
Hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá kết quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, đất đai - Ảnh: T.HẢI
Chiều 17-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai và triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng.
Phân định rõ thẩm quyền giải quyết các dự án
Theo ý kiến của các đại biểu, các kết luận, nghị quyết, nghị định của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách.
Đây cũng là cơ sở để các tỉnh, thành phố rà soát các dự án, áp dụng triển khai các biện pháp xử lý, giải quyết các vấn đề tồn đọng, hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Đến nay nhiều vướng mắc đang được tháo gỡ, song với 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, có giá trị, nguồn lực rất lớn của xã hội đang bị lãng phí. Các dự án tồn đọng, liên quan các vướng mắc về pháp lý liên quan quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch…
Có những dự án được xác định có sai phạm, có dấu hiệu sai phạm và nhiều dự án vướng mắc về quy trình, thủ tục. Thẩm quyền giải quyết một số dự án là của Trung ương, còn lại chủ yếu của địa phương.
Vì vậy, các ý kiến cho rằng cần phân cấp, phân quyền và giao việc rõ để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc. Cùng với xử lý các vướng mắc, kể cả xử lý sai phạm theo quy định, cần đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan dự án.
Kết luận, Thủ tướng nêu phương pháp xử lý cần phù hợp với tình hình, đảm bảo hiệu quả, nhân văn, thúc đẩy sự phát triển, đảm bảo không để "sai chồng sai, được việc này mất việc kia".
Đây là việc khó, nhạy cảm nhưng phải quyết tâm thực hiện, nên Thủ tướng cho rằng việc ban hành các chính sách đặc thù để thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 5 địa phương là rất đúng đắn, cần thiết, có hiệu quả.
Trong quá trình làm cần phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm với tinh thần trong sáng. Triển khai việc số hóa cơ sở dữ liệu, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan, không đùn đẩy việc; phải xử lý việc theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: T.HẢI
Phân loại nhóm dự án, tiếp tục báo cáo Bộ Chính trị
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về chống lãng phí và từ thực tiễn xử lý các dự án ở 5 địa phương vừa qua, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo 751 do Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phụ trách, hướng dẫn.
2.981 dự án được phân làm ba loại: nhóm rõ sai phạm; nhóm vướng mắc về thủ tục; nhóm có dấu hiệu vi phạm. Vì vậy, các bộ ngành địa phương liên quan cần tiếp tục cập nhật số liệu, rà soát, tổng hợp, phân loại, phân tích, đánh giá để có hướng xử lý phù hợp.
Nguyên tắc là vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào, ngành nào thì cấp, ngành đó xử lý, vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý; đảm bảo xử lý, giải quyết đúng người, đúng việc, đúng nội dung, đúng phạm vi, đối tượng.
Việc xử lý phải theo nguyên tác của Đảng, pháp luật Nhà nước; đề xuất phương án xử lý đảm bảo có tính chiến đấu cao, công minh, ngay thẳng, đúng bản chất vấn đề, tính thực tiễn sâu sát, tính khả thi rõ ràng, tính hiệu quả cụ thể, rõ nét, tính nhân văn thực sự, rõ đến đâu làm đến đó. Mục tiêu là huy động nguồn lực của các dự án để đóng góp vào tăng trưởng từ 8,3 - 8,5%.
Nhắc lại việc phải chủ động xử lý các vấn đề hiệu quả, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo 751 tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét; đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục thực hiện vai trò giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Trên cơ sở các ý kiến sẽ hoàn thành báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 8-2025. Trong đó xin ý kiến để phân định rõ thẩm quyền của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận