
PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, lưu ý một số nội dung cần tập trung thảo luận trong kỳ họp hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NHƯ QUỲNH
Theo dự thảo lần hai dự án Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) "Cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục ĐH bao gồm: Hội đồng trường (gồm hội đồng ĐH, hội đồng trường ĐH, hội đồng học viện); cơ sở giáo dục ĐH thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia, ĐH vùng không tổ chức hội đồng trường".
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại nếu bỏ hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia, ĐH vùng có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường này.
Cần trao quyền tự chủ đầy đủ
Theo PGS.TS Lê Tuấn Lộc - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong quá trình tự chủ ĐH, thiết chế hội đồng trường hết sức quan trọng.
Trong khi dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), có nội dung "các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia, ĐH vùng không tổ chức hội đồng trường" là chưa phù hợp với thực tiễn và cần phải xem xét điều chỉnh lại cho thống nhất với nguyên tắc của tự chủ ĐH và thiết chế quản trị ĐH.
Thứ nhất, các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia hay ĐH vùng là một pháp nhân độc lập, hoạt động tương tự như một trường ĐH hoàn chỉnh. Mỗi trường đều đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và có quy mô khá lớn.
Do vậy nếu không có tổ chức hội đồng trường ở các đơn vị này sẽ hạn chế vai trò tự chủ và thiết chế quản trị nội tại của nhà trường. Thứ hai, mô hình ĐH quốc gia và ĐH vùng có tính đặc thù là tổ hợp các trường ĐH trong một hệ thống. Còn khái niệm ĐH trong các ĐH hiện nay gồm các trường đơn ngành.
Với đặc điểm này cần có cơ chế vận hành riêng, trong đó, ĐH quốc gia, ĐH vùng đảm nhận vai trò điều tiết, định hướng hỗ trợ chung, còn các trường ĐH thành viên cần trao quyền tự chủ đầy đủ, trong đó việc tổ chức hội đồng trường là cần thiết, then chốt để đảm bảo hiệu quả hoạt động quản trị của nhà trường.
"Trong thực tế tại ĐH Quốc gia TP.HCM có hai cấp hội đồng ĐH quốc gia và hội đồng trường nhưng sự phối hợp không có chồng lấn, tạo hiệu quả rất lớn. ĐH quốc gia quyết định những vấn đề quản trị phối hợp chung trong hệ thống, còn các trường thành viên quyết định các vấn đề liên quan đến tự chủ của trường.
Do vậy kiến nghị và cho phép tổ chức hội đồng trường tại các trường ĐH thành viên ĐH quốc gia và ĐH vùng nhằm đảm bảo quyền tự chủ thực chất, tăng cường tính linh hoạt, hiệu quả quản trị, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Cần tổng kết, đánh giá khách quan về mô hình hiện nay, làm cơ sở cho các thay đổi, tránh các quyết định mang tính chủ quan", ông Lộc kiến nghị.
Mất đi quyền tự quyết chiến lược
PGS.TS Trần Thiên Phúc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), bày tỏ lo ngại khi bỏ mô hình hội đồng trường hai cấp, sự tự chủ, linh hoạt của các trường ĐH thành viên không còn. Trong khi hội đồng ĐH quốc gia không thể ra quyết sách kịp thời cho các đơn vị thành viên.
"ĐH Quốc gia TP.HCM có tám trường ĐH thành viên với quy mô mỗi trường lên đến hàng chục ngàn sinh viên. Hiện nay hội đồng trường của mỗi trường ĐH thành viên đều có hơn 20 người, quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng của nhà trường (nhân sự, tài chính, chủ trương đầu tư...).
Trong khi hội đồng ĐH quốc gia có 21 người. Nếu bỏ hội đồng trường các trường thành viên thì liệu hội đồng ĐH quốc gia ba tháng họp một lần có hết được công việc hay không?", ông Phúc băn khoăn.
PGS.TS Lê Thị Ngọc Điệp - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng việc loại bỏ thiết chế quản trị hội đồng trường đồng nghĩa với việc quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình ở các trường ĐH thành viên ĐH quốc gia và ĐH vùng sẽ không còn.
"Như vậy quyền tự chủ của trường ĐH thành viên qua hội đồng trường sẽ tập trung lên cấp ĐH quốc gia hoặc ĐH vùng và trường ĐH thành viên sẽ mất đi quyền tự quyết chiến lược. Mô hình quản trị tập trung hóa này cũng không phổ biến trong hệ thống ĐH đa thành viên tự chủ mạnh mẽ trên thế giới.
Tôi kiến nghị xem xét lại một cách thấu đáo, làm sao thấy được tư cách pháp nhân của trường thành viên và hội đồng trường của trường ĐH thành viên", bà Điệp nói.

PGS.TS Lê Tuấn Lộc, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), phát biểu ở tọa đàm lấy ý kiến về chính sách xây dựng Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) tại TP.HCM - Ảnh: CÔNG ĐỊNH
Cần làm rõ mối quan hệ
Liên quan đến đề xuất chưa đưa nội dung "không thành lập hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên" vào dự thảo luật lần này, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng về mặt chủ trương, định hướng của Đảng vẫn yêu cầu có hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục ĐH.
Việc giữ nguyên chế định hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của các trường ĐH thành viên để đảm bảo các trường ĐH thành viên là một cơ sở giáo dục ĐH tự chủ học thuật, phát triển văn hóa tổ chức riêng biệt, phù hợp với nguyên lý của mô hình hệ thống ĐH trên thế giới.
ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất sửa đổi, bổ sung một số vấn đề để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tiễn hiện nay: cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình thành lập và hoạt động của hội đồng ĐH quốc gia, hội đồng ĐH vùng và hội đồng ĐH.
Theo tinh thần Luật Giáo dục ĐH hiện hành, hội đồng ĐH quốc gia, hội đồng ĐH vùng và hội đồng ĐH được ghi nhận như nhau. Cần làm rõ mối quan hệ giữa hội đồng ĐH quốc gia hoặc hội đồng ĐH vùng với hội đồng trường ĐH thành viên; đảm bảo hội đồng trường là thiết chế quản trị giúp đảm bảo nguyên tắc tự chủ - trách nhiệm - giám sát trong trường ĐH thành viên; và hội đồng ĐH đóng vai trò quyết định các quyết sách mang tính hệ thống, đặc biệt là khi ĐH quốc gia, ĐH vùng là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng, ví dụ hoạch định chiến lược cấp hệ thống; phối hợp, điều tiết và chia sẻ nguồn lực chung…
PGS.TS Đỗ Trung Hải, hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), nhận định vai trò của hội đồng trường này với ĐH Thái Nguyên đang rất tốt, sự hợp tác giữa hội đồng trường và ban giám hiệu cũng rất tốt. Ông Hải kiến nghị giữ nguyên hội đồng trường của trường ĐH thành viên ĐH vùng như hiện tại.
Vì sao đề xuất bỏ hội đồng trường ĐH thành viên?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, khi tổng kết thực hiện Luật Giáo dục ĐH, mô hình hội đồng trường hai cấp ở ĐH quốc gia, ĐH vùng là một trong nhiều vướng mắc, bất cập.
Ban soạn thảo đề xuất đưa nội dung bỏ hội đồng trường ở trường ĐH thành viên cũng là từ ý kiến của chính các ĐH vùng, ĐH quốc gia và đoàn giám sát của Quốc hội.
"Có ba phương án: một là để nguyên, hai là tăng quyền của ĐH, ba là giảm quyền trường ĐH thành viên. Qua phân tích, cân nhắc ban soạn thảo đưa ra đề xuất bỏ hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến này để phân tích tiếp và xin ý kiến của các bên. Nếu để nguyên như hiện nay thì rất dễ nhưng không giải quyết được những vấn đề đang tồn tại", ông Sơn nói.
Cần nhìn nhận toàn diện
GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế), cho hay thực tế lâu nay hội đồng trường của nhà trường luôn phối hợp rất chặt chẽ với hội đồng ĐH Huế.
Hội đồng trường hiện nay cùng với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy trường thể hiện tốt vai trò trong quản trị một cấu trúc vừa đào tạo lý thuyết vừa thực hành khám chữa bệnh cho người dân.
Ông đề nghị cần có nhìn nhận toàn diện về hội đồng trường thành viên ĐH vùng và cho rằng những gì đã làm tốt không nên xóa bỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận