
Một hố khai quật mở ra những dấu vết của con đường thần đạo ở Mỹ Sơn - Ảnh: B.D.
Thông tin với Tuổi Trẻ Online ngày 8-7, một đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam (nay là Đà Nẵng), cho biết trước thời điểm Đà Nẵng và Quảng Nam sáp nhập, trên cơ sở ý kiến từ Mỹ Sơn, phía Quảng Nam đã làm công văn đề nghị ra trung ương cho tổ chức thăm dò khai quật khảo cổ học ở Mỹ Sơn.
Cụ thể: tại công văn gửi ngày 16-6, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đề nghị các cơ quan cấp trên cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ khu vực bãi đất giữa tháp K và nhóm tháp trung tâm khu đền tháp Mỹ Sơn.
Hai vị trí này nằm trong gói thầu "Khai quật nghiên cứu khảo cổ học kiến trúc đường dẫn vào khu đền tháp Mỹ Sơn" hiện đang được thực hiện.
Về lý do đề xuất khai quật, các cơ quan chức năng cho biết khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng xung quanh là đồi núi, thuộc địa phận xã Duy Phú (nay thuộc TP Đà Nẵng).
Đây là nơi lưu giữ hơn 70 đền tháp cùng hơn 30 bi ký có niên đại từ thế kỷ 7 - 13. Những tư liệu trên là những cứ liệu tốt nhất để tìm hiểu quá trình phát triển văn hóa - nghệ thuật Chăm.
Tháng 12-1999, UNESCO công nhận khu di tích Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới.
Tại khu đền tháp Mỹ Sơn từ trước tới nay có nhiều đợt nghiên cứu thăm dò, khai quật khảo cổ được triển khai.
Đáng chú ý, tại hai đợt nghiên cứu hợp tác giữa Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn và Viện Khảo cổ học vào tháng 6-2023 và tháng 3-2025, các đơn vị đã thăm dò, khai quật 440m2 tại vị trí phía đông tháp K.
Tại đây đoàn đã phát hiện, làm rõ dấu tích kiến trúc của một con đường hành lễ, dẫn từ tháp K về phía đông hướng vào các khu tháp E - F.

Trung tâm khu đền tháp Mỹ Sơn - Ảnh: B.D.
"Kiến trúc con đường dẫn vào Mỹ Sơn là phát hiện mới về những vết tích của công trình kiến trúc chưa từng được biết đến ở Mỹ Sơn trong lịch sử tồn tại của di tích.
Phát hiện trên cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K, nhằm làm rõ về sự hiện diện của con đường hoàng gia đi vào Mỹ Sơn của người Chăm xưa", văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam (cũ) nêu.
Các nhà khoa học ước đoán niên đại dấu tích của di tích có từ thế kỷ 7 - 13.
Mục đích thăm dò, khai quật mà các đơn vị đang đề xuất là nhằm thu thập các tài liệu khoa học thực địa để xác định mặt bằng kiến trúc đường dẫn và các kiến trúc liên quan dẫn vào Mỹ Sơn, góp phần nhận diện mặt bằng tổng thể khu di tích Mỹ Sơn trong lịch sử văn hóa Chăm.
Từ đó làm cơ sở phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Viện Khảo cổ học và Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn sẽ phối hợp thăm dò, khai quật. Diện tích thăm dò, khai quật là 770m2.
Hiện Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đang xúc tiến các thủ tục, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu khai quật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận