
Nút giao An Phú, TP.HCM là điểm nóng ùn ứ giao thông - Ảnh: CHÂU TUẤN
Liên quan đến dự án nút giao An Phú thi công chậm trễ được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua, tại cuộc họp báo kinh tế và xã hội TP.HCM ngày 17-7, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đặt một loạt câu hỏi gửi đến chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) về việc vì sao dự án có rất nhiều nhà thầu tham gia nhưng vẫn thi công chậm trễ.
Lý do chia nhỏ các gói thầu
Cụ thể vì sao dự án này lại chia nhỏ thành nhiều gói thầu từ vài chục tỉ đồng đến vài ba trăm tỉ đồng, những gói thầu có giá trị nhỏ này có cần thiết liên danh nhà thầu đông thành viên tham gia hay không? Bên cạnh thầu chính, còn có bao nhiêu thầu phụ tham gia dự án?
Phản hồi, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Giao thông - cho biết việc chia các gói thầu được thực hiện theo các nguyên tắc như: đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với tiến độ bàn giao mặt bằng, đặc điểm kỹ thuật từng phần và khả năng khai thác độc lập sau khi hoàn thành, cũng như tăng tính cạnh tranh.
Cụ thể các gói thầu của dự án được chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những gói di dời hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông, cây xanh… Những gói này có giá trị nhỏ, được phân chia theo từng lĩnh vực chuyên môn để dễ tổ chức thi công.
Nhóm thứ hai là các gói xây lắp chính như cầu vượt, hầm chui, đường bộ… được tách ra theo kỹ thuật và tiến độ hoàn thành để có thể đưa vào khai thác độc lập từng phần.
Theo giám đốc Ban Giao thông, việc lựa chọn nhà thầu được làm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng, cho phép các đơn vị liên danh và đề xuất thầu phụ. Mỗi liên danh có thể gồm 2 - 3 nhà thầu. Tổng cộng, hiện dự án có 4 nhà thầu phụ các hạng mục chuyên biệt như chống thấm, cung cấp và lắp đặt thiết bị ngành nước...
Đôn đốc nhiều nhưng dự án vẫn chậm tiến độ
Dự án nút giao An Phú có khoảng 24 gói thầu, bao gồm xây lắp, tư vấn, giám sát, bảo hiểm, di dời hạ tầng, cây xanh... Riêng xây lắp có hơn 10 gói thầu chính với hơn 20 nhà thầu tham gia, chưa kể một số gói khác như cầu đi bộ, tháp trung tâm... chưa có nhà thầu.
Đơn cử như gói thầu XL5 (hầm chui HC1-01, vừa thông xe ngày 30-6) có đến 5 nhà thầu, là gói thầu có nhiều nhà thầu nhất nhưng lại trễ tiến độ nhiều lần và Ban Giao thông phải nhận khuyết điểm với TP.
Ngoài ra hầu hết các gói thầu khác cũng đều có 2 - 3 nhà thầu liên danh, đưa dự án nút giao An Phú thành dự án có số lượng nhà thầu đông đảo, dù số vốn và mặt bằng thi công không lớn.
Thông thường "nhiều người làm thì nhanh", tuy nhiên thực tế tại công trường nút giao An Phú lại không như kỳ vọng. Đến tháng 6-2025, tổng tiến độ dự án chỉ đạt khoảng 68%, dù mốc hoàn thành đã được điều chỉnh từ ngày 30-4 sang tháng 12-2025.
Mới đây, tình trạng thi công chậm trễ tại nút giao An Phú một lần nữa đã được Sở Xây dựng cảnh báo tới chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng, thời gian qua thành phố đã có nhiều văn bản đôn đốc chủ đầu tư tập trung huy động nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành thi công công trình theo tiến độ đề ra.
Tuy nhiên trên thực tế một số hạng mục chưa đảm bảo tiến độ thi công theo yêu cầu, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành công trình vào ngày 31-12.
Do vậy Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư triển khai thực hiện ngay một số nội dung, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch.
Liên quan đến câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân làm dự án nút giao An Phú chậm tiến độ để báo cáo UBND TP, hiện nay kết quả kiểm điểm thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Ban Giao thông cho biết hiện đơn vị đang chuẩn bị báo cáo về kết quả kiểm điểm, tiến độ hoàn thành dự án nút giao An Phú và sẽ trình Sở Xây dựng trước ngày 30-7
Nhiều nhà thầu nhưng năng lực kém sẽ làm rối tiến độ
TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM - nhận định việc có nhiều nhà thầu cùng tham gia một dự án có quy mô không quá lớn như nút giao An Phú là chưa hợp lý. Sự phân bổ các gói thầu với quy mô nhỏ rất dễ xảy ra tình trạng nhà thầu thi công chồng chéo, giẫm chân nhau.
Nhìn về quy mô gói thầu, ông Thuận viện dẫn cầu Nhơn Trạch có tổng vốn 6.955 tỉ đồng nhưng ban quản lý dự án của Bộ Xây dựng cũng chỉ chia thành hai gói thầu xây lắp, liên danh mỗi gói chỉ hai thành viên. Dù số lượng nhà thầu không nhiều nhưng dự án cầu Nhơn Trạch vẫn là điểm sáng, hoàn thành trước tiến độ, sẽ thông xe ngày 19-8.
Do đó TP cần phải rà soát, đánh giá cụ thể về tính hiệu quả khi phân chia một dự án với quá nhiều gói thầu và có cần thiết một liên danh lại có quá nhiều thành viên tham gia.
Theo ông Thuận, nhạc trưởng quản lý công trình phải là 1-2 nhà thầu chính, ở dưới họ có thể thuê thầu phụ, tổ đội thi công các hạng mục nhỏ. Chủ đầu tư chỉ cần quản lý một hai nhà thầu này sẽ hiệu quả hơn là làm nhạc trưởng của 20 nhà thầu.
Quan trọng nhất là xây dựng hàng rào kỹ thuật và ra đề bài trong hồ sơ mời thầu để chọn được nhà thầu có chất lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận