
Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng - Ảnh: NLĐ
Thông tin trên được ông Nguyễn Thành Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi tọa đàm "Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 2-7.
Quy định hiện hành vẫn còn nặng tính hình thức...
Theo ông Nam, qua thực tế kiểm tra trên thị trường, thời gian qua cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, nhất là trên môi trường trực tuyến.
"Các đối tượng không chỉ sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá, bán hàng giả mà còn thường xuyên thay đổi tên, địa chỉ, dùng công nghệ tạo bao bì, tem nhãn rất giống hàng thật, khiến người tiêu dùng khó phân biệt", ông Nam nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại suốt thời gian dài, trong đó nổi bật là thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.
"Trước đây hàng giả thường xuất hiện ở các cửa hàng nhỏ trong chợ, nay đã len lỏi lên các sàn thương mại điện tử, nơi giao dịch ẩn danh, khó truy dấu địa chỉ người bán cũng như kho hàng. Đối tượng làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn lợi dụng kẽ hở pháp luật, chia nhỏ lô hàng để né tránh trách nhiệm và che giấu danh tính".
Góc độ cơ quan chức năng, bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết thực tế các quy định hiện hành vẫn còn nặng tính hình thức, khiến công tác thanh tra, kiểm tra chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
"Hàng gian, hàng giả vốn không mới. Nhưng khi tích tụ đủ về lượng sẽ "bùng nổ" thành những vụ việc lớn, khiến dư luận giật mình. Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta cần tiếp tục thanh tra, xử lý đến nơi đến chốn".
Cần sớm siết lỗ hổng ở kênh thương mại điện tử
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tình trạng hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đang trở thành vấn đề nhức nhối, ngày càng diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân xuất phát từ chính đặc thù của môi trường số. Các nền tảng trực tuyến cho phép người bán dễ dàng tiếp cận số lượng lớn người mua mà không gặp nhiều rào cản vật lý hay thủ tục kiểm duyệt nghiêm ngặt.
"Họ tận dụng triệt để các công cụ quảng cáo, tiếp thị trên mạng xã hội, đánh vào tâm lý ham rẻ, thiếu thông tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, tính ẩn danh tương đối của không gian mạng khiến các đối tượng vi phạm dễ dàng thay đổi danh tính, địa chỉ hoạt động khi bị phát hiện", ông Phong nhận định.
Theo ông Phong, trước hết các đối tượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh hàng giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cả về hình sự lẫn dân sự. Tiếp đến các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội đóng vai trò then chốt, cần xây dựng cơ chế kiểm soát, rà soát, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, khóa tài khoản người bán gian lận, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Hồng, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, đề nghị cần có những khuyến nghị cụ thể, hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết và mua hàng chính hãng, nhất là trong bối cảnh mua sắm online ngày càng phổ biến.
"Tôi rất trăn trở khi phát hiện tình trạng hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi đã gửi rất nhiều công văn cho các sàn nhưng không nhận được phản hồi. Đây là vấn đề cần được chấn chỉnh nghiêm túc để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính lẫn người tiêu dùng".
Ông Nguyễn Thành Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, cho biết đã mời các sàn như Shopee, Lazada ký cam kết phối hợp kiểm soát. Phía Chính phủ hiện đã áp dụng AI để theo dõi các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử và phối hợp cơ quan thuế giám sát.
"Việc kiểm soát vận chuyển hiện nay cũng gặp nhiều thách thức, do thương mại điện tử trải rộng trên đường bộ, đường không, đường biển. Một đơn hàng từ Trung Quốc chỉ mất 24-48 giờ để giao tới tay người mua, trong khi quá trình kiểm tra đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt.
Để khắc phục, chúng tôi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu và phối hợp Bộ Công an giám sát các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, trong khuôn khổ Đề án 319", ông Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận