
Người dân làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội
Hôm nay 1-7, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường hưởng lương hưu khi đáp ứng hai điều kiện: đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên và đến tuổi về hưu.
Trước đây, người lao động muốn hưởng lương hưu thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.
Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam và từ 55 lên 60 tuổi với nữ.
Từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đến năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng. Với nữ là 56 tuổi 8 tháng.
Đối với lao động nữ, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng, sau đó mỗi năm đóng thêm sẽ cộng thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng, sau đó mỗi năm đóng thêm sẽ cộng thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mới
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ 1-7-2025, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động như sau:
Đối với người lao động, tỉ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc là 10,5%. Trong đó, 8% bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí - tử tuất), 1,5% bảo hiểm y tế và 1% bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với người sử dụng lao động, tỉ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc là 21,5%, bao gồm 17,5% bảo hiểm xã hội (trong đó 14% cho chế độ hưu trí, 3% cho chế độ ốm đau - thai sản và 0,5% chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp), 3% bảo hiểm y tế và 1% bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, các mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (tổng cộng là 32%) trên chỉ áp dụng cho người lao động Việt Nam.
Các nhóm bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội mới
- Người làm việc không trọn thời gian (bán thời gian), có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.
Đây là điểm mới so với quy định hiện hành là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc nhóm bắt buộc.
- Người làm việc theo hợp đồng (không có tên là hợp đồng lao động) nhưng có nội dung thể hiện việc trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (lưu ý giới hạn ở chế độ hưu trí và tử tuất).
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.
- Quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện vốn của doanh nghiệp, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát/kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương.
- Lực lượng dân quân thường trực.
Ngoài ra, từ 1-7-2025, những người đóng bảo hiểm xã hội mở rộng hưởng thêm chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động.
Các nhóm không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng.
- Lao động là người giúp việc gia đình.
- Chủ hộ có đăng ký kinh doanh hoặc quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước/doanh nghiệp, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên hội đồng quản trị/ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng lương và đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận