
Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn nói "dành cả tâm huyết cho mỏ đất hiếm" - Ảnh: GIANG LONG
Ngày 15-5, phiên tòa xét xử cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 26 người trong vụ án xảy ra tại Công ty Thái Dương và các đơn vị khác, liên quan khai thác trái phép đất hiếm tiếp tục phần tranh tụng.
"Nếu không làm bị cáo sẵn sàng nhận án tử hình"
Trong phần luận tội, viện kiểm sát đề nghị mức án 12-15 năm tù đối với ông Đoàn Văn Huấn, chủ tịch Công ty Thái Dương. Ông bị cáo buộc phạm ba tội vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường.
Trong hơn 10 phút tự bào chữa trước tòa, ông Huấn nhiều lần khóc nấc nói đã "dành cả tâm huyết" cho mỏ đất hiếm. Ông thừa nhận "sai thì sai rồi" nhưng xin được trình bày thêm về bối cảnh thực hiện hành vi.
Theo quy định, để khai thác đất hiếm, doanh nghiệp phải xây dựng nhà máy thủy luyện và nhà máy chiết tách. Công ty Thái Dương không có giấy chứng nhận đầu tư cả hai nhà máy này, song vẫn được cấp giấy phép.
Ông Huấn cho hay đã tham khảo kinh nghiệm nhiều nơi, thấy rằng không thể xây dựng hai nhà máy cùng lúc.
Ông khẳng định Công ty Thái Dương đã hoàn thiện nhà máy thủy luyện ở Yên Bái, dự kiến tháng 6-2024 sẽ xây nhà máy chiết tách ở Hải Phòng.
"Tôi quyết tâm làm, nhưng đang làm thì bị bắt nên mọi thứ dang dở. Dự kiến năm 2024 nhà máy sẽ xây ở Hải Phòng, nếu không làm thì bị cáo sẵn sàng nhận án tử hình", ông Huấn òa khóc.

Luật sư Vũ Thị Nga nêu quan điểm bào chữa cho ông Huấn - Ảnh: GIANG LONG
Tiếp tục phân trần, chủ tịch Công ty Thái Dương cho biết suốt quá trình doanh nghiệp khai thác đất hiếm không có một cơ quan nào ra văn bản nhắc nhở hay cảnh báo, mọi thứ "đều nói làm tốt".
"Nếu bị đình chỉ hay bị nhắc nhở thì doanh nghiệp sẵn sàng sửa chữa ngay, nhưng tất cả đều nói làm tốt", ông Huấn phân bua.
Về việc không được bán quặng thô mà phải chế biến sâu, ông Huấn nói nắm được quy định này, vì thế trước khi tiêu thụ, bị cáo đều trực tiếp đến kiểm tra, thấy đối tác đúng là có nhà xưởng nên mới bán.
Ông Huấn cũng nhắc lại bản thân mới học hết lớp 8, do đó hiểu biết hạn chế. Các vấn đề liên quan đến sổ sách, số liệu, bị cáo giao toàn bộ cho kế toán và hoàn toàn tin tưởng.
Tuy nhiên ông Huấn vẫn xin nhận trách nhiệm và xin hội đồng xét xử giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
"Nếu tôi nói sai trước tòa thì cứ tăng tội tôi một gấp đôi đi, tội tôi quá", ông Huấn khóc to và cam kết về những lời nói của mình trước tòa.
Luật sư đề nghị xem lại cách tính thiệt hại
Ngoài trách nhiệm hình sự, chủ tịch Công ty Thái Dương còn bị đề nghị nộp khắc phục số tiền 712 tỉ đồng, được cho là hưởng lợi từ khai thác trái phép đất hiếm.
Báo chữa cho ông Huấn, luật sư Vũ Thị Nga, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đang sử dụng 2 cơ sở để xác định giá trị khoáng sản đã khai thác trái phép.
Một là số lượng khoáng sản thành phẩm (quặng đất hiếm và quặng sắt) mà Công ty Thái Dương đã tiêu thụ. Hai là số lượng khoáng sản đã khai thác, chưa qua chế biến và hiện đang nằm tại kho.
"Số khoáng sản đều do cùng một chủ thể, đều do hành vi khai thác trái phép, nhưng lại được xác định bởi giá trị khác nhau", luật sư đặt vấn đề.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ khai thác trái phép, buôn lậu đất hiếm - Ảnh: GIANG LONG
Theo luật sư, với hành vi khai thác trái phép, giá trị phải được xác định trên cơ sở giá trị khoáng sản nguyên khai, chưa qua chế biến, tuyển rửa, sàng lọc. Do đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử xác định thiệt hại trên cơ sở khoáng sản nguyên khai.
Ngoài ra, luật sư Vũ Thị Nga đề nghị tòa xem xét các thủ tục, tạo điều kiện cho bị cáo được làm thủ tục ủy quyền cho cổ đông (vợ bị cáo), xin lại con dấu, giấy tờ liên quan để Công ty Thái Dương tiếp tục được hoạt động. Do không có con dấu, từ tháng 10-2023 đến nay, công ty ngừng toàn bộ hoạt động.
Cựu thứ trưởng xin giảm án cho cấp dưới
Trong vụ án này, ông Nguyễn Linh Ngọc (cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) bị viện kiểm sát đề nghị 30-36 tháng tù cho hưởng án treo, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tự bào chữa trước tòa, ông Ngọc nói ngắn gọn xin hưởng khoan hồng và xin hội đồng xét xử giảm án cho cấp dưới của mình.
Cấp dưới của ông Ngọc là bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, bị đề nghị 5-6 năm tù.
Bào chữa cho ông Ngọc, luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng hành vi của cựu thứ trưởng chỉ dừng lại ở việc ký cấp phép, một nhiệm vụ mang tính thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ đầy đủ từ cấp dưới trình lên, không trực tiếp dẫn đến thiệt hại.
Thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi khai thác trái phép của Công ty Thái Dương, việc này xảy ra sau khi ông Ngọc đã nghỉ hưu và không còn chịu trách nhiệm quản lý.
Luật sư cho rằng ông Ngọc cũng không có động cơ cá nhân, chỉ có động cơ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, "đặc biệt là không vụ lợi". Từ đó luật sư đề nghị hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Ngọc 1 năm tù và cho hưởng án treo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận