01/11/2006 04:59 GMT+7

Gia tăng tình trạng nhiễm trùng bệnh viện

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Mới đây, giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ Văn Công Phước đã ra lệnh tạm ngưng hoạt động tại phòng mổ trung tâm của khoa hồi sức cấp cứu.

fz9gJ9J8.jpgPhóng to

Cảnh dơ bẩn tại khu vực gần nhà vệ sinh của khoa sản BV Đa khoa trung ương Cần Thơ sau một cơn mưa - Ảnh: Q.Vinh

Khó tiên liệu bội nhiễm

Các bác sĩ (BS) đã phải di dời 10 bệnh nhân đi nơi khác và hẹn dời ngày mổ sang tuần sau để tiếp tục làm vệ sinh khử khuẩn. BS Trần Hồng Đào, trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, vừa nói vừa đưa chúng tôi đi xem cơ sở phòng mổ, hậu phẫu đã bị ẩm dột từ nhiều năm qua. Trong khoa mùi thuốc khử khuẩn vẫn còn nồng nặc. Nhiều bệnh nhân nằm cấp cứu bị tổn thương thủng ruột, thủng dạ dày, suy gan, thận, hô hấp đang nằm mê man yếu sức rất dễ bị nhiễm trùng bệnh viện. BS Đào nói: “Hằng tháng, số bệnh nhân từ các tỉnh dồn về đã tăng gấp đôi, trên 1.200 ca so với mùa khô, trong đó có trên 100 ca bệnh nặng. Chúng tôi rất khó tiên liệu bội nhiễm đến mức độ nào trong điều kịên ngập lụt như hiện nay”.

BS Phạm Thị Kim Hoa, trưởng khoa tim mạch, lắc đầu: “Vất vả triền miên với mưa lũ! Ẩm thấp không chỉ gây bội nhiễm mà còn dễ bị tai nạn chập điện, trơn trượt. Trong mưa, chúng tôi không dám cấp cứu bệnh nhân tại giường mà phải di dời đến nơi khô ráo có ổ ghim điện an toàn hơn!”. BS Hoa vừa bị ngã do trơn trượt trong lúc đi cấp cứu bệnh nhân, đến nay vết thương bong gân chân vẫn chưa hết đau.

BS Tạ Kim Dân, trưởng khoa sản, khẳng định: “Dù cố gắng đảm bảo cho “mẹ tròn con vuông” nhưng đối với các bà mẹ có sức đề kháng yếu nằm 3-4 ngày trong môi trường ẩm thấp rất dễ bị bội nhiễm, trẻ sơ sinh cũng vậy. Đã đến lúc không còn sửa chữa nâng cấp được nữa, khoa đã rệu rã lắm rồi. Phải di dời khẩn thôi!”.

Tại phòng sinh, phòng sơ sinh, nước vẫn rơi lộp độp, BS đỡ đẻ không còn chỗ để tránh mưa. Trong khi số bà mẹ đến khoa đã tăng trên 140 sản phụ, gấp đôi số giường bệnh hiện có. Trong giờ thăm nuôi, thân nhân vào khoa mỗi lúc một đông, không khí ngột ngạt. “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác chống nhiễm khuẩn, lây chéo từ người này sang người khác. Có không ít bà mẹ đang khỏe mạnh nhưng khi tiếp xúc người nhà hoặc chưa kịp ra viện đã bị nhiễm khuẩn gây ho sốt, viêm phổi buộc BS phải “đánh” kháng sinh phổ rộng làm ảnh hưởng đến bầu sữa, sức khỏe em bé” - BS Dân cho biết.

O8cazOl1.jpgPhóng to
Cát đá ngổn ngang trước khoa sơ sinh BV Nhi Đồng Cần Thơ - Ảnh: Q.Vinh
“Đánh” kháng sinh nhiều hơn

BS Đặng Quang Tâm, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ cho hay, mặc dù bệnh viện đã hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng bệnh viện, nhưng với một bệnh viện đã xuống cấp trầm trọng, với hệ thống thoát nước cũ kỹ và thấp hơn các con đường bên ngoài bệnh viện, do đó rất khó tránh khỏi cảnh ngập lụt mỗi khi triều dâng.

“Chúng tôi rất ái ngại trước nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện đã có dấu hiệu gia tăng. Đây cũng là nguyên nhân khiến các BS phải sử dụng thuốc kháng sinh nhiều hơn. Đó là các loại kháng sinh phòng ngừa hoặc sử dụng kháng sinh kéo dài, dạng cao cấp. Khi yếu tố môi trường không tốt, mầm bệnh nhiều hơn thì nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ gia tăng, thời gian điều trị cũng dài hơn”.

BS Tâm còn cho biết mới đây tại khoa phổi thận có một bệnh nhân bị bội nhiễm, buộc BS phải sử dụng kháng sinh cao cấp loại mới, sau một đợt điều trị tiền thuốc tốn trên 20 triệu đồng. Một bệnh nhân khác sau khi phẫu thuật được thở máy đã bị nhiễm trùng hô hấp. Khi đi cấy vi khuẩn thì phát hiện bệnh nhân có vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh thông thường. BS Tâm khẳng định đã là bệnh nhân thì sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm trùng bệnh viện và khi bị nhiễm trùng bệnh viện thì vi trùng trong người bệnh nhân sẽ kháng hầu hết các loại thuốc kháng sinh thông thường! “Chúng tôi rất lo cho sức khỏe bệnh nhân, đã cố gắng hết sức để làm việc vẫn chờ đợi đến ngày được khám điều trị cho bệnh nhân ở cơ sở mới an toàn và hiệu quả hơn!”.

BS TRẦN HỒNG ĐÀO cho biết khoảng hai tháng nay khoa phẫu thuật gây mê hồi sức đã có 10 ca nhiễm khuẩn bệnh viện khá nặng! Đa số trường hợp bị bội nhiễm từ vi khuẩn gây viêm phổi, tụ khuẩn vàng, trực khuẩn đường ruột, nhiễm khuẩn đường ruột Enterococcus, Klebsiella, E.coli... Cách nay một tuần bà N.T.M., 75 tuổi, bị thủng đại tràng vào viện, sau khi phẫu thuật, trong thời gian nằm hậu phẫu bà đã bị viêm phổi do nhiễm khuẩn. Ông Lê Văn Điệp, 88 tuổi, bị viêm phúc mạc ruột thừa nằm hậu phẫu cũng bị nhiễm khuẩn bệnh viện phải nằm điều trị 12 ngày. “Các bệnh nhân lớn tuổi bị tai nạn giao thông, không khả năng khạc nhổ, sức đề kháng suy giảm nên dễ bị vi khuẩn phổi tấn công, dẫn đến bội nhiễm, chi phí điều trị sẽ gia tăng”- BS Đào nói.

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp