23/05/2025 10:06 GMT+7

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Tháng 8-1997, tôi nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngày tôi rời quê Quảng Ngãi để vào TP.HCM học, má rưng rưng nước mắt căn dặn: "Ở trỏng con gắng học hành thật tốt để má ở nhà an tâm buôn bán, tằn tiện lo cho con ăn học".

TP.HCM - Ảnh 1.

Bao người quê khó khăn lên TP.HCM để mưu sinh thiện lương và dần thay đổi được cuộc đời - Ảnh: THÙY CHI

Thế rồi, chính TP - miền đất hứa này đã vun đắp cho hoài bão và ước mơ đổi đời của tôi thành sự thật.

Tấm lòng thảo thơm của chị chủ quán cơm bình dân

Những ngày đầu "chân ước chân ráo" một mình vào TP.HCM trọ học, tôi cảnh giác với mọi thứ xung quanh mình vì luôn nhớ lời dặn dò của má, nhà mình nghèo khó, chỉ con đường học vấn mới có cơ hội thoát nghèo.

Mấy tháng trọ học tôi bắt đầu quen dần nhịp sống mảnh đất phương Nam này. TP đông đúc, hào nhoáng và cũng có phần "phức tạp" y như lời dặn dò của má. Thế nhưng trên hết, tôi cũng cảm nhận được những người Sài Gòn thiệt là nhiệt tình, dễ thương và tử tế.

Thời sinh viên, tôi trọ gần cầu Bình Triệu. Gần nơi tôi ở có tiệm cơm bình dân của chị Dung là "người Sài Gòn chính cống, quê ở Hóc Môn".

Chị Dung tốt tính và được bọn sinh viên nhà nghèo hồi đó như chúng tôi mệnh danh là "bà chủ quán cơm bình dân tốt bụng" vì thường xuyên bán "ký" (bán thiếu) cơm trưa, cơm chiều cho bọn sinh viên chúng tôi khi trong ví không còn tiền, cha mẹ quê nhà chưa gửi tiền tháng vào kịp.

Có mấy đứa chuyển chỗ trọ còn thiếu chị tiền cơm, sang gặp xin chị "khất nợ" rồi bảo lúc nào có tiền sẽ mang tới trả. Chị cười hiền khô, xua tay rồi bảo: "Khi nào có tiền thì mang trả cho chị cũng được, có nhiêu đâu mà lo". 

Có khi chị còn cà giỡn nhắn nhủ: "Khi nào mấy đứa tốt nghiệp ra trường, nhớ có việc làm báo tin để chị vui, đi làm có lương rồi thì nhớ mang tiền trả cho chị cũng chưa muộn". Nhưng nhớ trả cả gốc lẫn lãi nha...". Mấy chị em cười to.

Tôi nhớ năm 2001, đó là năm gần cuối ĐH, tôi bị bệnh rất nặng, viêm tuyến tụy cấp tính rất nguy hiểm. Biết tôi bị bệnh, chị tất tả chạy nhanh qua phòng trọ rồi dìu tôi qua nhà chị nằm nghỉ ngơi cho khỏe chứ nhà trọ ồn ào, đông người lại nóng nực. 

Chị xuống bếp nấu ngay cho tôi một nồi cháo thịt bò rồi sau đó chị gọi điện thoại cho người quen của tôi ở TP.HCM và người nhà của tôi ở quê. Chị cùng với mấy đứa bạn học đưa tôi vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Có lần chị tâm sự với chúng tôi hồi trước cuộc sống chị cũng nhiều khó khăn, vì vậy chị rất thương những người nghèo khó, những người xa quê vào TP mưu sinh hay sinh sống và học tập như bọn sinh viên chúng tôi. Chị xem mấy đứa sinh viên chúng tôi như em út, con cháu trong nhà. Giúp được cái gì trong khả năng của mình thì chị sẵn sàng giúp, vậy thôi...

Ngày tốt nghiệp ĐH ra trường, tôi cũng như mấy đứa trọ chung phòng quyết định ở lại TP.HCM để tìm kiếm cơ hội việc làm và lập nghiệp. Hơn hai tháng sau, tôi và một số người bạn học nhanh chóng báo tin vui đã có được việc làm tốt, phù hợp chuyên môn đào tạo trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp tại TP. 

Tôi may mắn được một doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng chính thức sau thời gian hai tháng thử việc. Tôi gọi điện về báo cho má biết tin vui là tôi đã có được việc làm đúng chuyên ngành học tại một doanh nghiệp sau khi nhận bằng tốt nghiệp ĐH. Má nghẹn ngào xúc động, mừng rơi nước mắt mà không nói nên lời.

Chúng tôi lần lượt hẹn nhau để ghé thăm chị Dung và báo tin cho chị biết là chúng tôi đã tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành như đã hứa với chị trước khi ra trường. Biết chúng tôi đã tìm được việc làm phù hợp, chị vui mừng như chính người thân của chị tìm được việc làm.

TP.HCM - Ảnh 2.

Trong đại dịch, khu phố tôi sống vẫn có nhiều người làm từ thiện, phát nhu yếu phẩm cho người nghèo - Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC

Cảm ơn anh công an khu vực và nữ cán bộ đi chợ hộ thời dịch bệnh

Tháng 7-2021, đại dịch COVID-19 tại TP.HCM bùng phát. Chính quyền tiếp tục siết chặt việc giãn cách "ai ở đâu thì ở yên đó". Tòa chung cư mini nơi tôi đang sinh sống ở phường 10, quận Tân Bình, đa số là người lao động thuê trọ để sinh sống và làm việc. 

Nhiều người tìm cách về quê tránh dịch. Những người ở lại động viên nhau cố gắng bám trụ TP, mong chờ đại dịch rồi sẽ qua nhanh để được đi làm, ổn định cuộc sống trở lại. Đời sống nhiều người gặp nhiều khó khăn hơn vì dịch bệnh.

Sống trong sợ hãi, những ngày dịch bệnh bùng phát dữ dội và chính quyền TP liên tục siết chặt giãn cách để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, những bữa cơm của người thuê trọ đôi khi chỉ là mì gói hoặc cơm trắng với chén nước tương hoặc có khi là đĩa bầu luộc để cầm cự. Thỉnh thoảng ai mua được chút thịt cá thì chia sẻ với nhau.

Như nắm bắt được nhu cầu cũng như nỗi khó khăn của cư dân, của những người đang thuê trọ trong những ngày sống giãn cách vì dịch bệnh, cứ mươi ngày nửa tháng là chính quyền địa phương mang gạo và các nhu yếu phẩm như nước tương, dầu ăn, rau xanh, củ quả, mì gói để hỗ trợ. Ai ai cũng xúc động, vui mừng nhận những món quà thật ý nghĩa lúc khó khăn ấy.

Tôi nhớ mãi hình ảnh thiệt đẹp của anh công an khu vực nơi tôi sinh sống. Cứ cách vài ba ngày là anh mang bánh ú, bánh ít, bánh tét hay miếng thịt heo lẳng lặng đặt trước phòng mỗi người như là cách san sẻ của chính quyền địa phương cho bà con trong những ngày giãn cách vì đại dịch.

Đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát đến đỉnh điểm, chính quyền TP đã triển khai việc đi chợ giúp dân. Tôi và nhiều người lúc này cũng không còn nhiều thực phẩm để dự trữ. Tôi nhớ thời điểm đó không còn cách nào khác, tôi và nhiều cư dân đã nhắn tin cho chị phó chủ tịch phường để nhờ chị giúp đi chợ hộ, mua thực phẩm, rau xanh dự trữ. 

Tuy nhiên nhắn thì nhắn nhưng nhiều cư dân như tôi cũng không hy vọng nhiều lắm vì trong hoàn cảnh dịch bệnh quá căng thẳng mà. Thế nhưng tôi và nhiều cư dân thật sự vui mừng không thể tả khi nhận được phản hồi tin nhắn của chị. Chị xin địa chỉ nhà để nhân viên tổ đi chợ hộ sáng sớm mai đến hỗ trợ, mua nhu yếu phẩm cho cư dân.

Việc hỗ trợ, tiếp tế nhu yếu phẩm từ chính quyền địa phương trong những ngày TP diễn ra đại dịch có thể nói là vô cùng thiết thực và kịp thời. Đặc biệt việc tiếp tế, giúp đỡ những người đang thuê trọ, những đối tượng thật sự khó khăn trong những ngày TP siết chặt giãn cách xã hội có ý nghĩa vô cùng to lớn. Thể hiện sự quan tâm sâu sát và kịp thời của chính quyền địa phương đối với người dân...

Với tôi, sau gần 30 năm học tập, sinh sống và làm việc, TP.HCM giờ đây đã trở thành "máu thịt", là quê hương thứ hai của đời mình. Tôi mang ơn TP, tôi biết ơn chính quyền địa phương nơi tôi đang sinh sống, tôi biết ơn anh công an khu vực, tôi biết ơn chị cán bộ phường đi chợ hộ đã giúp đỡ những cư dân như tôi trong những ngày giãn cách vì đại dịch. 

Và tôi cũng không quên ơn chị Dung, chủ quán cơm bình dân ngày tôi còn là cậu sinh viên thường xuyên xẹp túi.

Tôi biết ơn mảnh đất phương Nam đã dang rộng vòng tay ấm áp, bao dung và nghĩa tình của mình để che chở biết bao phận đời, vun đắp biết bao mơ ước và hoài bão của những người con tha hương như tôi để có được cuộc sống đủ đầy ngày hôm nay.

Chính tấm lòng hào hiệp, tử tế và bao dung mà TP được ví von là nơi "đất lành chim đậu" tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và ý chí cho những người con tha hương biến ước mơ đổi đời thành sự thật.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM - Ảnh 3.Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngành y và giảng dạy tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Phan Bảo Khánh (76 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) vẫn nhớ như in từng bước ngoặt cuộc đời, tất cả đều gắn liền với thành phố này như máu thịt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp