
Bị cáo Nhưỡng, Vân, Vương (từ hàng trên xuống) tại tòa phúc thẩm - Ảnh: KHÁNH LINH
Sáng 15-5, Tòa án nhân dân cấp cao mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng - cựu đại biểu Quốc hội, cựu phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lê Thanh Vân - cựu đại biểu Quốc hội, ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội; Nguyễn Văn Vương - cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước.
Viện kiểm sát: Tòa sơ thẩm kết án ông Lê Thanh Vân là có căn cứ, không oan
Sau gần một buổi sáng làm việc, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao công bố bản luận tội và đề nghị mức án với ba bị cáo.
Viện kiểm sát nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng là đặc biệt nghiêm trọng. Mức án 13 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên đối với hai tội danh cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được đánh giá là phù hợp, đồng thời thể hiện tính nhân văn trong quá trình xét xử.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nhưỡng đã cung cấp thêm các tài liệu mới như bị cáo được vợ nộp bổ sung 29 triệu đồng khắc phục hậu quả. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre có văn bản xác nhận trong thời gian công tác, ông Nhưỡng đã vận động được 18 tỉ đồng cho hoạt động thiện nguyện...
Do đó viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử xem xét chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Cụ thể, đối với tội cưỡng đoạt tài sản (mức án sơ thẩm là 3 năm tù), đại diện viện kiểm sát đề nghị giảm cho ông Nhưỡng từ 3 - 6 tháng tù. Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (mức án sơ thẩm là 10 năm tù), viện kiểm sát đề nghị giảm từ 9-12 tháng tù.
Tổng hợp, bị cáo Nhưỡng được viện kiểm sát đề nghị giảm 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù cho cả hai tội.
Về phần bị cáo Lê Thanh Vân, viện kiểm sát cho rằng mặc dù bị cáo kháng cáo kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, lời khai tại tòa của các bị cáo và những người liên quan, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của ông Vân.
"Bản án sơ thẩm kết tội bị cáo Lê Thanh Vân là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan", kiểm sát viên khẳng định.
Cũng theo viện kiểm sát, tại phiên phúc thẩm, bị cáo Vân không cung cấp được chứng cứ hay tài liệu mới, nên không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo.
Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 7 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Tương tự, viện kiểm sát cho rằng bản án sơ thẩm kết tội bị cáo Nguyễn Văn Vương là "đúng người, đúng tội, không oan".
Do bị cáo không cung cấp được chứng cứ mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo. Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án 14 năm tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên với bị cáo Vương về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Toàn cảnh phiên tòa - Ảnh: KHÁNH LINH
Trước đó tại phần xét hỏi, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân được hội đồng xét xử cho phép ngồi trả lời.
Ông Nhưỡng trình bày ngắn gọn, giữ nguyên nội dung kháng cáo, xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt dựa trên các tình tiết mới. Các nội dung còn lại, ông ủy quyền hoàn toàn cho luật sư bào chữa.
Luật sư của ông Nhưỡng cũng đồng tình với thân chủ, không tranh luận về tội danh hay mức án sơ thẩm, mà chỉ xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt tù.
Đối với bị cáo Lê Thanh Vân, HĐXX cho biết ông đã gửi đến tòa nhiều đơn thư, trong đó lá đơn gần nhất dài 28 trang được gửi ngày 4-3. Tuy nhiên, các đơn đều có nội dung tương tự nhau.
Chủ tọa sau đó đã tóm tắt ba nội dung chính trong đơn kêu oan của ông Vân gồm: Bản án sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan, chỉ dựa vào một số lời khai chọn lọc để kết tội, đồng thời bỏ qua các tình tiết có lợi cho bị cáo. Có những vi phạm "đặc biệt nghiêm trọng" trong quá trình tố tụng. Việc áp dụng pháp luật có sai sót "đặc biệt nghiêm trọng", đi ngược tinh thần của Hiến pháp.
Ông Vân cho rằng các cơ quan tố tụng đã làm sai lệch bản chất vụ án, sử dụng chứng cứ theo hướng áp đặt và cố ý quy chụp các hoạt động đúng đắn của ông - một đại biểu Quốc hội - thành hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi.
Đáng chú ý, quá trình trả lời xét hỏi, ông Vân dùng những từ ngữ không phù hợp nên chủ tọa đã nhắc nhở bị cáo "nên sử dụng những từ ngữ văn minh vì là người có học thức".
Luật sư của ông Vân cũng khuyên thân chủ nên kiềm chế.
"Bảo kê" giang hồ, can thiệp tòa án, chính quyền
Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ năm 2020-2023, các bị cáo trên đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, được thể hiện qua 5 vụ việc.
Vụ thứ nhất, ông Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, qua đó ông "bảo kê" cho một nhóm giang hồ chuyên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khai thác cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình.
Vụ việc thứ hai, ông Nhưỡng bị cáo buộc vào tháng 12-2020 và tháng 5-2021, bị can lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, chánh án, viện trưởng viện kiểm sát và giám đốc Công an TP Hà Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho vụ án tranh chấp đất đai đã bị TAND huyện Thủy Nguyên xử sơ thẩm, tuyên thua của Bùi Văn Thao (người làm thuê cho Cường "quắt").
Ông Nhưỡng sau đó hưởng lợi bộ cánh cổng nhà thờ bằng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng do được "biếu".
Tuy nhiên, tháng 6-2021, tòa phúc thẩm giữ nguyên nội dung sơ thẩm, buộc vợ chồng Thao phải bàn giao lại nhà đất.

Xe thùng dẫn giải các bị cáo đến tòa - Ảnh: KHÁNH LINH
Lúc này ông Nhưỡng tiếp tục hướng dẫn Thao gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Biết không có kết quả nên Thao dừng lại.
Trong vụ việc thứ ba, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã hướng dẫn doanh nghiệp làm đơn "kêu cứu" khẩn cấp để gỡ khó cho việc phê duyệt dự án Quế Võ 3 (tỉnh Bắc Ninh).
Sau khi nhận đơn của doanh nghiệp, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội viết phiếu chuyển đơn gửi Thủ tướng xem xét, giải quyết. Ông sau đó nhận 300.000 USD, tương đương 6,9 tỉ đồng. Gia đình ông đã nộp lại toàn bộ số tiền này.
Vụ việc thứ tư xảy ra trong năm 2019, ông Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp đến UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha.
Ông Nhưỡng sau đó hưởng lợi một lô đất trị giá 1,8 tỉ đồng, và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này có giá 1,9 tỉ đồng.
Từ tháng 7 đến tháng 10-2023, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác dự án và hưởng lợi 210 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong vụ án thứ năm, ông Nhưỡng và ông Vân còn "bắt tay", phân chia gọi điện cho lãnh đạo, gây áp lực cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh để "giúp đỡ" cho Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép thực hiện dự án, thăm dò, khai thác mỏ đất.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cáo buộc quá trình can thiệp, ông Nhưỡng và ông Vân đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp Trường Sinh. Trong đó ông Vân nhận 2 lần, tổng 60 triệu đồng. Ông Nhưỡng nhận 6 lần, tổng 210 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận