
Tranh của họa sĩ Lê Sa Long đăng trên báo Tuổi Trẻ
Năm 1994, giã từ màu áo xanh bộ đội, tôi theo học Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM. Những năm học cuối, tôi cộng tác vẽ hình minh họa hay hài hước với các báo như: Thiếu niên Tiền Phong, Hoa học trò… và đặc biệt là báo Tuổi Trẻ.
Năm 2000, tôi về dạy ở Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. Thời gian sau, anh Lê Văn Nghĩa - thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ Cười mời tôi về cộng tác và tham gia câu lạc bộ họa sĩ biếm Tuổi Trẻ Cười.
Anh khuyên: "Để có nét riêng, ngoài mảng tranh đơn và chân dung, Long nên khai thác thế mạnh với mảng tranh panaroma (toàn cảnh), nhiều người, ấn tượng!". Tôi cố gắng vẽ, nhớ lần đầu tranh được đăng nguyên trang bìa 4, tôi mừng đến nghẹt thở!
Đến với nụ cười
Câu lạc bộ họa sĩ biếm báo Tuổi Trẻ Cười ngày ấy thật rôm rả với họa sĩ Nhốp (chủ nhiệm câu lạc bộ), Nguyễn Tài, Nop, Đức, Nhím, Dad, Xuân Trung, Sa Tế, Sa Long...
Thường sau ngày báo ra, các "biếm sĩ" sẽ có buổi họp mặt vừa cà phê vừa chia sẻ góp ý về tranh được đăng để kỳ tới hay hơn. Tuy góp mặt từ nhiều thành phần, nhưng các "biếm sĩ" gắn bó thân tình như một nhà. Có lẽ có sự liên kết là nhờ chung màu áo Tuổi Trẻ!
Làm sao có thể quên những lần họa sĩ Tuổi Trẻ vẽ trong các đợt giao lưu bạn đọc báo cùng Tuổi Trẻ ở đường hoa Nguyễn Huệ khi xuân về, làm sao có thể quên những lần "biếm sĩ" tham gia decor vẽ phông cho chương trình "Cù nèo vàng" - hay "Trái cóc xanh". Chương trình ấn tượng, lúc nào cũng cháy vé.

Họa sĩ Lê Sa Long vẽ tranh cho bệnh nhi trong chương trình Ước mơ của Thúy
Một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi. Năm 2006, tôi được phân công đưa đoàn sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh xuống "mặt trận" xã Hiệp Mỹ, Cầu Ngang, Trà Vinh. Theo kế hoạch, các bạn sẽ ở trong ba nhà dân. Hai nhà đã từng nhận các bạn sinh viên ở nhiều năm trước nên thuận tiện.
Chỉ có nhà bác Hai là lần đầu nhận sinh viên ở và nghe nói ông khó tính (ông vốn là giáo viên lâu năm, đã về hưu). Khi ấy tôi khá lo vì sợ các bạn sinh viên nghệ thuật thường lỏng lẻo kỷ luật.
Không ngờ, mới gặp bác Hai - tuổi gần 70 - đã vui vẻ nói: "Tui có biết tranh và tên thầy từ lâu, nay mới có dịp gặp mặt. Tui về hưu, suốt ngày làm bạn với báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười. Các họa sĩ biếm tôi đều thuộc tên, thuộc nét vẽ.
Tranh toàn cảnh thầy vẽ coi sướng lắm, ý lạ mà công phu nhiều người. Thầy an tâm, sắp nhỏ để tui lo, thầy cố gắng vẽ biếm hay, đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội!". Công việc hanh thông, xét cho cùng đó là may mắn mình là "biếm sĩ" Tuổi Trẻ Cười!




Tranh của họa sĩ Lê Sa Long
Đến với yêu thương
Năm nào anh em họa sĩ chúng tôi cũng đồng hành cùng Ước mơ của Thúy - một chương trình do báo Tuổi Trẻ khởi xướng. Năm 2014, khi ký họa bệnh nhi ung thư, tôi xúc động trước mặt có bé mặt xinh như thiên thần nhưng da thâm vì vừa trải qua đợt vào thuốc, có bé thì rụng tóc vì hóa trị… Nhưng các bé vẫn vui khi ngồi làm mẫu.
Không ai bảo, anh em tự nhủ vẽ các cháu thật giống, thật đẹp như một món quà nhỏ động viên các em tiếp tục điều trị giành sự sống.
Nhận tranh vẽ mình, các bé rất thích. Có bé còn dặn mẹ treo gần chỗ nằm, vì "đây là món quà đặc biệt mà các chú họa sĩ báo Tuổi Trẻ tặng". Năm sau, nghe thông tin một vài bé không qua khỏi, tôi thấy tim mình nhói đau!
Tôi luôn nhớ những hoạt động của báo mà tôi có may mắn tham gia. Trong chương trình trao giải Lan tỏa năng lượng tích cực lần 3 năm 2022, tôi góp vui bằng vẽ xong tranh trong thời gian ca sĩ hát xong bản nhạc!
Hay trong Hội Báo toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại TP.HCM, tôi cùng anh Nop vẽ chân dung tặng độc giả. Anh Nop vẽ hý họa, hài hước, tôi chuyên về hiện thực, ký họa. Anh em vẽ đến tận một giờ trưa!
Có tiếp xúc như vậy mới thấy tình cảm bà con dành cho báo sâu đậm. Bác Thành (Bình Chánh) nói: "Là độc giả lâu năm, tôi thấy ngoài nội dung phản ánh vấn đề xã hội đang quan tâm, thời gian này Tuổi Trẻ có sự chuyển mình, đổi mới rõ nét!".

Lê Sa Long cùng các anh, chị, em Tuổi Trẻ Cười
Thực hiện lời hứa với người cha đã khuất
Năm 1958, ba tôi cùng gia đình nhỏ từ Quy Nhơn vào miền Nam, ông dạy mỹ thuật Trường Bồ đề Sa Đéc và cộng tác viết cho báo Phật giáo. Tên Sa Long của tôi có ý nghĩa "Một hạt phù sa bên dòng Cửu Long" nhằm kỷ niệm vùng đất phương Nam nghĩa tình đùm bọc gia đình tôi.
Lúc sinh thời ông dặn: "Như phù sa, con hãy dùng cây viết hay cọ vẽ để bồi đắp, lan tỏa chân thiện mỹ, cùng năng lượng tích cực vào tâm hồn người xem.
Đó cũng là cách tri ân cuộc đời!". Nhớ lời người cha vắn số tôi đã theo nghiệp vẽ và may mắn tranh được độc giả đón nhận!
Đó là bộ tranh Sài Gòn những ngày giãn cách như một nhật ký bằng tranh trong thời gian cùng đồng bào vượt qua đại dịch COVID-19 năm 2021. Năm 2022, tôi gửi tình yêu với dòng sông Sài Gòn vào cây cọ và những sắc màu để hình thành bộ tranh Sài Gòn sông nước.
Năm ngoái bộ tranh Thương lắm đồng bào tôi vẽ về cơn bão Yagi. Trong đó tranh vẽ giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Thạch, người qua báo Tuổi Trẻ, ủng hộ 1 tỉ đồng cho đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão lũ gây xúc động cho người xem và là nguồn cảm hứng cho việc thiện nguyện. Năm nay, nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi thực hiện bộ tranh Nghề báo nhằm tri ân những người làm báo và cả những người bán báo, với sự trân quý và biết ơn!

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận