Vì sao bão Wipha suy yếu trước khi vào đất liền?

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng 22-7, bão Wipha (bão số 3) đổ bộ vào đất liền, cường độ mạnh cấp 9 (75 - 88km/h), giật cấp 11.

Vì sao bão Wipha suy yếu trước khi vào đất liền? - Ảnh 1.

Diện tích lúa mới gieo cấy ở Ninh Bình bị ngập trắng do mưa bão - Ảnh: DANH KHANG

Sau khi bão đổ bộ vào đất liền nước ta, nhiều người cho rằng ảnh hưởng gió bão, mưa có nơi cũng không lớn như dự báo trước đó (có thể mạnh cấp 10-11 ở vùng gần tâm bão).

Bão đi lệch về phía bắc

Trên thực tế, từ chiều 21 đến trưa 22-7, gió mạnh đã xảy ra trên diện rộng khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tại đặc khu Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cơ quan khí tượng ghi nhận gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 9, giật cấp 11.

Một số trạm ven biển có gió rất mạnh như Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 10, giật cấp 12, Quảng Hà (Quảng Ninh) cấp 9, giật cấp 11, Tiên Yên (Quảng Ninh) cấp 10, giật cấp 14 - đây là điểm ghi nhận gió giật mạnh nhất trong đợt bão này. Một số khu vực đất liền ven biển Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình cũng ghi nhận gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Cùng với đó bão cũng gây mưa lớn diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, nhiều nơi vượt 300mm.

Đặc biệt tại Thanh Hóa, nhiều trạm mưa trên 300mm như Nga Sơn 412mm, Sầm Sơn 379mm, Triệu Sơn 336mm. Các trạm Hải Anh, Giao Linh, Tam Điệp (Ninh Bình) cũng ghi nhận trên 260mm.

Lý giải về việc gió bão suy yếu trước khi đổ bộ vào đất liền với Tuổi Trẻ chiều 22-7, ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết do bão đi lệch nhiều hơn về phía bắc (đất liền ven biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) nên đã giảm ba cấp (từ cấp 12 xuống cấp 9) khi vào vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên do vịnh Bắc Bộ không đủ sâu và rộng để tiếp thêm nhiều năng lượng cho bão do đó bão chỉ tăng thêm một cấp lên cấp 10 (trước đó dự báo có thể lên mạnh lên cấp 11).

Cùng với đó, sau khi đi vào bắc vịnh Bắc Bộ bão có xu hướng đi sát vào vùng biển ven bờ (nước nông) tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng nên bão không được tích thêm năng lượng kết hợp với ma sát nên cường độ bão suy yếu xuống cấp 9 ngay trước khi bão đổ vào Hưng Yên - Ninh Bình. Đây cũng là điều may mắn bởi nếu bão mạnh lên cấp 10 - 11 trước khi đổ bộ vào đất liền nước ta thì rất nguy hiểm.

Về việc ở phía bắc tâm bão ít mưa, ông Khiêm cho biết đặc điểm của bão Wipha là vùng mây hoàn lưu nằm tập trung chính ở phía nam tâm bão. "Ngày 21-7, khi bão đi vào phía bắc vịnh Bắc Bộ, toàn bộ khu vực Đông Bắc Bộ, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, có mưa từ chiều đến rạng sáng 22-7.

Trong diễn biến từ đêm 21 đến sáng 22-7, bão dịch chuyển theo hướng tây tây nam (tức từ dọc vùng biển các tỉnh Quảng Ninh về Hải Phòng, Hưng Yên) và sau đó ở trên vùng bờ biển Hưng Yên - Ninh Bình.

Chính vì vậy, cùng với quá trình di chuyển của bão, vùng mây hoàn lưu của bão cũng dịch chuyển xuống phía nam. Do đó hoàn lưu mây bão ngày 22-7 bao trùm và gây mưa nhiều ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Còn ở phía bắc tâm bão mưa sẽ gián đoạn và mưa không lớn như ở phía nam tâm bão.

bão số 3 - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng xã Lượng Minh, tỉnh Nghệ An hỗ trợ người dân di dời tài sản tới nơi an toàn, tránh nguy cơ sạt lở đất - Ảnh: TÂM PHẠM

Hơn 100.000ha lúa bị ngập

Theo báo cáo nhanh đến 17h ngày 22-7 của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, bão làm 79 nhà ở bị tốc mái (Nghệ An). Khoảng 107.000ha lúa bị ngập, trong đó Hưng Yên 26.000ha, Ninh Bình 74.017ha, Thanh Hóa 7.200ha. Hiện các tỉnh đang vận hành máy bơm tiêu nước, chống úng.

Tại Thanh Hóa, mưa to đến rất to trong ngày 21 và 22-7 làm gần 7.200ha lúa mùa bị ngập cục bộ. Hiện nay 34 trạm bơm do các công ty khai thác công trình thủy lợi ở Thanh Hóa quản lý đang vận hành 151 máy bơm để tiêu úng, chống ngập lụt cho diện tích lúa mùa, nhà của người dân và các công trình dân sinh. Mưa to cũng làm 15 hộ dân với 70 nhân khẩu ở thôn Thành Lợi, xã Tân Thành tạm thời bị chia cắt do nước dâng hơn 1m qua Cửa Dụ.

Kiểm tra công tác phòng chống mưa bão ngày 22-7 tại Thanh Hóa, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Thanh Hóa chuyển trọng tâm ứng phó sang vấn đề mưa lớn vì có thể tiếp diễn trong ngày 23-7. Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến các khu vực hồ, đập, hồ chứa, nhất là các hồ lớn.

Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi lượng mưa vượt ngưỡng. Phó thủ tướng cũng yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trực tiếp kiểm tra, phân công kiểm soát những khu vực trọng điểm có thể xảy ra tình huống nguy hiểm.

Kiểm tra tại công trình thủy lợi hồ Cửa Đạt, Phó thủ tướng yêu cầu công tác vận hành phải hết sức chủ động, tính toán kỹ các kịch bản, không để bị động khi mưa lớn xảy ra. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải theo dõi sát tình hình mưa, dòng chảy về hồ từ lưu vực, nhất là khu vực phía thượng nguồn bên Lào để đưa ra quyết định điều tiết phù hợp, tránh bị động và thiệt hại.

Nghệ An: lũ cuốn trôi cầu, nhiều hộ dân bị chia cắt

Tuy không nằm trong đường di chuyển của bão nhưng mưa lớn đã khiến một số địa phương miền núi Nghệ An bị sạt lở, lũ quét trong ngày 22-7.

Ông Lê Hồng Thái - chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An - thông tin do mưa lớn kéo dài ảnh hưởng từ bão, nước từ thượng nguồn các sông suối đổ về dâng cao xuất hiện một đợt lũ từ khoảng 11h và kéo dài ba tiếng. Mưa cuốn trôi cầu dân sinh bắc qua suối ở bản Nhôn Mai.

Trụ sở công an xã bị ngập sâu hơn nửa mét, quốc lộ 16 đoạn qua địa bàn bị chia cắt 4 - 5 điểm, ít nhất bốn bản bị cô lập. "Sau khi xảy ra cơn lũ, xã đã cử các lực lượng tiếp cận các bản bị cô lập và chưa ghi nhận thiệt hại về người song đường sá hư hỏng, hoa màu bị đổ rạp rất nhiều", ông Thái nói.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết tính đến chiều 22-7 lực lượng chức năng ghi nhận 1 người bị thương, 74 gia cầm bị chết và cuốn trôi, 16 cột điện hạ thế gãy đổ, khoảng 200m3 đất đá sạt xuống đường ở xã Keng Đu do ảnh hưởng bão.

Nghệ An đã di dời 121 hộ dân với 414 nhân khẩu ở các xã Nhôn Mai, Hữu Kiệm, Tam Thái (thuộc huyện Tương Dương cũ) đến nơi an toàn trú tránh, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ.

Vì sao bão suy yếu trước khi vào đất liền? - Ảnh 3.Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền Ninh Bình - Thanh Hóa

Tối 22-7, bão số 3 (Wipha) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa. Mưa lớn do bão đã làm hơn 100.000ha lúa bị ngập úng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bão số 3 bão WIpha
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp