
Nội soi trực tràng phát hiện ngay sát ống hậu môn có khối sùi loét chiếm gần hết chu vi lòng trực tràng - Ảnh: BVCC
Ông T.V.S. (54 tuổi) đến một phòng khám ở Hà Nội với triệu chứng đi ngoài ra máu. Khai thác tiền sử được biết ông S. thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá. Thời gian gần đây ông xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, tiêu chảy 3 lần/ngày, đôi lúc có máu, gầy 3kg/3 tháng.
Tại cơ sở y tế ông S. được chỉ định thực hiện các xét nghiệm và cận sàng cần thiết để đánh giá tình trạng sức khỏe. Nội soi thực quản cho thấy có khối sùi loét, kéo dài khoảng 4cm bề mặt nham nhở, chạm đèn dễ chảy máu.
Các bác sĩ sinh thiết 3 mảnh làm xét nghiệm mô bệnh học, kết quả giải phẫu bệnh là Carcinoma biểu mô vảy xâm nhập độ 2.
Dựa vào kết quả lâm sàng và cận lâm sàng đã thực hiện, ông S. được chẩn đoán xác định mắc đồng thời 2 loại ung thư là ung thư biểu mô tuyến trực tràng kém biệt hóa, có thành phần tế bào nhẫn và ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản (ung thư trực tràng và ung thư thực quản).
Theo các bác sĩ, ung thư đường tiêu hóa là 1 trong 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam và đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi. Bệnh khởi phát từ nhiều nguyên nhân như: yếu tố di truyền, tuổi tác, môi trường sống, thói quen ăn uống không lành mạnh.
Theo báo cáo GLOBOCAN năm 2022, tại Việt Nam ghi nhận hơn 36.000 ca mắc ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, đại trực tràng, thực quản, trong đó có tới hơn 25.000 ca tử vong.
Theo bác sĩ Lưu Tuấn Thành - chuyên ngành tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
Trong đó nội soi tiêu hóa hiện là phương pháp tiên tiến, cho phép phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư và ung thư, từ đó can thiệp hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng nề và nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Thành khuyến cáo những người thuộc nhóm sau đây nên thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa định kỳ 1 năm/lần:
• Trên 50 tuổi: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ xuất hiện tổn thương ở ống tiêu hóa;
• Người hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều;
• Có tiền sử gia đình, bố mẹ mắc ung thư dạ dày, ung thư đại tràng;
• Trường hợp phát hiện viêm dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày nặng cũng cần phân loại tầm soát hằng năm để có dữ liệu xem bao lâu thì nên tầm soát lại bằng soi thực quản, dạ dày hay soi đại tràng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận