Nơi âm thanh dừng lại, chỉ còn tiếng gió Đà Lạt

Âm thanh rõ rệt nhất trong quán cà phê Lặng Art là tiếng gió từ rặng thông già Đà Lạt, và đôi lúc là những âm thanh rất nhỏ không rõ nghĩa của các bạn trẻ phục vụ.

Nơi âm thanh dừng lại, chỉ còn tiếng gió Đà Lạt - Ảnh 1.

Các em nhỏ khiếm thính ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng tham gia biểu diễn thời trang cùng các nghệ sĩ chuyên nghiệp để tìm hiểu về nghề người mẫu - Ảnh: KHOA TRÂM NHUNG

Lặng Art nằm cạnh Nhà thờ dân tộc Cam Ly (đường Nguyễn Khuyến, Đà Lạt), bao quanh bằng rặng thông xanh mát. Không gian đặc biệt này khiến nơi đây tách biệt với phố xá, dù tọa lạc ngay trung tâm thành phố.

Đà Lạt có một ngôi nhà của sự hòa nhập

Điều khiến khách ghé thăm cảm thấy đặc biệt không chỉ là hương vị cà phê, mà là cách nhân viên giao tiếp bằng ánh mắt, nụ cười và ngôn ngữ ký hiệu.

Những bạn trẻ làm việc tại đây đều là người khiếm thính, đã đến tuổi rời Trường Khiếm thính Lâm Đồng (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng). Một số bạn chọn ở lại để tiếp tục gắn bó và chăm sóc các em nhỏ mới đến trường.

Người sáng lập Lặng Art, anh Võ Anh Tuấn, vốn là nhân viên một công ty du lịch, bén duyên với công việc đầy tính nhân văn này sau một lần đến thăm Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng cũ.

Cảm nhận được khát vọng sống tự lập của các bạn trẻ khiếm thính, anh quyết định đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm (200 triệu đồng) để xây dựng một không gian vừa là nơi làm việc, vừa là nơi học nghề cho các em.

Lặng Art - Ảnh 2.

Nhân viên của quán là những học viên khiếm thính đã đến tuổi lao động. Trong ảnh, người sáng lập Võ Anh Tuấn đứng thứ 2 từ phải sang - Ảnh: KHOA TRÂM NHUNG

"Có khó khăn không? Có chứ, rất nhiều. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại", anh Tuấn chia sẻ. Niềm tin lớn nhất của anh là ở nỗ lực của các bạn trẻ - những con người tuy không thể nghe hoặc nói, nhưng lại có thể "cất tiếng" bằng đôi tay khéo léo và tinh thần bền bỉ.

Khác biệt của Lặng Art không chỉ đến từ đội ngũ nhân viên mà còn nằm ở mô hình kết hợp giữa quán cà phê và khu trưng bày, bán sản phẩm thủ công. Những món đồ như túi vải, tranh thêu, móc len… đều do các bạn khiếm thính và thiểu năng trí tuệ tự tay làm nên. Mỗi sản phẩm mang dấu ấn cá nhân và được bày bán như một phần linh hồn của quán.

Hiện nay Lặng Art là nơi học nghề cho hơn 130 học sinh dưới 16 tuổi. Mỗi buổi chiều từ thứ hai đến thứ bảy, các lớp học như macrame, thêu thùa, may vá… đều diễn ra đều đặn. Đây không chỉ là kỹ năng nghề mà còn là hành trang để các em vững vàng hơn trong cuộc sống tương lai.

Lặng Art - Ảnh 3.

Các sản phẩm handmade do các học viên khiếm thính làm trong quá trình học nghề được bán tại Lặng Art - Ảnh: KHOA TRÂM NHUNG

Anh Võ Văn Thịnh, một doanh nhân hoạt động trong ngành cà phê, là người đồng hành lâu dài cùng Lặng Art. Anh hỗ trợ đưa các sản phẩm thủ công của các bạn đến tay người tiêu dùng, với toàn bộ lợi nhuận quay trở lại trung tâm.

"Tôi muốn các bạn có một cái nghề, tự tạo ra giá trị để có thể tự lo cho bản thân", anh chia sẻ.

Trong tương lai, mình sẽ làm giáo viên của trẻ khiếm thính

Tại Lặng Art, mỗi nhân viên đều có một câu chuyện riêng, nhưng điểm chung là tinh thần không khuất phục.

Nguyễn Lương Quang (24 tuổi), một nhân viên khiếm thính làm việc tại quán, viết trong một mảnh giấy nhỏ: "Ước mơ của mình là trong tương lai có thể mở một quán cà phê và trở thành một giáo viên của trẻ khiếm thính".

Quang mong muốn được chia sẻ những gì đã học được, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh có thêm cơ hội.

Lặng Art - Ảnh 4.

Từ xưởng học nghề bên trong Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng, các em sẽ làm một số sản phẩm thủ công để bán cho du khách khi đến thăm Lặng Art - Ảnh: KHOA TRÂM NHUNG

Dù đối mặt với những khó khăn trong giao tiếp và hòa nhập, Quang cũng như các bạn tại Lặng Art luôn tìm cách vượt qua bằng hành động và sự nỗ lực hằng ngày.

Không cần ngôn từ, họ vẫn truyền đi thông điệp mạnh mẽ về lòng kiên trì và giá trị của mỗi con người.

Không ít du khách đã bị Lặng Art "giữ chân" không phải bởi đồ uống hay không gian yên tĩnh, mà bởi những trải nghiệm cảm xúc sâu sắc tại đây.

"Ban đầu mình chỉ định ghé uống cà phê, nhưng rồi mình ấn tượng bởi cách phục vụ và các sản phẩm handmade tinh xảo", bạn Huyền Trang (TP.HCM) chia sẻ. Huyền Trang nói thêm: "Mình thấy được cái tâm của người sáng lập và sự cố gắng không mỏi của các bạn khiếm thính".

Còn Trần Minh Trí (22 tuổi) lần đầu đến quán đã thốt lên: "Mình thấy họ giỏi và đáng ngưỡng mộ".

Lặng Art - Ảnh 5.

Một học viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng đang làm quà lưu niệm bằng len - Ảnh: KHOA TRÂM NHUNG

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khiếm thính, trong đó 60% đang trong độ tuổi lao động, nhưng cơ hội việc làm còn rất hạn chế.

Lặng Art là mô hình tìm cách mở rộng cơ hội cho nhóm người yếu thế này. Anh Võ Anh Tuấn vẫn không ngừng mơ đến những quán cà phê tương tự ở nhiều nơi, mang đến công việc ổn định và sự tự tin cho người khuyết tật.

Lặng Art, âm thanh dừng lại, chỉ còn tiếng gió Đà Lạt - Ảnh 6.Sinh viên làm ứng dụng kết nối người khiếm thính

Ngoài dịch thuật, ứng dụng kết nối người khiếm thính Adley còn tích hợp thư viện khóa học ngôn ngữ ký hiệu, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người khiếm thính.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp