06/05/2025 09:00 GMT+7

Tìm lại nhịp đập cảm xúc cho thành phố hiện đại

Tan ca, chị Ngân về căn hộ cao cấp ở quận 4. Quẹt thẻ lần một qua cổng bảo vệ, quẹt thẻ lần hai trong thang máy và quẹt thẻ lần ba mở cửa căn hộ - những thao tác lặp lại mỗi ngày.

thành phố - Ảnh 1.

Con người không ngừng nén chặt không gian sống

Hành lang dài hun hút với những cánh cửa im lìm khép kín. Căn hộ chị vay ngân hàng mua không hề rẻ để đổi lấy một góc riêng tư và thuận tiện đi làm trong trung tâm.

Bữa tối được giao đến. Trên bàn, bên cạnh đồ ăn là màn hình điện thoại. Mạng xã hội hiện ra, nơi duy nhất cho chị cảm giác "kết nối" sau một ngày dài.

Dòng trạng thái của một người nổi tiếng khiến Ngân ngừng lướt ngón tay: "Một thành phố văn minh thực sự phải đo bằng chất lượng những cuộc chuyện trò không bị màn hình điện thoại phân tâm, chứ không phải chiều cao những tòa nhà" (kiến trúc sư Đồng Lâm Thanh Tùng).

Chị tắt ứng dụng, nhìn ra ngoài. Từ ô cửa kính tầng 20 nhìn xuống, dòng xe cộ hối hả như một dòng sông không ngừng chảy, đối lập hoàn toàn sự yên tĩnh bên trong.

Vết nứt cảm xúc trong lòng thành phố

Là tiến trình tất yếu của xã hội hiện đại, đô thị hóa đan xen những cơ hội và thách thức. Không đơn thuần là sự gia tăng số lượng và quy mô các thành phố, khái niệm đô thị còn trở thành cuộc chuyển dịch sâu sắc về lối sống, cấu trúc gia đình và các mối quan hệ xã hội.

Một trong những đặc trưng của đô thị là mật độ dân số cao. Mật độ dân số Việt Nam trung bình là 305 người/km² vào năm 2024, nhưng đô thị lớn có mật độ cao hơn, từ 1.000 đến trên 3.500 người/km² tùy loại.

Theo thống kê, từ năm 2010, dân số đô thị Việt Nam tăng trưởng khoảng 3% mỗi năm, cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á. Đến năm 2024, tỉ lệ dân số đô thị đạt 38,2%, tương đương gần 38,6 triệu người. Sự tập trung dày đặc của đô thị được xem là môi trường xã hội đặc thù làm gia tăng cảm giác vô danh.

Hệ quả đáng ngại của cảm giác vô danh cá nhân là dần hình thành đứt gãy kết nối giữa người với người. Vết nứt tưởng chừng vô hình nhưng khiến những "cơn mưa cảm xúc" âm ỉ thấm qua "bức tường" đô thị.

Tìm lại nhịp đập cảm xúc cho thành phố hiện đại - Ảnh 2.

Trật tự lạnh lẽo - Ảnh: Kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia Đồng Lâm Thanh Tùng

Trong công trình "Đô thị lớn và đời sống tinh thần", nhà xã hội học Georg Simmel đã chỉ ra các tương tác xã hội ở đô thị thường chỉ mang tính chức năng, lý trí và phi cá nhân, dẫn đến cá nhân ít được nhận diện hoặc ghi nhớ giữa đám đông.

Nhà nhân học Marc Augé gọi những không gian như sân bay, siêu thị, cao tốc là "không gian phi địa điểm" (non-places) bởi chúng thiếu vắng các mối liên hệ cá nhân, lịch sử hay bản sắc riêng.

Như vậy, có thể thấy quy hoạch đô thị bài bản không chỉ là sắp xếp đường sá, tòa nhà, mà còn là kiến tạo môi trường nuôi dưỡng cảm xúc.

Bởi lẽ các yếu tố như kiến trúc công trình, thiết kế cảnh quan, mật độ dân cư, sự hiện diện của âm thanh hay cách bố trí ánh sáng... tất cả đều âm thầm tác động đến tâm trạng, hành vi và sự gắn kết của con người.

Chia sẻ về vấn đề này, kiến trúc sư Đồng Lâm Thanh Tùng cảnh báo rằng một đô thị thiếu những "khoảng lặng" cần thiết sẽ có nguy cơ biến thành một "cỗ máy khổng lồ", nơi "những con đường chỉ để đi, không để dừng lại, không gian chỉ còn là điểm đến chứ không là nơi chốn".

Cỗ máy ấy sẽ trở nên "vô hồn, không có tình cảm", kiến trúc sư Thanh Tùng nhấn mạnh. Hệ lụy lớn nhất của lối quy hoạch vô cảm này "không phải là thiếu không gian, mà là thiếu 'đất' để gieo hạt 'kết nối'". 

Tìm lại nhịp đập cảm xúc cho thành phố hiện đại - Ảnh 3.

Kiến trúc sư - nhiếp ảnh gia Đồng Lâm Thanh Tùng là thạc sĩ Human Settlements tại KU Leuven (Bỉ), nhận 2 học bổng toàn phần danh giá, đồng sáng lập Cam Cam - dự án về di sản Chợ Lớn

Tìm lại "DNA" cho đô thị

Nếu mỗi công trình kiến trúc, mỗi góc phố công cộng đều được kiến tạo bằng cả kỹ thuật và sự thấu cảm thì sự tương tác, kết nối giữa người với người sẽ không còn "xa xỉ" hay hiếm hoi mà trở thành một phần tự nhiên, hiện hữu của cuộc sống đô thị.

"Đô thị sôi động nhất không phải ở tiếng còi xe, mà ở nhịp đập rộn ràng của những trái tim biết rung cảm trước nhau" - kiến trúc sư Thanh Tùng nhấn mạnh. Để những "trái tim" ấy có không gian và môi trường thực sự "rung cảm", việc kiến tạo đô thị cần bắt rễ sâu sắc từ chính bản sắc và nhu cầu của cộng đồng. 

Tìm lại nhịp đập cảm xúc cho thành phố hiện đại - Ảnh 4.

“Tôi cho rằng ‘xa nhau giữa đám đông’ là hệ quả của cả hai: khi nhịp sống nhanh khiến ta không dám chậm lại để dành thời gian cho những quan sát, quan tâm, và nhạt nhòa dần những quan hệ” - KTS Đồng Lâm Thanh Tùng chia sẻ

Đồng quan điểm về việc cần một cách tiếp cận nhân văn hơn cho thành phố, tiến sĩ khoa học - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chỉ rõ: phải bắt đầu từ việc trân trọng và gìn giữ bản sắc cùng không gian xanh.

Trong đó, bản sắc đô thị là "DNA" độc đáo kết tinh từ lịch sử, văn hóa, kiến trúc và lối sống, giúp kết nối con người với nơi chốn và tạo nên sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh cho thành phố.

Để gìn giữ và tạo lập bản sắc bền vững, điều cốt lõi là phải lắng nghe tiếng nói cộng đồng, tôn trọng, phát huy các giá trị bản địa thay vì chạy theo những giải pháp hàng loạt. Nói cách khác, đô thị cần mang tính "vị nhân sinh", phục vụ đủ nhu cầu an sinh và cảm xúc của con người.

Sưởi ấm đô thị bằng cảm giác thuộc về

Trước thực trạng đô thị ngày càng đối mặt với sự "loãng" đi của cảm xúc và đứt gãy trong kết nối cộng đồng, lời giải không thể chỉ nằm ở việc gia tăng mật độ hay xây thêm công trình.

Đã đến lúc cần một sự chuyển hướng mạnh mẽ trong tư duy thiết kế và quy hoạch: thực sự lấy "con người làm trung tâm", ưu tiên kiến tạo những không gian đô thị có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp đời sống tinh thần và hàn gắn các mối quan hệ xã hội.

Để hiện thực hóa triết lý đó, việc ưu tiên phát triển không gian cộng đồng chất lượng cao là yếu tố then chốt.

Thay vì tận dụng mọi khoảng đất cho công trình bê tông, đô thị cần dành quỹ đất xứng đáng cho công viên cây xanh, quảng trường công cộng nơi mọi người có thể gặp gỡ giao lưu, những sân chơi an toàn và sáng tạo cho trẻ em, đặc biệt là mở rộng mạng lưới đường đi bộ, làn đường xe đạp thân thiện.

Những không gian này chính là "lá phổi xanh" và "trái tim xã hội", nơi nuôi dưỡng sự tương tác và sức sống cộng đồng.

Tìm lại nhịp đập cảm xúc cho thành phố hiện đại - Ảnh 5.

Thay vì tận dụng mọi khoảng đất cho công trình bê tông, đô thị cần dành quỹ đất riêng cho công viên, cây xanh, quảng trường công cộng, nơi mọi người có thể gặp gỡ giao lưu

Song song đó, cần hướng đến thiết kế các khu dân cư một cách toàn diện và bền vững. Không chỉ là những khối nhà ở đơn lẻ, các khu dân cư mới cần được quy hoạch như những "làng đô thị" thu nhỏ, tích hợp đầy đủ tiện ích thiết yếu như trường học, chợ, cơ sở y tế, không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao ngay trong phạm vi đi bộ hoặc dễ dàng tiếp cận.

Thiết kế này không chỉ nâng cao chất lượng sống mà còn tạo ra vô vàn cơ hội để cư dân tình cờ gặp gỡ, làm quen và xây nên tình làng nghĩa xóm trong bối cảnh hiện đại.

Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh tính hiệu quả của cách tiếp cận này. Copenhagen (Đan Mạch) từ lâu đã là hình mẫu về đô thị thân thiện với người đi bộ và xe đạp. Vienna (Áo) liên tục dẫn đầu thế giới về chất lượng sống nhờ chiến lược phát triển nhà ở xã hội gắn liền với không gian công cộng đa dạng, chất lượng.

Ngay tại châu Á, Singapore dù đối mặt với áp lực đất đai khổng lồ vẫn không ngừng nỗ lực tích hợp mảng xanh, mặt nước và các tiện ích cộng đồng vào mọi dự án phát triển, tạo nên môi trường sống đáng mơ ước.

Đó cũng chính là khát vọng về một đô thị lý tưởng cho người Việt mà các kiến trúc sư tâm huyết như kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, kiến trúc sư Thanh Tùng và nhiều chuyên gia khác đang hướng tới.

Một thành phố không chỉ thông minh, hiện đại về hạ tầng, mà quan trọng hơn là một "nơi chốn" thực sự, nơi mỗi người dân cảm thấy gắn bó, thuộc về, có thể sống trọn vẹn cảm xúc và dễ dàng tìm thấy, nuôi dưỡng những kết nối ý nghĩa giữa người với người trong cộng đồng của mình.

Tìm lại nhịp đập cảm xúc cho thành phố hiện đại - Ảnh 6.Masterise Homes khai trương khu căn hộ hàng hiệu JW Marriott đầu tiên tại Việt Nam

Sự kiện đánh dấu sự ra mắt của dòng căn hộ hàng hiệu phân khúc đô thị (urban branded residences) đầu tiên của JW Marriott tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp