
Những người Afghanistan bị trục xuất khỏi Iran - Ảnh: IOM
Hồi cuối tháng trước, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cho biết hơn 700.000 người di cư Afghanistan đã bị trục xuất khỏi Iran trong năm nay, bao gồm 256.000 người, trong đó có nhiều trẻ em, chỉ tính riêng trong tháng 6.
Đến ngày 6-7, IOM cho biết chỉ trong 5 ngày đầu tháng này, gần 250.000 người khác đã bị trục xuất, nâng tổng số người Afghanistan bị buộc rời khỏi Iran lên hơn 1 triệu tính từ đầu năm.
Tổ chức này cũng thống kê khoảng 90% người hồi hương là không có giấy tờ, 70% trong số đó bị cưỡng bức rời đi bao gồm cả các gia đình có đông người. Họ là những người đã rời bỏ quê hương vì quá khó khăn và tìm đường sang Iran để làm việc kiếm tiền gửi về quê nhà.
Việc trục xuất gia tăng sau quyết định vào tháng 3 vừa qua của Chính phủ Iran, khi yêu cầu tất cả những người Afghanistan không có giấy tờ phải rời khỏi nước này.
Theo Hãng tin AFP, Thứ trưởng Nội vụ Iran, ông Ali Akbar Pourjamshidian, tuyên bố mới đây trên đài truyền hình quốc gia rằng những người Afghanistan đang lưu trú bất hợp pháp ở Iran là "những người láng giềng đáng tôn trọng và là anh em cùng tín ngưỡng" nhưng ông cũng thừa nhận "khả năng của Iran cũng có giới hạn".
Trong thời gian gần đây, truyền thông Iran không ít lần tường thuật về những cuộc truy bắt người Afghanistan không có giấy tờ và cưỡng bức trục xuất về phía biên giới.

Những gia đình Afghanistan tay xách nách mang trở về cố hương - Ảnh: AFP
Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày gần đây giữa Iran và Israel, khiến số lượng người tị nạn Afghanistan vượt biên hằng ngày tăng vọt từ khoảng 5.000 lên gần 30.000, theo ông Arafat Jamal, đại diện của Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) tại Afghanistan.
Afghanistan, vốn đang phải vật lộn với sự sụp đổ kinh tế và cuộc khủng hoảng nhân đạo dai dẳng, đã không chuẩn bị để tiếp nhận những đợt hồi hương quy mô lớn như vậy.
Kế hoạch ứng phó và nhu cầu nhân đạo năm 2025 kêu gọi tài trợ 2,42 tỉ USD cho Kabul nhưng cho đến nay chỉ có 22,2% trong số này là được đảm bảo.
"Quy mô hồi hương thực sự đáng báo động, đòi hỏi một phản ứng quốc tế mạnh mẽ hơn và ngay lập tức hơn. Afghanistan không thể tự mình giải quyết vấn đề này", Tổng giám đốc IOM Amy Pope cho biết.
Trong khi đó, UNHCR cùng với các đối tác đang nỗ lực giải quyết các nhu cầu cấp thiết của những người bị trục xuất như thực phẩm, nước, nơi trú ẩn, bảo vệ. Tuy nhiên, các chương trình của họ đang chịu áp lực nghiêm trọng do nguồn tài trợ hạn chế.
Cơ quan này đã phải cắt giảm mạnh viện trợ tiền mặt cho các gia đình hồi hương tại biên giới từ 2.000 USD cho mỗi gia đình xuống chỉ còn 156 USD.
Theo ước tính của Chính phủ Iran, còn khoảng 4-6 triệu người Afghanistan ở nước này trước hạn chót ngày 6-7. Trong đó ít nhất 2,5 triệu người được xác định cư trú bất hợp pháp, sinh sống qua ngày bằng những nghề nặng nhọc, thu nhập thấp như lao động chân tay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận