29/04/2025 09:57 GMT+7

Giao thông, hạ tầng trở mình mạnh mẽ

Trước thềm đại lễ 30-4, TP.HCM đang đón nhận một loạt dự án và chính sách hạ tầng quan trọng đã được khánh thành hoặc thông qua, tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ cho giao thông TP.

giao thông - Ảnh 1.

Cầu Nhơn Trạch thông xe kỹ thuật nối liền từ TP.HCM sang Đồng Nai - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Những công trình này không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, tiếp cận các dịch vụ hiện đại, mà còn mở ra cơ hội kết nối liên vùng, nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Rộn ràng về đích

Cùng với loạt dự án lớn đã hoàn thành trước ngày 19-4 như nhà ga T3 (sân bay Tân Sơn Nhất), đường nối Trần Quốc Hoàn..., những ngày qua nhiều công trình giao thông, đô thị từ lớn đến nhỏ cũng đang lần lượt báo tin vui.

Ở phía đông TP, cầu Nhơn Trạch - một trong những công trình thuộc top thi công nhanh nhất tại khu vực phía Nam - đã được thông xe kỹ thuật vào ngày 27-4.

Đây là cơ sở rất quan trọng để đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án, đưa vào khai thác ngày 30-6, rút ngắn tiến độ khoảng ba tháng.

Dù vậy, ông Trần Văn Thi, giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng), cho biết các nhà thầu vẫn không chủ quan, tranh thủ tối đa thời gian còn lại, tập trung mọi nguồn lực tổ chức thi công nhằm đảm bảo chất lượng và phấn đấu rút ngắn hơn nữa thời gian hoàn thành công trình.

Trong khi đó, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết kể từ 18h ngày 28-4, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đưa vào khai thác tạm đoạn từ nút giao quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo qua TP.HCM và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 qua tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trong dịp lễ.

Tại quận 12, nhiều tuyến rạch đã được cải tạo, khánh thành sau thời gian thi công gồm: bê tông hóa bờ bao rạch Cầu số 3; nạo vét, kiên cố hóa rạch Cầu số 4 (phường Thạnh Xuân); nạo vét, kiên cố hóa rạch Sơ Củ; bê tông hóa bờ bao rạch Trùm Bích (phường Thạnh Lộc).

Ngoài việc cải thiện môi trường, các tuyến đường dân sinh hai bên kênh rạch cũng được xây dựng mới, góp phần thuận lợi hơn cho giao thông của người dân.

Trong khi đó, dự án cải tạo môi trường và xây dựng hạ tầng dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tuyến kênh dài nhất của TP, cũng sẽ chính thức thông xe hơn 4km vào hôm nay 29-4.

Dù các đoạn đường hoàn thiện chưa dài, nhưng sự thay đổi này đã mang lại tiện ích thiết thực cho người dân, giúp giải quyết nhu cầu di chuyển cấp bách trong lúc chờ đợi dự án hoàn thiện đồng bộ.

Nhiều dự án mới sẽ nối tiếp niềm vui

Không khí phát triển hạ tầng sôi động tiếp tục được nối dài tin vui: Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng vừa hoàn tất thẩm định dự án đường vành đai 4 TP.HCM, trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.

Dài hơn 159km, đây là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Long An. Ở giai đoạn 1, các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn xe.

Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, làm đường gom và đường song hành hai bên.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 hơn 120.412 tỉ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) có sự tham gia của nguồn vốn nhà nước.

Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 47,95km sẽ triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.

Hiện TP.HCM cũng đã và đang triển khai đầu tư cải tạo hàng loạt tuyến kênh rạch lớn. Trong đó, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và cải tạo bờ bắc kênh Đôi có tổng số vốn 24.644 tỉ đồng, dự kiến khởi công ngày 10-5.

Ông Nguyễn Minh Tâm (52 tuổi, một người dân ở ven rạch) cho biết tuyến rạch ô nhiễm nặng suốt mấy chục năm, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nay dự án sắp triển khai, ai cũng mừng.

Sở Giao thông công chánh TP.HCM cũng cho biết vừa trình Hội đồng thẩm định TP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) bằng vốn ngân sách TP với hơn 8.613 tỉ đồng.

Tổng diện tích giải tỏa để phục vụ dự án là 74.713m2, 772 hộ dân sống ven rạch sẽ được di dời về nơi ở mới và 293 hộ giải tỏa một phần. Công trình có kế hoạch khởi công từ tháng 1-2027 và hoàn thành vào cuối năm 2029.

giao thông - Ảnh 2.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên nhiều đoạn thông xe kỹ thuật mang dấu ấn 30-4, ảnh chụp chiều 28-4 - Ảnh: VĂN TRUNG

Hiện đại từ cách làm, chính sách đột phá

Nhìn tổng thể, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã ghi dấu sự bứt phá mạnh mẽ của hạ tầng giao thông TP.HCM với hàng loạt công trình lớn đã được khánh thành, khởi công và tiếp tục triển khai, tạo ra dấu ấn tổng thể là tạo ra nền tảng và cơ chế đặc biệt để hiện thực hóa những dự án quy mô trong tương lai.

Ông Vương Quang Hưng, trưởng Phòng quản lý xây dựng công trình (Sở Giao thông công chánh), cho biết với nhóm đường sắt đô thị, nhờ áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt của nghị quyết 188 của Quốc hội, TP đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành 355km metro trong 10 năm, trong đó metro số 2 sẽ khởi công ngay trong năm 2025.

Song song đó, hai tuyến đường sắt kết nối trung tâm với Cần Giờ và đường sắt kết nối TP.HCM với sân bay quốc tế Long Thành cũng đang được tích cực nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.

Về nhóm giao thông đường bộ, ngoài bốn dự án BOT cửa ngõ (quốc lộ 1, 13, 22, trục Bắc - Nam) thực hiện theo nghị quyết 98 đang giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư, tất cả các dự án đều hướng tới một mục tiêu chung là hoàn thiện bộ khung hạ tầng giao thông đường bộ chiến lược vào năm 2028, tạo tiền đề cho một hệ thống kết nối liên vùng thông suốt, hiện đại.

Trong đó, mạng lưới đường vành đai với tổng chiều dài hơn 300km cũng đang triển khai khẩn trương để hoàn thành.

Ngoài đường vành đai 4, đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km sẽ hoàn thành trước một số đoạn trong năm nay và đưa vào khai thác toàn tuyến vào giữa năm 2026.

Còn đường vành đai 2 TP.HCM có hai đoạn dài 6km cũng vừa được khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn.

Đoạn cuối cùng của đường vành đai này - từ đường Nguyễn Văn Linh đến quốc lộ 1 - dự kiến TP sẽ trình chủ trương đầu tư cuối năm nay để khép kín toàn bộ hơn 64km.

"Thuận lợi rất lớn là quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, cùng với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đều có hướng mở. Quy hoạch chỉ là định hướng, cách làm cụ thể sẽ được xác định ở bước duyệt dự án, tùy theo điều kiện thực tế. Điều này tạo điều kiện để TP phát huy sáng tạo và chủ động triển khai", ông Hưng nói.

Ứng dụng công nghệ, "hút" người dân đi xe buýt, metro...

Mới đây, Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết vừa ra mắt ứng dụng MultiGo với loạt tính năng giúp người dân sử dụng giao thông công cộng ở TP.HCM đi lại thuận tiện, tiết kiệm thời gian, trên cơ sở nâng cấp ứng dụng GoBus trước đây.

Ứng dụng cũng tra cứu được lịch metro số 1, buýt đường sông, xe công nghệ, xe đạp công cộng.

Đồng thời, MultiGo còn hỗ trợ tìm đường kết hợp giữa metro, xe công nghệ và xe buýt, phù hợp với nhu cầu di chuyển linh hoạt trong đô thị.

Khi sử dụng MultiGo, người dùng thanh toán không tiền mặt với thẻ Multipass. Sở Giao thông công chánh TP.HCM nhận định đây là bước tiến đột phá trong giao thông công cộng.

Trước đó, sở cũng phối hợp các đơn vị công bố hệ thống vé điện tử và thẻ Multipass. Lần đầu tiên người dân có thể sử dụng một loại thẻ thanh toán cho tất cả các loại hình giao thông công cộng như xe buýt, metro, buýt sông...

Dự kiến trong tháng 5-2025, TP.HCM hoàn thành thanh toán không tiền mặt cho hơn 2.000 xe buýt (sớm hơn sáu tháng trong việc phát triển hệ thống thanh toán thẻ vé liên thông).

Trong năm 2025, các đơn vị hoàn thành triển khai đồng bộ thanh toán điện tử trong giao thông công cộng trên địa bàn.

Ý tưởng táo bạo về đường đi nhanh trong đô thị

Ngành giao thông TP.HCM cũng cho thấy sự táo bạo khi nghiên cứu, triển khai xây dựng mạng lưới khoảng 10 tuyến đường trục chính tốc độ nhanh, khác mức với hệ thống đường đô thị (ít gián đoạn, ít giao cắt) đi xuyên TP, kết nối với đường liên vùng.

Đây là ý tưởng rất mới được TP.HCM nghiên cứu, đề xuất và đã được Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch là quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuyến trục chính tốc độ nhanh có thể làm trên cao, dưới thấp, đi ngầm hoặc kết hợp tùy tình hình thực tế.

Mạng lưới đường trục chính đô thị tốc độ nhanh đang và sẽ đầu tư sẽ được thực hiện trên cơ sở nâng cấp, bổ sung, nối dài thêm các trục đường huyết mạch.

Khởi đầu cho việc đầu tư đường trục chính đô thị tốc độ nhanh chính là dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,66km vừa được HĐND TP.HCM khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 22.

Giao thông, hạ tầng trở mình mạnh mẽ - Ảnh 3.Một ngày khởi công, khánh thành 80 dự án

Theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công hoặc khánh thành trong ngày 19-4 với tổng vốn đầu tư hơn 445.000 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp