
Thanh thiếu niên cần được trang bị kỹ năng phòng tránh lừa đảo qua điện thoại - Minh họa AI: TẤN ĐẠT
Những ngày gần đây qua báo đài, người dân quê tôi ở An Giang kể với nhau về các vụ "bắt cóc online" tại các xã, phường. Nghe qua thủ đoạn và cách các cháu bị lừa ra sao người lớn không khỏi băn khoăn.
Tự giam lỏng sau cuộc gọi lừa đảo
Một nữ sinh lớp 12 cư trú tại phường Bình Đức kể: do hồ sơ nộp cho trường có chút sai sót nên cháu gửi lại thông tin và làm theo các hướng dẫn. Trùng hợp ngay sau đó có nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, nghĩ là nhân viên trường gọi xác nhận lại nên em nghe máy.
Người gọi điện xưng là cán bộ công an, nói em có liên quan đến vụ án lừa đảo, vụ án ma túy xuyên quốc gia và yêu cầu phải thực hiện theo hướng dẫn, nếu không sẽ bị ở tù.
Nữ sinh này không chia sẻ sự việc cho người thân mà làm theo yêu cầu đăng nhập vào một app lạ, cung cấp mã ID để tham gia nhóm chat.
Do nghe thấy người ta nói đúng tên họ, căn cước và mở camera lên thấy mặc quân phục làm việc nên em nghĩ là thật.
Họ còn dẫn dụ rời khỏi nhà, tự thuê phòng bên ngoài để "giữ bí mật, phối hợp điều tra" và sau đó bị liên tục đe dọa, thao túng tâm lý.
Với phương thức thủ đoạn tương tự, tại nhiều xã, phường khác trên địa bàn cũng xảy ra việc thanh thiếu niên bị "bắt cóc online". Có cháu bị thao túng tâm lý đã gọi về gia đình hoặc bị người lạ chiếm đoạt tài khoản Zalo để tự liên hệ người thân nhằm "đòi tiền chuộc".
Một nạn nhân là nam sinh lớp 12 kể lại: "Em cũng có nghi vấn nhưng các đối tượng dàn cảnh đang làm việc và liên tục răn đe ở đây có Bộ Công an, viện kiểm sát, đề nghị em hợp tác.
Các đối tượng liên tục giám sát em không cho thoát ứng dụng, còn bảo em không thực hiện là chống người thi hành công vụ. Em còn đi học, em sợ bị ghi vào hồ sơ sẽ ảnh hưởng xấu nên em làm theo".
Phụ huynh sáng suốt giúp "giải cứu" con em
Điều đáng mừng qua các vụ việc là sự sáng suốt của phụ huynh. Phụ huynh của các nạn nhân đều nhanh chóng trình báo cơ quan công an phường, xã. Từ đó nhiều nạn nhân được giải cứu chỉ sau hai giờ "mất tích", may chưa có thiệt hại.
Có thể thấy tiếp sau "đợt sóng" cuộc gọi lừa đảo nhắm vào sinh viên nay cùng chiêu thức tương tự, kẻ lừa đảo đang hướng đến học sinh, thành thị lẫn nông thôn. Trẻ em cũng cần được trang bị kịp thời những kiến thức về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng.
Những thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng mạng, thậm chí có thể "chê" người lớn lạc hậu, chậm chạp về công nghệ. Nhưng đã có những sinh viên năm cuối vẫn rơi vào hoàn cảnh bị hù dọa và tự thành nạn nhân của trò lừa "bắt cóc online".
Nạn nhân hoảng loạn tự giam mình nơi nào đó, cắt liên lạc gia đình, trong khi kẻ gian có nhiều cách khiến phụ huynh phải chi tiền. Gia đình bị một phen hốt hoảng và nhận ra sự khờ dại, non nớt của con cháu trong khi những nạn nhân thanh thiếu niên rơi vào trạng thái tâm lý rất tệ sau sự việc.
Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi. Người lớn không thể nào chắc người thân, trong đó có con cháu đã biết cách phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo hay chưa?
Qua nhiều câu chuyện của các nạn nhân bị lừa đảo qua cuộc gọi (kể cả nạn nhân người lớn), người bị lừa có một điểm chung "chết người" là khi gặp tình huống nguy hiểm, khẩn cấp đã không báo với ai.
Gia đình không chỉ là chỗ dựa tin cậy cho mọi người, mà còn là "lá chắn" trước vấn nạn lừa đảo hiệu quả. Mọi người dân cần nhớ để tránh rủi ro từ các kiểu lừa đảo.
Cơ quan chức năng mấy năm nay liên tục cảnh báo mọi người về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, luôn nhấn mạnh cơ quan nhà nước, công an chỉ làm việc với người dân bằng việc gửi thư mời làm việc, không giải quyết qua điện thoại.
Hiểu đúng việc này sẽ tránh được bẫy lừa qua điện thoại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận