18/07/2025 10:06 GMT+7

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ cuối: Vì sao khó xin việc? Do mình hay ai?

AN VI
và 1 tác giả khác

Sinh viên khó xin việc một phần là do yếu tố khách quan từ thị trường lao động, song đa phần doanh nghiệp đều muốn và sẵn sàng tuyển người phù hợp với họ.

xin việc - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên được tuyển chọn nhưng nhiều bạn bị đánh giá chưa đạt vì thiếu kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế - Ảnh: AN VI

Xoay quanh vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm này, anh Nguyễn Phan Đình Long - đại diện Công ty cổ phần Box Việt Nam và anh Nguyễn Hoàng Hiệp - nguyên trưởng phòng nhân sự Lazada - đã trao đổi cụ thể với Tuổi Trẻ.

Cần hiểu rõ tiêu chí của doanh nghiệp

* Là một công ty truyền thông với nhiều nhân sự trẻ, Box Việt Nam thường nhận về rất nhiều hồ sơ xin việc của sinh viên mới ra trường, vậy tiêu chí gì là quan trọng nhất?

- Anh Nguyễn Phan Đình Long: Đối với lực lượng lao động là sinh viên, đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp, Công ty Box Việt Nam chúng tôi luôn muốn trở thành một nơi để các bạn được tiếp cận, áp dụng kiến thức đã được học tại đại học và trải nghiệm những điều mới. 

Chính vì vậy, những tiêu chí quan trọng nhất mà doanh nghiệp đặt ra khi tuyển các bạn sinh viên mới tốt nghiệp là: định hướng tương lai rõ ràng, nhất là đối với các bạn sinh viên đã xác định được mục tiêu ngành nghề, công việc. Ngoài ra các bạn cũng cần có những kỹ năng mềm như tin học văn phòng, ứng xử. 

Đối với các sinh viên mới ra trường khi nộp đơn ứng tuyển, chúng tôi chú trọng các tiêu chí về tên email, bố cục trình bày đơn xin việc. Cuối cùng là sự nghiêm túc với công việc, định hướng dài hạn của bản thân với công ty...

* Là người trực tiếp đảm nhận công tác tuyển dụng, với anh Hiệp đâu là điểm ưa thích cũng như những sự e ngại đối với các sinh viên vừa mới ra trường?

- Anh Nguyễn Hoàng Hiệp: Khi tuyển dụng, chúng tôi đều có mục đích cho quyết định được đưa ra. Với các sinh viên vừa ra trường, tôi thường muốn tận dụng nguồn năng lượng trẻ dồi dào, nó giúp các bạn học hỏi nhanh và dễ tiếp thu với những kiến thức mới.

Ngoài ra các bạn cử nhân mới ra trường thường không ngần ngại trước những thay đổi, đây là thế mạnh giúp các bạn trẻ có thể đi nhanh, đi xa.

Tuy nhiên thường một bạn trẻ mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thì mức lương cũng sẽ không cao bằng người đã có nhiều năm kinh nghiệm. Nên với một số những vị trí ít đòi hỏi kinh nghiệm, tính nghiệp vụ không cao thì chúng tôi luôn có thể ưu tiên để có thể cân đối ngân sách lương cho doanh nghiệp.

Ngoài những ưu điểm trên, các bạn cũng có những khuyết điểm nhất định, lớn nhất là thiếu kinh nghiệm thực tế. Kinh nghiệm ở đây không chỉ là kinh nghiệm chuyên môn mà thậm chí là những nghiệp vụ đơn giản.

* Trong quá trình phỏng vấn, tiếp nhận các sinh viên mới ra trường, phía Box Việt Nam nhận thấy thiếu sót của các bạn là gì?

- Anh Nguyễn Phan Đình Long: Đầu tiên phải nói đến kỹ năng mềm, nhiều bạn chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản. Ngoài ra việc giao tiếp, câu từ các bạn đôi lúc cộc lốc hoặc bị rập khuôn theo các mẫu trả lời có sẵn: "Tất cả thông tin về em đã có/đề cập trong CV...".

Kỳ vọng của nhiều sinh viên mới ra trường chưa thực tế, nhiều bạn tuy có nghiêm túc tìm hiểu và nghiên cứu thị trường về mức lương trung bình của vị trí các bạn đang ứng tuyển nhưng chưa đánh giá đúng năng lực bản thân hoặc áp mức lương đó vào mọi công ty mà không xét đến quy mô, lĩnh vực hoạt động hay mức độ phù hợp của bản thân.

Thiếu sót thường thấy nữa là việc các bạn chưa có sự chuẩn bị chỉn chu cho buổi phỏng vấn như trình bày CV chưa tốt, chưa tìm hiểu nhiều về doanh nghiệp đang ứng tuyển dẫn đến việc trả lời phỏng vấn hời hợt, thiếu tự tin...

Đặc biệt là với ngành truyền thông chúng tôi đang tuyển dụng, nhiều sinh viên thiếu kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ công việc như photoshop, Canva, Meta Business Suite...

* Vậy doanh nghiệp có thường phải đào tạo lại từ đầu cho các ứng viên thiếu kỹ năng đó không?

- Anh Nguyễn Phan Đình Long: Ngành truyền thông tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển với nhiều vị trí mới, vì vậy doanh nghiệp chúng tôi vẫn thường tổ chức các đợt tuyển dụng và đào tạo lại từ đầu cho một số ít ứng viên. Chúng tôi đánh giá tiềm năng của các ứng viên này dựa trên thái độ tích cực, kiến thức nền tảng, những trải nghiệm ban đầu trong ngành và khả năng học hỏi.

Việc đào tạo này giúp các bạn nhanh chóng thích nghi và mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các khâu sản xuất và vận hành. Thời gian đào tạo thường kéo dài từ một đến ba tuần, tập trung vào kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực chiến kết hợp với hình thức đào tạo tại chỗ để ứng viên làm quen với công việc thực tế.

Khi tham gia các dự án quy mô lớn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ trong đội nhóm, nhiều bạn vẫn giữ thói quen làm việc cá nhân, tự đưa ra quyết định mà thiếu sự nhìn nhận toàn diện.
Anh NGUYỄN HOÀNG HIỆP

Yếu tố để sinh viên thực tập được giữ lại

* Sau khi thực tập, yếu tố nào của sinh viên là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp giữ lại làm việc?

- Anh Nguyễn Phan Đình Long: Doanh nghiệp chúng tôi luôn có chính sách hỗ trợ sinh viên thực tập. Cụ thể, mỗi thực tập sinh đều có người hướng dẫn trực tiếp trong hai tháng đầu, kết hợp với hình thức đào tạo tại chỗ và cung cấp đầy đủ thiết bị làm việc cần thiết.

Ngoài ra các bạn còn được tham gia tổ chức các sự kiện nội bộ, tạo cơ hội trải nghiệm thực tế và làm quen với văn hóa doanh nghiệp. Box Việt Nam đặc biệt chú trọng đến quá trình đào tạo tại chỗ để thực tập sinh học hỏi, phát triển kỹ năng và chứng minh năng lực của mình.

Sau kỳ thực tập, chúng tôi sẽ xem xét giữ lại những ứng viên thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc, sở hữu kiến thức chuyên môn vững vàng trong ngành truyền thông. Quan trọng nhất là tinh thần cầu tiến, kỹ năng thành thạo. Chúng tôi luôn ưu tiên những thực tập sinh sẵn sàng học hỏi, có trách nhiệm và cam kết đồng hành lâu dài để ký hợp đồng chính thức.

* Còn tại Lazada, có trường hợp nào doanh nghiệp tuyển sinh viên mới nhưng họ rời đi sớm vì không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc không phù hợp với môi trường không?

- Anh Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tế từng ghi nhận một số trường hợp tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp nhưng kết quả lại không như kỳ vọng do các bạn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc (tuy không nhiều).

Phần lớn nguyên nhân đến từ sự chưa thích nghi giữa hai mô hình làm việc: freelancer và nhân viên chính thức. Những bạn từng làm dự án nhỏ lẻ theo kiểu tự do khi bước vào môi trường doanh nghiệp lại khó khăn trong việc thích ứng.

Chẳng hạn khi tham gia các dự án quy mô lớn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ trong đội nhóm, nhiều bạn vẫn giữ thói quen làm việc cá nhân, tự đưa ra quyết định mà thiếu sự nhìn nhận toàn diện. Điều này có thể khiến tiến độ chung bị ảnh hưởng vì phải điều chỉnh lại cách làm việc nhóm.

Ngoài ra không ít sinh viên chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về tâm thế lẫn kỹ năng cần thiết để bước vào môi trường chuyên nghiệp, dẫn đến việc khó bắt nhịp với yêu cầu thực tế của công việc và môi trường làm việc hoàn toàn mới.

xin việc - Ảnh 2.

Sinh viên cần phải hiểu rõ tiêu chí của doanh nghiệp khi phỏng vấn xin việc - Ảnh: AN VI

Chúng tôi không cần số lượng mà chỉ quan tâm chất lượng

Chị Trần Thị Phương Thảo, founder Bestyle Beyou, khẳng định thế hệ trẻ ngày nay khá giỏi. Tuy nhiên các bạn cần hiểu bản thân mình có gì, làm được gì và nhận lại những gì mới xứng đáng.

Ngoài ra cũng cần phải đề cập yếu tố khách quan là hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng như chúng tôi thật sự không cần số lượng mà chỉ quan tâm nhiều đến chất lượng mang lại. Chúng tôi sẵn sàng trả lương gấp 3 nếu người đó làm hiệu quả thay vì dùng số tiền đó để tuyển cùng lúc 2-3 người.

Thị trường lao động ngày nay cũng đặt ra thách thức cho các bạn trẻ khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tân tiến. Doanh nghiệp của chúng tôi cũng đã giảm tối đa nhân sự ở khâu làm kịch bản marketing, nhiều nền tảng AI có thể đảm nhận được việc này với chi phí phải trả rẻ hơn.

Với cá nhân tôi, các bạn trẻ ngày nay chính là một giá trị riêng, các bạn được học các chương trình mới, được tiếp cận với nhiều công nghệ mới hơn thế hệ trước. Đặc biệt tư duy của các bạn ngày nay rất mới, các bạn có cá tính riêng, có nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo.

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ cuối: Vì sao khó xin việc? Do mình hay ai? - Ảnh 3.Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 5: Học cao hơn, nhiều hơn vì... chưa biết làm gì?

Nhiều sinh viên sau vài tháng nhận bằng tốt nghiệp quyết định quay lại giảng đường để học cao học, văn bằng 2. Ngoài những người đã ấp ủ kế hoạch học tiếp, không ít bạn trở lại trường vì… chưa xin được việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp