Ung thư đại trực tràng đang trẻ hóa, làm sao để phát hiện sớm?

Ung thư đại trực tràng đang trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng với sức khỏe. Đáng lo ngại hơn, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa khi không ít người ở độ tuổi 30-40, thậm chí 20, đã trở thành bệnh nhân ung thư.

ung thư - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm tầm soát ung thư đại trực tràng sáng 11-5 - Ảnh: THÀNH ĐẠT

Đây là chia sẻ của PGS.TS Vũ Văn Khiên, tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, tại tọa đàm "Gánh nặng ung thư đại trực tràng và chiến lược sàng lọc phát hiện sớm - góc nhìn từ chuyên gia" do báo Nhân Dân tổ chức ngày 11-5.

Ung thư đại trực tràng đang trẻ hóa

Theo bác sĩ Khiên, theo thống kê GLOBOCAN năm 2022, mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới và hơn 8.400 trường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư đại trực tràng, xếp thứ tư về tỉ lệ mắc và thứ năm về tỉ lệ tử vong trong các loại ung thư.

Nguyên nhân chính đến từ lối sống hiện đại: ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, stress kéo dài… khiến căn bệnh này "bùng nổ" nhanh chóng. "Nếu không hành động sớm, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai gần", ông cảnh báo.

Cũng theo chuyên gia này, ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên một số dấu hiệu như thay đổi thói quen đại tiện kéo dài, phân có máu, đau bụng âm ỉ, sụt cân không rõ nguyên nhân hay mệt mỏi kéo dài… có thể là những "tín hiệu đỏ" cảnh báo bệnh.

Bác sĩ Khiên nhấn mạnh: "Nếu những biểu hiện trên kéo dài quá 2-3 tuần, người dân cần đi khám ngay, thay vì chờ đợi".

Theo bác sĩ Khiên, trên thế giới hiện nay có nhiều phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng, trong đó phổ biến nhất là nội soi đại tràng - phương pháp tiêu chuẩn giúp phát hiện tổn thương và polyp sớm. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật xâm lấn nên vẫn gây e ngại cho nhiều người dân.

Ung thư đại trực tràng đang trẻ hóa, làm sao để phát hiện sớm? - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Văn Khiên, tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ngoài ra, các phương pháp không xâm lấn như xét nghiệm máu ẩn trong phân (FIT/FOBT) hay xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân đang ngày càng được quan tâm, nhờ độ chính xác cao và khả năng phát hiện từ giai đoạn tiền ung thư.

Tại Mỹ, phương pháp xét nghiệm DNA phân đã được khuyến cáo thực hiện định kỳ 1-3 năm/lần cho người dân trên 45 tuổi. Trung Quốc đang mở rộng áp dụng phương pháp này với độ nhạy và độ đặc hiệu lên tới trên 90%.

"Đây là lựa chọn tiềm năng cho Việt Nam trong bối cảnh người dân còn e dè nội soi. Khi phát hiện dương tính qua xét nghiệm phân, người bệnh sẽ được chỉ định nội soi để xác định tổn thương cụ thể", chuyên gia này nhận định.

Tầm soát, phát hiện sớm giảm gánh nặng điều trị

Tầm soát sớm không chỉ giúp phát hiện ung thư kịp thời, mà còn làm giảm gánh nặng điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Công Hoàng, giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Mỹ đã triển khai sàng lọc ung thư đại trực tràng ở cấp quốc gia, nhờ đó làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam vẫn còn nhiều ca bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn. Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay có đến 30% bệnh nhân đến khám khi ung thư đã di căn.

"Lúc này khối u đã lớn, gây tắc ruột hoặc chèn ép, khiến cơ hội điều trị triệt để gần như không còn" - bà chia sẻ. "Dù vậy, với sự phát triển của y học, đặc biệt là điều trị cá thể hóa và xét nghiệm gene, tỉ lệ sống trên 5 năm ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn hiện đã tăng lên tới 30 - 40%", bác sĩ Phương nói.

Bác sĩ Khiên khuyến cáo người dân nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng từ tuổi 45 hoặc sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình, viêm ruột mãn tính, béo phì...

Bác sĩ Phương cũng hy vọng trong thời gian tới chuyên ngành ung thư và nhiều chuyên ngành khác sẽ có hướng dẫn sàng lọc cho từng bệnh, tránh tình trạng việc lạm dụng chỉ định nhiều xét nghiệm khi sàng lọc.

"Tôi mong muốn Bộ Y tế sẽ là đầu tàu kết nối để xây dựng các hướng dẫn sàng lọc. Ngoài ra, bảo hiểm y tế nghiên cứu chi trả cho sàng lọc này vì việc phòng bệnh, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm sẽ chỉ mất chi phí điều trị thấp mà hiệu quả điều trị cao", bác sĩ Phương kiến nghị.

Ung thư đại trực tràng đang trẻ hóa, làm sao để phát hiện sớm? - Ảnh 3.Thử nghiệm thuốc chữa ung thư đại trực tràng của Mỹ có tín hiệu tốt

Sau 3 tháng triển khai nghiên cứu VISTA-1 tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh về thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, 8 bệnh nhân đầu tiên được điều trị bước đầu có tín hiệu tốt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp