
Lũ quét nghiêm trọng tại thành phố Kerrville, Texas khiến mực nước sông Guadalupe dâng cao bất thường - Ảnh: AFP
Sau trận lũ quét nghiêm trọng ngày 4-7 tại miền trung bang Texas khiến hơn 100 người thiệt mạng, mạng xã hội Mỹ tràn ngập các đoạn video được cho là ghi lại hiện trường thảm khốc ở địa phương.
Theo báo cáo xác minh của tổ chức kiểm chứng PolitiFact ngày 7-7, nhiều video lan truyền sau trận lũ ở Texas thực chất là hình ảnh cũ, được cắt ghép từ các thảm họa trước đó, thậm chí xảy ra ở quốc gia khác.
Một video đăng trên Instagram ngày 5-7 thu hút hơn 1,2 triệu lượt xem dù sử dụng hình ảnh sai sự thật, lấy từ ba sự kiện không liên quan: bão Helene năm 2024, mưa lớn tại trang trại của ca sĩ Loretta Lynn ở Tennessee, và cảnh nước cuốn trôi bể bơi từ năm 2022.
Dù đều gắn ghi chú khẳng định đây là hình ảnh trong trận lũ quét ở Texas nhưng phần nhiều các video này đều chỉ là sản phẩm cắt ghép để thu hút tương tác - Nguồn: Instagram
Một tài khoản chuyên về thời tiết có tên "weather.al" cũng đăng tải video ngày 6-7 với tiêu đề gây hiểu lầm là cảnh lũ lụt ở Texas.
Tuy nhiên theo xác minh của PolitiFact, video này thực chất là sản phẩm tổng hợp hình ảnh từ ba sự kiện khác nhau, gồm lốc xoáy ở Ấn Độ, phòng gym ngập nước tại Nashville và cảnh một con sông tràn bờ ở Trung Quốc.
Ngoài ra, một video khác đăng trên Instagram ngày 6-7 với chú thích về lũ lụt Texas cũng đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem.
PolitiFact cho biết video này cũng là sản phẩm cắt ghép nhiều nguồn sự kiện không liên quan, gồm cảnh ngập lụt ở Eagle Mountain, bang Utah năm 2024 và hình ảnh ở khu mô phỏng thảm họa Disaster tại Universal Studios ở Orlando, bang Florida.
Nhiều video lan truyền sau lũ lụt ở bang Texas bị xác định là không phản ánh đúng hiện trường - Nguồn: Instagram
PolitiFact đánh giá việc lan truyền các video bị cắt ghép sau thảm họa là hình thức "nuôi" tương tác điển hình, lợi dụng cảm xúc và nhu cầu cập nhật thông tin để thu hút lượt xem, kiếm lợi từ mạng xã hội.
Ông Emerson Brooking, chuyên gia tại Phòng nghiên cứu pháp y kỹ thuật số (DFRLab), cho biết với PolitiFact rằng do trận lũ tại Texas xảy ra vào ban đêm, nhiều người phải sơ tán khẩn cấp, dẫn đến thiếu hình ảnh hiện trường trong thời gian đầu.
Khoảng trống này tạo điều kiện để các nội dung giả mạo lan truyền, vượt mặt tin tức chính thống.
PolitiFact khuyến cáo người xem nên thận trọng với các video sau thảm họa; việc chú ý đến kiến trúc, ngôn ngữ trên bảng hiệu hay âm thanh như tiếng còi hụ, tiếng la hét có thể giúp nhận diện tính xác thực của nội dung.
Chuyên gia bác tin hoạt động gieo mây gây lũ lịch sử ở Texas
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 8-7, sau trận lũ quét nghiêm trọng tại bang Texas, mạng xã hội Mỹ xuất hiện nhiều thông tin đồn đoán công nghệ gieo mây là nguyên nhân gây ra mưa lũ bất thường.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), lượng mưa kỷ lục tại khu vực là kết quả của sự kết hợp giữa độ ẩm từ gió mùa, tàn dư một cơn bão nhiệt đới từng đổ bộ vào Mexico và dòng khí ẩm từ vịnh Mexico.
Ông Augustus Doricko, giám đốc điều hành công ty công nghệ gieo mây Rainmaker, cho biết họ chỉ thực hiện một chuyến bay kéo dài 20 phút vào ngày 1-7 tại miền trung Texas, rồi dừng lại do điều kiện ẩm đã đủ cao. Ông khẳng định hoạt động này không thể gây ra mưa lớn vài ngày sau, vì các hạt vật chất gieo vào mây đã tan biến.
Các chuyên gia khí tượng nhấn mạnh kỹ thuật tạo mưa - sử dụng iodide bạc để kích thích ngưng tụ hơi nước - không thể tạo ra lượng mưa lớn như ở thành phố Kerrville, nơi sông Guadalupe dâng hơn 8m trong chưa đầy một giờ.
“Gieo mây chỉ ảnh hưởng đến các đám mây nhỏ, không thể gây ra trận lũ với 4.000 tỉ gallon nước”, chuyên gia khí tượng Matthew Cappucci khẳng định trên trang cá nhân X ngày 6-7. Ông cũng nhấn mạnh hiện tượng này hoàn toàn có thể lý giải bằng các quy luật vật lý cơ bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận