
Trị liệu âm nhạc để "chữa lành" tại Viện Sức khỏe tâm thần - Ảnh: BVCC
Âm nhạc giúp "đánh thức" những cảm xúc đã ngủ quên, bị kìm nén lâu ngày trong quá khứ. TS Thanh Hương chia sẻ: Người bệnh trầm cảm thường sống khép kín, thu mình, thích các hoạt động yên tĩnh, mất động lực, giảm hứng thú.
Các trạng thái cảm xúc chủ yếu: buồn, chán nản, thất vọng, tủi thân… đôi khi có cả sự trống rỗng trong trạng thái tê liệt cảm xúc. Họ có thể không khóc, không cười, thậm chí không còn nhận ra mình đang buồn hay vui.
Âm nhạc, với sự đa dạng giai điệu, tiết tấu, ca từ… giúp khơi gợi lại những rung cảm tưởng chừng đã mất. "Một bản nhạc buồn có thể giúp họ nhận diện nỗi đau. Một giai điệu tươi sáng lại khơi dậy niềm hy vọng. Đó là bước đầu tiên để chữa lành", TS Hương giải thích.
Khác với các liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi, tâm lý nhóm hay liệu pháp gia đình… đòi hỏi người bệnh phải chia sẻ bằng lời, diễn đạt gãy gọn những ấm ức, tủi thân, suy nghĩ của bản thân về các sự kiện, hiện tượng xung quanh thì liệu pháp âm nhạc cho phép họ bày tỏ cảm xúc một cách tự nhiên nhất.
Họ không cần nói, chỉ cần ngân nga ca từ theo giai điệu, tiết tấu của bài hát. Họ hát bằng tất cả cảm nhận, cảm xúc từ trái tim. Chơi các dụng cụ đơn giản như trống, chuông, guitar
…; Sáng tác giai điệu hoặc lời ca ngắn...
Từ những cách thể hiện rất riêng đó người bệnh giãi bày được nỗi lòng sâu kín của họ, có thể là những mong ước, những hoài bão, niềm tin và hy vọng. "Những cảm xúc này không dễ dàng diễn tả bằng lời, bằng ngôn từ, nhưng lại có thể được giải phóng qua một khúc nhạc", một nhà trị liệu âm nhạc chia sẻ.
Vì sao âm nhạc có thể chữa lành?
Nhịp điệu chính là "liều thuốc" cho hệ thần kinh. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Nhịp tim và hơi thở có xu hướng đồng bộ với tiết tấu âm nhạc; Nhạc chậm (60-80 nhịp/phút) giúp giảm cortisol, ổn định huyết áp và những giai điệu vui tươi kích thích sản xuất endorphin - hormone hạnh phúc.
Các hoạt động âm nhạc đa dạng, chẳng hạn như nghe nhạc, hát và chơi nhạc cụ, gợi lên những phản ứng não độc đáo chịu ảnh hưởng của các đặc điểm và thuộc tính âm nhạc của từng cá nhân.
Khi nghe nhạc, nhiều vùng não liên quan đến cảm xúc, trí nhớ và sáng tạo cùng hoạt động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với người bệnh trầm cảm - những người thường bị suy giảm chức năng ở các vùng não này.
Nhạc điệu giúp kích hoạt "con đường cảm xúc" trong não. Nghe nhạc cải thiện các chức năng nhận thức như trí nhớ, khả năng tập trung và tăng cường hành vi.
Ca hát là hành động tạo ra âm nhạc bằng giọng nói, thường theo một giai điệu và lời bài hát nhất định. Việc được thể hiện thông qua việc "hát một ca khúc" nhằm cải thiện khả năng nói trôi chảy, chức năng điều hành và trí nhớ theo từng giai đoạn.
Những thay đổi về cấu trúc như tăng cường tính toàn vẹn của chất trắng và tăng cường sự tích hợp thính giác - vận động làm nổi bật tiềm năng của việc ca hát trong việc kích thích tính mềm dẻo của hệ thần kinh.
Nhóm người bệnh có các rối loạn: t
rầm cảm, sa sút trí tuệ, tự kỷ, có khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói và không lời thường có nhiều các vấn đề khác nhau liên quan đến cảm xúc, nhận thức và hành vi.
Việc họ tham gia vào liệu pháp âm nhạc giúp họ cải thiện các khó khăn trên. Bà Thanh Hương cho biết: "Liệu pháp âm nhạc nhóm giúp người bệnh: Cảm nhận sự đồng điệu khi cùng hát một bài hát, chơi các trò chơi âm nhạc, ngân nga ca từ, giai điệu, tiết tấu trong âm nhạc khiến họ tìm lại cảm giác an lành.
Có thể nói âm nhạc làm vơi đi nỗi lòng, giải phóng những ấm ức, khó chịu từ bệnh tật của người bệnh".

"Âm nhạc không thay thế thuốc nhưng giúp thuốc hiệu quả hơn" đối với những người cần chữa lành - Ảnh minh họa: T.ĐIỂU
Hành trình trị liệu: Từ im lặng đến cất tiếng
Tại Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, mỗi bệnh nhân đều có một "bản nhạc riêng" trong hành trình hồi phục. Hành trình đó gồm những giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Lắng nghe
- Nhà trị liệu chọn những bản nhạc phản ánh tâm trạng hiện tại của người bệnh.
- Không vội vàng chuyển sang nhạc vui, mà để họ được thực sự thấu hiểu.
Giai đoạn 2: Hòa nhịp
- Người bệnh bắt đầu tham gia bằng cách gõ nhịp, ngân nga theo giai điệu.
- Những nhạc cụ đơn giản như trống lục lạc được sử dụng để tăng tương tác.
Giai đoạn 3: Cất tiếng
- Tự chọn bài hát yêu thích để hát.
- Sáng tác ca từ ngắn về hy vọng, về những điều nhỏ bé khiến họ cảm thấy ấm lòng.
"Chúng tôi không ép họ phải vui vẻ ngay lập tức. Quan trọng là họ dám đối diện và bày tỏ cảm xúc thật của mình", bà Hương nhấn mạnh.
Thông điệp từ những người chữa lành
Thông điệp 1: "Âm nhạc không thay thế thuốc nhưng khiến thuốc hiệu quả hơn"
Liệu pháp âm nhạc không phải là phép thay thế mà là người bạn đồng hành cùng các phương pháp điều trị khác. Sự kết hợp này mang lại hiệu quả toàn diện:
- Thuốc giúp cân bằng sinh hóa não.
- Âm nhạc chữa lành những tổn thương tâm lý.
Thông điệp 2: "Hãy cho bản thân quyền được nghe, được cảm nhận"
Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng suốt thời gian dài họ đã đánh mất thói quen lắng nghe chính mình. Âm nhạc trị liệu không chỉ giúp họ tìm lại cảm xúc, mà còn trao cho họ một công cụ tự chữa lành:
- Tự tạo playlist cho những ngày u ám.
- Hát một bài hát cũ khi cảm thấy cô đơn.
- Dùng tiếng đàn để xua tan căng thẳng, tạo động lực, thêm niềm tin và hy vọng trong cuộc sống.
Trong căn phòng trị liệu, có người đã khóc khi nghe một khúc nhạc quen. Có người bật cười khi lần đầu dám hát to trước mặt người khác. Những khoảnh khắc tưởng chừng rất đỗi bình thường ấy lại là bước ngoặt trong hành trình thoát khỏi bóng tối trầm cảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận