
Ảnh chụp màn hình tuyên bố trên Truth Social của ông Trump về thỏa thuận thuế quan với Indonesia rạng sáng 16-7
Indonesia đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ
Rạng sáng 16-7 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này vừa đạt thỏa thuận thương mại với Indonesia.
Theo đó, hàng hóa Indonesia xuất vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế cố định 19%. Đổi lại, Jakarta miễn thuế và hàng rào phi thuế quan đối với hàng Mỹ xuất sang nước này, cũng như cam kết thực hiện nhiều thương vụ lớn với các công ty Mỹ.
Washington cũng sẽ áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa trung chuyển (transshipment) từ một quốc gia chịu mức thuế cao hơn thông qua Indonesia.
Ông Trump thông báo: "Sáng nay tôi đã hoàn tất một thỏa thuận quan trọng với Cộng hòa Indonesia sau cuộc trao đổi với Tổng thống Prabowo Subianto, một người được kính trọng cao của nước này. Đây là thỏa thuận bước ngoặt, lần đầu tiên trong lịch sử mở toàn bộ thị trường Indonesia cho Mỹ.
Theo thỏa thuận, Indonesia cam kết mua 15 tỉ USD sản phẩm năng lượng Mỹ, 4,5 tỉ USD nông sản Mỹ và 50 máy bay Boeing, trong đó có nhiều chiếc Boeing 777.
Lần đầu tiên, các chủ trang trại, nông dân và ngư dân Mỹ sẽ có quyền tiếp cận hoàn toàn thị trường Indonesia, nơi có hơn 280 triệu dân.
Ngoài ra, Indonesia sẽ phải trả mức thuế 19% cho tất cả hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, trong khi hàng Mỹ xuất sang Indonesia sẽ được miễn cả thuế quan và rào cản phi thuế quan.
Nếu có hành vi trung chuyển hàng hóa từ quốc gia bị áp thuế cao hơn thì mức thuế đó sẽ được cộng thêm vào mức thuế mà Indonesia đang chịu".
Ông Susiwijono Moegiarso, quan chức cấp cao thuộc Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, cho biết Jakarta đang cùng Washington chuẩn bị một tuyên bố chung giải thích rõ ràng chi tiết thỏa thuận này.
EU không thể thông qua gói trừng phạt Nga

Thủ tướng Slovakia Robert Fico - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, ngày 15-7, Slovakia đã phủ quyết việc thông qua gói trừng phạt thứ 18 của Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Nga.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết ông đã chỉ đạo đại diện nước này dự cuộc họp với ngoại trưởng các nước EU ngày 15-7 yêu cầu hoãn việc bỏ phiếu thông qua gói trừng phạt trên.
Ông Fico mong muốn EU bổ sung các đảm bảo rằng Bratislava sẽ không bị ảnh hưởng bởi kế hoạch loại bỏ sử dụng khí đốt Nga từ năm 2028 của khối này.
Trong bức thư được văn phòng ông Fico công bố, Ủy ban châu Âu cam kết sẽ cùng Slovakia giải quyết các lo ngại về an ninh năng lượng của nước này nhằm nhận lá phiếu ủng hộ cho lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga.
Ông Fico khẳng định: "Liên minh cầm quyền phản đối đề xuất ngu xuẩn của Ủy ban châu Âu về việc dừng dòng chảy khí đốt Nga từ năm 2028. Tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng đàm phán để đạt được các đảm bảo giúp Slovakia an tâm nhất định về nguồn cung khí đốt sau năm 2028".
Chia sẻ sau cuộc họp trên, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cho biết "thực sự tiếc" vì gói trừng phạt không được thông qua.
Bà nói thêm: "Quyết định giờ nằm trong tay Slovakia", đồng thời bày tỏ hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với nước này trong phiên họp ngày 16-7.
Trái với các thành viên EU còn lại, Slovakia hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng của Nga. Nước này đã thường xuyên yêu cầu được miễn trừ khỏi các chính sách bài trừ năng lượng Nga của EU từ khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ.
NATO cảnh báo Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ bị Mỹ trừng phạt vì giúp Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với Tổng thư ký NATO Mark Rutte (phải) tại phiên họp ở La Haye ngày 25-6 - Ảnh: REUTERS
Ngày 16-7, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cảnh báo các quốc gia như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt thứ cấp nếu tiếp tục làm ăn với Nga.
Ông Rutte chia sẻ với báo chí sau cuộc họp riêng với một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ: "Tôi đặc biệt muốn nhắn gửi ba quốc gia này: nếu bạn đang sống ở Bắc Kinh, Delhi hay là tổng thống Brazil, bạn nên cân nhắc kỹ điều này vì nó có thể gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Xin hãy điện đàm với (Tổng thống Nga) Vladimir Putin và nói với ông ta rằng ông ấy cần nghiêm túc với các cuộc đàm phán hòa bình. Nếu không, hậu quả sẽ đổ ập xuống Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc một cách nặng nề".
Tuyên bố của ông Rutte được đưa ra dựa trên lời đe dọa được ông Trump đưa ra trước đó hơn một ngày. Ngày 14-7, tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế quan trừng phạt 100% lên các nước mua hàng xuất khẩu Nga nếu Matxcơva không chịu đạt thỏa thuận hòa bình trong 50 ngày.
Ông Trump nhấn mạnh không về phe Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tối hậu thư khi ông ngày càng không hài lòng với ông Putin - Ảnh: FINANCIAL TIMES
Ngày 15-7, ông Trump cảnh báo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không tấn công Matxcơva.
"Không, ông ấy không nên nhắm vào Matxcơva", ông Trump nhấn mạnh trước báo chí.
Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố "không đứng về phía ai cả" trong cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm giữa Nga và Ukraine. Ông nhấn mạnh bản thân "đứng về phía nhân loại" vì "tôi muốn chấm dứt sự giết chóc".
Ông cũng nhấn mạnh mốc thời gian 50 ngày ông cho Nga hoàn thành thỏa thuận hòa bình là hợp lý.
"Tôi không nghĩ 50 ngày là dài. Thậm chí (thỏa thuận hòa bình có thể hoàn thành) sớm hơn mốc đó. Nếu sau 50 ngày mà vẫn chưa có thỏa thuận, đó sẽ là một điều rất tồi tệ", ông cảnh báo.
Thượng viện Mỹ bảo vệ chương trình viện trợ chống AIDS

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa John Thune tại Thượng viện Mỹ thông báo cơ quan này sẽ giữ lại chương trình PEPFAR - Ảnh: REUTERS
Tối 15-7, Thượng viện Mỹ dự kiến bắt đầu bỏ phiếu thông qua đề xuất cắt giảm hơn 9 tỉ USD ngân sách viện trợ nước ngoài từng được Quốc hội nước này thông qua trong quá khứ. Đề xuất này được chính Tổng thống Trump đưa ra.
Đáng chú ý, thượng nghị sĩ cả hai đảng đều ủng hộ đề xuất giữ lại sáng kiến toàn cầu chống HIV/AIDS PEPFAR. Đây là chương trình được khởi xướng năm 2003 dưới thời cựu tổng thống George W. Bush.
Do đó, tổng giá trị viện trợ quốc tế bị cắt giảm sẽ giảm từ 9,4 tỉ USD xuống còn 9 tỉ USD.
Ông Russell Vought, giám đốc Văn phòng Quản lý và ngân sách Nhà Trắng, cho biết ông Trump khả năng cao sẽ chấp nhận việc giữ lại PEPFAR.
"Có một bản sửa đổi thay thế không bao gồm việc hủy bỏ ngân sách PEPFAR. Chúng tôi đồng ý với phương án đó", ông Vought chia sẻ.
Tránh nóng trong... hầm tránh bom

Người dân tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) phải chui xuống các hầm tránh bom để trốn tránh cái nóng gay gắt mùa hè - Ảnh: TRUNG QUỐC TÂN VĂN XÃ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận