
Trẻ em tham gia lớp học bóng rổ tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM dịp hè - Ảnh: THANH HIỆP
Điều này khiến trẻ dễ sa vào nghiện mạng xã hội, nơi tiềm ẩn vô số nội dung độc hại do thiếu sự kiểm duyệt thông tin, gây ra những hệ lụy cả về sức khỏe lẫn tâm lý.
Nguy cơ sức khỏe và tâm lý
Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Anh Thư - giảng viên khoa giáo dục Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, một trong những nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng dùng điện thoại với tần suất cao trong kỳ nghỉ hè là do tâm lý muốn nghỉ xả hơi, tự thưởng sau một năm học vất vả.
Đặc biệt các nội dung trên mạng xã hội hiện nay được thiết kế hấp dẫn, nhất là những video ngắn dễ khiến trẻ sa đà. Bên cạnh đó, nhu cầu kết nối với bạn bè và tâm lý sợ bị bỏ lỡ thông tin (FOMO) cũng góp phần khiến trẻ sử dụng điện thoại nhiều hơn.
Tương tự, ThS tâm lý Nguyễn Ngọc Vui - giảng viên khoa giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - nhận định mạng xã hội là một thế giới ảo nơi mọi người chia sẻ và tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên những thông tin này thường đã được "trang điểm" khiến trẻ dễ hiểu lầm rằng đó là hiện thực.
Việc dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo khiến trẻ giảm khả năng tương tác trong đời sống thực. Không hiếm trường hợp trẻ vừa ăn vừa nhắn tin, hoặc ăn thật nhanh để quay lại với điện thoại.
Đặc biệt việc tiêu thụ quá nhiều video thông tin nhanh làm trẻ giảm khả năng tư duy sâu, mất dần năng lực phản biện và thụ động trước thông tin. Trong khi trẻ lại chưa đủ khả năng chọn lọc, phản biện và bảo vệ mình trước nội dung độc hại.
Học cách dùng mạng xã hội an toàn
Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Anh Thư, để hạn chế tình trạng này trước hết phụ huynh nên thảo luận cùng con để cùng đưa ra các thỏa thuận cụ thể. Khi được quyền đóng góp ý kiến vào những vấn đề liên quan đến bản thân, trẻ sẽ có trách nhiệm và cam kết cao hơn trong việc thực hiện. Bên cạnh đó cha mẹ có thể tham khảo các ứng dụng học tập kết hợp giải trí, vừa giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng vừa khiến việc sử dụng điện thoại trở nên hữu ích và có định hướng hơn.
Ngoài ra, để giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi sử dụng mạng xã hội, phụ huynh cần tác động đồng thời đến nhận thức, thái độ và hành vi. Trước hết trẻ cần được cung cấp thông tin rõ ràng về những tác hại của việc lạm dụng điện thoại, bao gồm ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ nghiện game, mất an toàn trên mạng...
Phụ huynh nên trò chuyện chân thành, làm rõ rằng việc giới hạn sử dụng điện thoại là vì lợi ích của trẻ, không phải sự áp đặt. Cuối cùng về hành vi, cần hướng dẫn trẻ cách dùng mạng xã hội an toàn, đồng thời khuyến khích trẻ tự đặt ra cam kết sử dụng hợp lý và tự giám sát chính mình.
ThS tâm lý Nguyễn Ngọc Vui cho rằng để giúp trẻ có một mùa hè lành mạnh và ý nghĩa, phụ huynh nên cho con tham gia các khóa học hè về kỹ năng sống, thể thao hoặc những hoạt động trải nghiệm hè có uy tín.
Do đó, nếu có thể, cả gia đình nên cùng nhau tham gia một hoạt động chung như chạy bộ, bơi lội, học một bộ môn thể thao. Điều này không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn giúp tăng cường sự kết nối và giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.
Trước khoảng cách thế hệ, điều quan trọng là tìm được những hoạt động phù hợp với cả nhà. Những khoảnh khắc chất lượng bên nhau sẽ giúp trẻ nhận ra rằng thế giới thật cũng mang lại niềm vui và hạnh phúc không kém gì không gian mạng.
Cho con mùa hè để lớn lên
Bà Nguyễn Ngọc Bảo Dung - người sáng lập Sân khấu nhỏ Ibsen - cho rằng mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng để trẻ phát triển các kỹ năng sống. Thay vì để con chìm đắm trong thiết bị điện tử, bố mẹ có thể khuyến khích con tham gia các trò chơi dân gian tại nhà như ô ăn quan, cờ vua, cờ cá ngựa... việc này giúp trẻ rèn luyện tư duy logic, chiến lược và phát triển trí tuệ một cách tự nhiên.
Một hoạt động khác cũng rất đáng thử là cùng con xem các bộ phim dài từ một đến hai tiếng. Sau mỗi bộ phim, bố mẹ và con có thể cùng trao đổi, phân tích nội dung, nhân vật, tình huống... giúp trẻ hình thành thói quen suy nghĩ phản biện, dám bày tỏ quan điểm cá nhân. Việc theo dõi những nội dung có chiều sâu và cần sự kiên nhẫn như các bộ phim dài cũng là cách để trẻ thoát khỏi xu hướng tiêu thụ thông tin ăn liền thường thấy trên TikTok hay Facebook.
Đặc biệt nếu có điều kiện, bố mẹ cũng nên dành thời gian đưa con ra ngoài khám phá thế giới xung quanh. Những trải nghiệm như để con tự mua vé xe buýt, tìm đường bằng Google Maps, sử dụng phương tiện công cộng như metro hay waterbus dưới sự giám sát nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ rèn luyện tính tự lập, bình tĩnh xử lý tình huống khi đi ra ngoài mà không quá lo lắng hay hoảng sợ nếu gặp sự cố.
Khoảng thời gian chất lượng bên con
Một cách khác để dạy con trưởng thành là cho con học cách quản lý chi tiêu. Bố mẹ có thể đưa cho con một khoản tiền nhỏ và để con tự quyết định việc tham gia hoạt động mình yêu thích. Ví dụ: giữa đi xem phim hay ăn kem, con sẽ lựa chọn như thế nào? Những tình huống như vậy sẽ giúp trẻ học được cách cân đối nhu cầu và ngân sách, một kỹ năng quan trọng cho tương lai.
"Trẻ em nên được nuôi dạy phù hợp với từng giai đoạn phát triển của mình. Điều quan trọng không phải là cấm đoán hoàn toàn, mà là bố mẹ cần chủ động tạo ra những khoảng thời gian chất lượng bên con", bà Nguyễn Ngọc Bảo Dung nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận