đảm đối với cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành).
Nếu đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện thì đương nhiên được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định mà không phải thực hiện quy trình tiếp nhận.
Đồng thời rà soát, chỉnh lý các nội dung có sự thay đổi trong dự luật so với luật hiện hành, bảo đảm không làm phát sinh thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quá trình thực hiện, bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức.
Huy động nguồn ngoài ngân sách để thực hiện chính sách vượt trội cho người tài năng
Trong quá trình thảo luận tổ, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc tuyển dụng công chức vào các vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng.
Giải trình nội dung này, Chính phủ cho hay tuyển dụng vào vị trí việc làm lãnh đạo là quy định mới để thu hút, trọng dụng người có tài năng theo vị trí việc làm.
Dự luật đã quy định yêu cầu phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Quy định này cũng bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong việc thu hút, trọng dụng người có tài năng từ khu vực tư vào làm việc ở khu vực công.
Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ và lĩnh vực xây dựng thể chế theo đúng nghị quyết và nghị quyết 66 của Bộ Chính trị mới ban hành.
Theo dự thảo người đăng ký dự tuyển công chức vào vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, ngoài đáp ứng điều kiện như có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên; có lý lịch rõ ràng; đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển...
Ngoài ra còn đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, Chính phủ nêu rõ tại dự luật quy định giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Việc thực hiện chính sách cụ thể sẽ do từng bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương quyết định phù hợp với nhu cầu và khả năng ngân sách của đơn vị.
Đồng thời để có cơ chế, chính sách đãi ngộ vượt trội với người có tài năng tương ứng với đóng góp của cán bộ, công chức, việc quy định được huy động các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách đối với người có tài năng là phù hợp, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Nội dung này đang được Chính phủ triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua và tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận